Thị trường dầu mỏ gặp cú sốc kép
Giá dầu đã giảm mạnh trong tuần này sau cú sốc kép từ thuế quan của Tổng thống Donald Trump và việc OPEC+ bất ngờ tăng sản lượng đã làm thay đổi bối cảnh năng lượng toàn cầu với tốc độ chóng mặt.

Giá dầu Brent đã giảm tới 13% chỉ trong hai ngày 3/4 và 4/4 xuống chỉ còn hơn 66 USD/thùng, làm dấy lên nghi ngờ mới về nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy mạnh mẽ sản lượng dầu của Mỹ và đạt được sự thống trị về năng lượng, nhưng điều này cũng gây sức ép lên các quốc gia dầu mỏ ở Trung Đông.
Trong tuần qua, dầu Brent giảm 10,9%, là mức giảm hàng tuần lớn nhất trong 1,5 năm, trong khi dầu WTI ghi nhận mức giảm lớn nhất trong hai năm với mức giảm 10,6%.
"Đối với tôi, đây có lẽ là mức giá hợp lý đối với dầu thô cho đến khi chúng ta có một số dấu hiệu cho thấy nhu cầu thực sự đã giảm bao nhiêu", Scott Shelton, chuyên gia năng lượng của United ICAP cho biết.
Goldman Sachs mới đây đã cắt giảm dự báo giá dầu Brent xuống còn 66 USD/thùng và dầu WTI còn 62 USD/thùng vào cuối năm nay. UBS Group trước đó dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày nhưng đã đang cắt giảm con số đó xuống gần 50%.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: "Những rủi ro đối với dự báo giá dầu giảm của chúng tôi đặc biệt trong năm 2026 là do rủi ro suy thoái ngày càng gia tăng và ở mức độ thấp hơn là nguồn cung OPEC+ tăng cao hơn".
Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ đang giao dịch ở mức gần 61 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 65 USD/thùng mà nhiều công ty cần để có lãi khi khoan giếng mới ở Texas và các bang lân cận. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại đang đẩy giá thiết bị khoan lên cao, với chi phí đường ống tăng khoảng 30% so với mức trước khi Tổng thống Trump áp thuế 25% đối với thép vào tháng trước.
Sự kết hợp giữa giá dầu thấp hơn và chi phí cao hơn đe dọa làm chệch hướng nỗ lực của Tổng thống Trump để các công ty dầu khí của Mỹ tăng sản lượng. Tuy nhiên, giá dầu thấp hơn cuối cùng sẽ kéo giá xăng xuống, điều này sẽ giúp đạt được mục tiêu cắt giảm chi phí năng lượng của của Tổng thống Trump.
Ở châu Âu, giá dầu giảm là tin đáng mừng. Thuế quan đã khiến giá khí đốt ở khu vực này giảm xuống mức thấp nhất trong sáu tháng do kỳ vọng rằng chiến tranh thương mại có thể làm tê liệt nhu cầu năng lượng toàn cầu và làm dịu đi tình trạng thắt chặt gần đây của thị trường.
Mức giá khí đốt thấp hơn góp phần mang lại sự nhẹ nhõm cho một khu vực đang phải chật vật để dự trữ đủ khí đốt cho mùa đông năm sau. Nếu nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, châu Âu sẽ ít có khả năng phải đối mặt với sự cạnh tranh để mua các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ và các nơi khác.
Tại Đức, giá khí đốt thấp hơn có thể giúp ích cho các ngành công nghiệp đang gặp khó khăn của nước này, vốn đã phải vật lộn kể từ khi xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng tăng vọt.
Tại Trung Đông, Ả Rập Xê Út đã thúc đẩy OPEC+ tăng gấp ba lần sản lượng đã lên kế hoạch trước đó vào tháng 5 trong một nỗ lực rõ ràng là để trừng phạt một số quốc gia thành viên của OPEC+ (bao gồm Kazakhstan và Iraq) vì họ liên tục phớt lờ hạn ngạch sản lượng.
Nhưng đây cũng được xem là một canh bạc rủi ro đối với OPEC+. Nhiều quốc gia thành viên của OPEC+ cần giá dầu cao để trang trải chi tiêu của chính phủ. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ả Rập Xê Út cần giá dầu trên 90 USD/thùng và đã buộc phải cắt giảm đầu tư vào một số dự án trọng tâm trong tầm nhìn chuyển đổi nền kinh tế của Thái tử Mohammed bin Salman.
Theo ước tính của IMF, Iraq cũng cần giá dầu trên 90 USD/thùng, trong khi Kazakhstan cần hơn 115 USD/thùng.
Đối với Mỹ, giá dầu giảm khiến các công ty dầu đá phiến phải chấp nhận một thực tế mới khắc nghiệt.
Josh Silverstein, nhà phân tích của UBS cho biết: “Chúng ta gần như cảm thấy động thái này của OPEC+ là động lực thúc đẩy mọi người nói rằng: Được rồi, giờ chúng tôi thực sự phải nghĩ đến mức giá dưới 60 USD/thùng”
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-dau-mo-gap-cu-soc-kep-post366875.html