Thị trường IPO châu Á được kỳ vọng tích cực hơn vào năm 2024
Các ngân hàng đầu tư trên thị trường vốn cổ phần châu Á đang kỳ vọng về một năm 2024 tốt đẹp hơn sau kết quả IPO ảm đạm trong năm nay khi lãi suất đã ổn định trên toàn cầu, nhưng các cuộc bầu cử trên toàn khu vực và ở Mỹ có thể làm giảm nhu cầu IPO.
Dữ liệu LSEG cho thấy lãi suất cao, lạm phát dai dẳng và căng thẳng địa chính trị đã khiến doanh số phát hành cổ phiếu của các công ty châu Á Thái Bình Dương (bao gồm cả Nhật Bản) giảm 20% giá trị từ đầu năm đến nay xuống còn 229 tỷ USD, khiến năm nay có nguy cơ trở thành năm phát hành cổ phiếu thấp nhất kể từ năm 2012.
Dữ liệu bao gồm việc bán cổ phiếu sơ cấp và thứ cấp, phát hành trái phiếu chuyển đổi và giao dịch lô lớn (block trade).
Tuy nhiên, khi lãi suất ở nhiều quốc gia dường như đã đạt đỉnh và các cuộc họp chuyển sang đề cập tới việc cắt giảm lãi suất vào năm tới, tâm lý thị trường vốn cổ phần đã được cải thiện trong vài tuần qua.
Udhay Furtado, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần châu Á của Citi cho biết: “Hiện tại, chúng ta đang ở trong thời điểm thị trường có triển vọng vĩ mô khá lành tính, điều này có thể thúc đẩy các nhà phát hành xuất hiện. Nguồn cung rất mạnh”.
Bằng chứng về sự cải thiện tâm lý đối với việc phát hành cổ phiếu đã được nhìn thấy trong một số giao dịch lô lớn trong khu vực trong vài tuần qua, bao gồm việc Bain Capital bán đi số cổ phiếu trị giá 448 triệu USD của mình tại Ngân hàng Axis của Ấn Độ trong tháng này.
Tuy nhiên, ông Furtado cho biết, cơ hội cho các công ty tiếp cận thị trường để huy động vốn sẽ "chặt chẽ và khó điều hướng" khi các cuộc bầu cử diễn ra. Khi hoạt động chính trị nóng lên, các doanh nghiệp thường miễn cưỡng đưa ra các quyết định về thương vụ lớn, cảnh giác với những thay đổi chính sách có thể xảy ra.
Các thương vụ lớn sắp diễn ra trong năm tới bao gồm kế hoạch của công ty hậu cần Cainiao của Alibaba sẽ huy động từ 1 đến 2 tỷ USD trong đợt IPO ở Hồng Kông. Đây sẽ là lần niêm yết lớn đầu tiên của một công ty con của Alibaba.
Cạnh tranh IPO ở châu Á rất khốc liệt với phí phát sinh từ các giao dịch thị trường vốn cổ phần chiếm gần 40% doanh thu của các ngân hàng đầu tư của khu vực so với 25% trên toàn cầu.
Trung Quốc được xem là thị trường IPO bận rộn nhất thế giới vào năm 2023 trong năm thứ hai liên tiếp, mặc dù giá trị IPO đã giảm 35% xuống còn 37,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay trong bối cảnh nền kinh tế đang suy yếu. Các cơ quan quản lý cũng đã tìm cách làm chậm tốc độ IPO ở nước này khi họ nỗ lực cải thiện cơ chế trên thị trường thứ cấp.
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc cũng như căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc nhìn chung đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thấp cổ phiếu Trung Quốc trong năm nay nhưng các động thái của Trung Quốc nhằm củng cố nền kinh tế dường như đã có hiệu quả.
Sunil Dhuphelia, đồng giám đốc thị trường vốn cổ phần khu vực châu Á ngoại trừ Nhật Bản tại JPMorgan cho biết: “Chúng tôi vẫn nhận thấy các nhà đầu tư quốc tế tương đối thận trọng với việc đầu tư vào Trung Quốc, những thay đổi chính sách gần đây đang mang lại sự thoải mái và tâm lý đang bắt đầu chuyển biến tích cực hơn một chút”.
Theo dữ liệu của LSEG, danh sách niêm yết mới ở Hồng Kông (Trung Quốc) - trước đây được hưởng lợi từ lâu từ các công ty Trung Quốc đại lục đổ xô huy động vốn - đã giảm 36% xuống còn khoảng 5 tỷ USD trong năm nay và đang trên đà ghi nhận năm thấp nhất trong ít nhất 20 năm.
Đối với các ngân hàng đầu tư ở Hồng Kông, sự sụt giảm của hoạt động IPO đã dẫn đến việc cắt giảm việc làm trên diện rộng.
Richard Wang, đối tác tại Công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer, người tư vấn về các thương vụ M&A cho biết: “Trong tương lai, sẽ rất hữu ích nếu các nhà quản lý tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp niêm yết tại Hồng Kông để thúc đẩy sự đa dạng, tránh sự phụ thuộc quá mức vào các công ty đến từ Trung Quốc đại lục”.