Thị trường dầu mỏ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức

Sau khởi đầu mạnh mẽ vào mùa hè, triển vọng giá dầu đang ảm đạm trở lại khiến các tập đoàn dầu mỏ và các nhà sản xuất Trung Đông phải chật vật với những gì sẽ xảy ra tiếp theo.

Kể từ khi đạt gần 90 USD/thùng vào đầu tháng 7, hợp đồng tương lai giá dầu Brent đã mất hơn 10% do nền kinh tế Trung Quốc suy yếu và kỳ vọng về một đợt cung cấp mới từ châu Mỹ đã làm lu mờ nhu cầu thúc đẩy vào mùa hè của Mỹ và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông. Công suất sản xuất nhiên liệu đang bùng nổ cũng làm xói mòn lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu.

Giằng co trong phạm vi từ 75 - 90 USD/thùng trong hầu hết cả năm, hướng đi của giá dầu hiện sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi liên minh OPEC+. Cơ quan này sẽ phải đối mặt với quyết định sắp xảy ra về việc có nên khôi phục sản lượng nhàn rỗi trong một thị trường dường như không cần thêm sản lượng hay không.

Christof Ruehl, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia cho biết: "Có những kỳ vọng tiêu cực về tình trạng dư thừa nguồn cung… Nhu cầu đã ổn định ở mức thấp hơn và nguồn cung đang bùng nổ ở khắp mọi nơi. Sẽ có tác động tiêu cực đến giá dầu nếu OPEC+ chấm dứt cắt giảm sản lượng”.

Kế đó, lợi nhuận của các tập đoàn dầu mỏ lớn như BP Plc và Shell Plc đều có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Mặc dù là lực cản đối với dầu, nhưng giá xăng tương lai giao dịch gần mức thấp nhất trong sáu tháng vẫn sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương có thể điều chỉnh lãi suất khi đã kiểm soát được lạm phát.

Đầu mùa hè này, khi triển vọng thị trường tươi sáng hơn, OPEC+ đã đưa ra một kế hoạch tạm thời để khôi phục 543.000 thùng/ngày sản lượng trong quý IV, khi họ dần khôi phục nguồn cung được cắt giảm kể từ cuối năm 2022.

Nhưng kể từ đó, bối cảnh nhu cầu đã trở nên u ám hơn.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngay cả khi OPEC+ hủy bỏ các đợt tăng sản lượng theo kế hoạch, thị trường toàn cầu sẽ dịu lại vào quý tới khi tình trạng cạn kiệt nhanh chóng của hàng tồn kho hiện đang diễn ra chấm dứt. Năm tới có vẻ còn bấp bênh hơn, với thặng dư hơn 1 triệu thùng/ngày trong quý I/2025 ngay cả khi OPEC+ không tăng sản lượng trở lại.

Spencer Dale, nhà kinh tế trưởng tại BP Plc cho biết: "Sự tăng trưởng trong nguồn cung ngoài OPEC phần lớn sẽ đáp ứng được sự tăng trưởng trong nhu cầu chung… Điều đó có nghĩa là phạm vi để OPEC khôi phục công suất có thể tương đối hạn chế".

Tại Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất - hoạt động mua dầu từ nước ngoài đã giảm xuống mức yếu nhất trong gần hai năm trong bối cảnh kinh tế suy thoái và sự chuyển dịch sang nhiên liệu ít carbon hơn. Các nhà máy lọc dầu của nước này đang cắt giảm sản lượng, làm xói mòn mức tiêu thụ dầu thô.

Nhu cầu ngày càng tăng của Ấn Độ đối với nhiên liệu diesel - động lực tăng trưởng tiêu thụ quan trọng khác - cũng đang đình trệ do hiệu quả sử dụng nhiên liệu được cải thiện và quá trình điện khí hóa đường sắt của nước này. Theo dữ liệu từ JPMorgan, hoạt động sản xuất trên toàn cầu đang thu hẹp trở lại sau 6 tháng mở rộng.

Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng tại Trafigura Group cho biết: “Nếu chúng ta tiếp tục chứng kiến nhu cầu yếu ở Trung Quốc và chúng ta có lượng dầu thô tăng trái mùa vào tháng 9, điều đó có thể sẽ gây thêm áp lực lên giá".

Citigroup dự kiến giá dầu thô sẽ giảm xuống mức thấp nhất là 55 USD/thùng vào năm tới. DNB Bank cũng cảnh báo tương tự rằng giá dầu có thể giảm xuống còn 60 USD/thùng nếu OPEC+ tuân thủ các kế hoạch của mình. Goldman Sachs dự báo rủi ro giảm giá đối với phạm vi giá có thể đạt được vào năm tới là 75 - 90 USD/thùng.

Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ vẫn có một số điểm sáng ở Mỹ. Lượng dầu thô dự trữ trên toàn quốc đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 1 và lượng hàng tồn kho tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma cũng tiếp tục giảm. Nhưng điều đó có thể đảo ngược khi một số nhà máy lọc dầu hàng đầu của Mỹ chuẩn bị giảm tốc độ xử lý trong quý này.

Mặt khác, giá dầu duy trì ở mức cao trong những năm gần đây đã tài trợ cho một làn sóng cung cấp mới từ các nhà sản xuất lớn bên ngoài liên minh OPEC+.

Sản lượng đang tăng ở Canada - hiện đang bơm nhiều dầu hơn bất kỳ nhà sản xuất OPEC nào ngoại trừ Ả Rập Xê Út - và Guyana với sản lượng đã tăng lên 700.000 thùng/ngày từ mức 0 chỉ vài năm trước. Một số ít nhà sản xuất dầu mới dự kiến sẽ xuất hiện vào cuối thập kỷ này.

Và liên minh này phải đối mặt với một thách thức từ bên trong: hai quốc gia thành viên đang chịu lệnh trừng phạt là Iran và Venezuela đã tăng sản lượng, cùng nhau xuất khẩu 3,3 triệu thùng/ngày trong ba tháng qua. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 5/2019.

“OPEC sẽ phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn…Việc tăng thêm sản lượng dầu trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng thấp và những trở ngại kinh tế vĩ mô tiềm ẩn là rất rủi ro, đặc biệt là khi nguồn cung ngoài OPEC dự kiến sẽ tăng”, Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group cho biết.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-dau-mo-tiep-tuc-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-post352445.html