Thị trường kỳ vọng sẽ tích lũy hồi phục, giúp VN-Index hướng lên 1.260 điểm
Về kỹ thuật, VN-Index đang có xu hướng kiểm tra lại vùng giá 1.255 điểm (khu vực cao nhất năm 2023) và đường xu hướng ngắn của trung hạn nối các vùng giá thấp nhất tháng 11/2023 và tháng 4-7/2024.
Nối tiếp tuần điều chỉnh trước đó, thị trường giảm mạnh trong hai phiên đầu tuần đồng nghĩa với việc VN-Index kiểm định lại vùng kỹ thuật 1.220 điểm trước khi phục hồi.
Sau đó, áp lực bán đã giảm trong các phiên tiếp theo, nhờ đó VN-Index rút ngắn được khoảng cách rơi, cả tuần giảm 22,67 điểm (tương ứng 1,79%) và đóng cửa tại mức 1.242,11 điểm. Bên cạnh đó, HNX-Index dừng ở mức 236,66 điểm sau khi giảm 3,86 điểm (tương ứng 1,6%).
Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng
Theo báo cáo phân tích từ Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), một số nhóm ngành dẫn dắt thị trường đi xuống là chứng Khoán với SSI (-7,76%), VCI (-5,16%), VIX (-12,66%), BSI (-7,55%), CTS (-11,9%), MBS (-8,93%)…, nhóm ngân hàng với LPB (-8,7%), MBB (-4,33%), ACB (-3,98%), CTG (-4,04%), BID (-3,04%)… và nhóm bảo hiểm cùng chìm trong sắc đỏ, cụ thể là BVH (-5,57%%), MIG (-5,97%), BMI (-3,37%)...
Tuy nhiên, nhóm ngành viễn thông đã “lội dòng nước ngược” có tuần giao dịch tích cực với các mã FOX (+5,11%), TTN (+7,74%), FOX (+5,11%)… Cùng với đó, nhóm ngành điện nước và xăng dầu cũng ghi nhận diễn biến ấn tượng, tiêu biểu là POW (+1,88%), CNG (+7,99%), REE (+1%)... Trong nhóm hàng không, ngoại trừ mã HVN giảm giá (-20,08%), các mã khác đa phần giao dịch trong sắc xanh với ACV (+5,69%), VJC (+2,08%), NAS (+12,5%), NCT (+0,63%)... Tại nhóm cổ phiếu thực phẩm và đồ uống, cổ phiếu MSN tăng mạnh (+4,23%) sau khi ra báo cáo doanh thu 6 tháng cải thiện hơn 4% với gần 39.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 64% và đạt 1.424 tỷ đồng, bên cạnh đó là các mã VNM (+0,77%), KDC (+2,65%)...
Điểm đáng chú ý, ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội, cho biết nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng với giá trị 387 tỷ đồng tại sàn HoSE. Trong đó, họ tập trung tại mã KDC (+470 tỷ đồng), SBT (+439 tỷ đồng), VNM (+232 tỷ đồng) và MSN (112 tỷ đồng)… Chiều ngược lại, họ bán mạnh tại các mã DGC (-419,5 tỷ đồng), SSI (-288,8 tỷ đồng)... Tuy nhiên, khối ngoại vẫn bán ròng tại sàn HNX với 13 tỷ đồng, tập trung tại các mã LAS (-23,9 tỷ đồng), DTD (-12 tỷ đồng) và TIG (-11,6 tỷ đồng) và chiều mua nổi bật tại các mã PVS (+32,3 tỷ đồng), MBS (+11 tỷ đồng), IDC (+10,3 tỷ đồng)...
Theo ông Phan Tấn Nhật, một số tổ chức (Ngân hàng HSBC, Citibank) đã đưa những đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam dựa trên căn cứ về đà tăng trưởng mạnh mẽ của GDP quý 2 và các lĩnh vực xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cụ thể, Ngân hàng HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP 2024 lên 6,5% (trước đó là 6%) đồng thời giảm dự báo lạm phát xuống 3,6%. Trong tuần, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định lùi thời hạn công bố quyết định xem Việt Nam có phải là nền kinh tế thị trường hay không (thêm 1 tuần tới ngày 2/8/2024) do ảnh hưởng bởi sự cố máy tính gần đây và hiện, Việt Nam đang nhận được sự ủng hộ của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) và Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) về vấn đề này.
Kiểm tra lại vùng giá quanh 1.255 điểm
Ông Phan Tấn Nhật phân tích sau tuần giao dịch chịu áp lực điều chỉnh với khối lượng giao dịch khá đột biến, nhất là dưới áp lực thông tin tổng dư nợ ký quỹ (margin) cuối quý 2 lập đỉnh mới và cao hơn thời điểm đầu năm 2022. Thị trường chứng khoán đã trải qua tuần giao dịch kém tích cực tiếp theo với những phiên giảm điểm mạnh về vùng hỗ trợ 1.200-1.220 điểm, kết hợp của vùng giá 200 phiên với vùng giá cao nhất năm 2018 và vùng giá trung bình trong 5 năm.
Trong ngắn hạn, ông Phan Tấn Nhật cho hay VN-Index đang có xu hướng kiểm tra lại vùng giá quanh 1.255 điểm (đây là vùng giá cao nhất năm 2023) và đường xu hướng ngắn trung hạn nối các vùng giá thấp nhất tháng 11/2023, 4-7/2024 kéo dài đến nay.
“Xu hướng ngắn hạn của VN-Index vẫn kém tích cực do không giữ được đường xu hướng tăng trưởng ngắn trung hạn trên. Trong trường hợp tích cực, chỉ số cần vượt lên vùng kháng cự trên, để cải thiện xu hướng ngắn và trung hạn. Song, điểm tích cực là thị trường đang có sự phân hóa mạnh, nhiều mã tăng giá với kỳ vọng vượt vùng đỉnh cũ nhờ có kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng tốt, đại diện tại các nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, phân phối khí, sản xuất nhựa, vận tải dầu khí và xăng dầu và một số mã công nghệ cũng có xu hướng phục hồi lại đỉnh cũ,” ông Phan Tấn Nhật chia sẻ.
Xu hướng trung hạn, ông Phan Tấn Nhật đánh giá thị trường tích lũy kém tích cực tương đồng xu hướng ngắn hạn, khi VN-Index không giữ được đường xu hướng giá kéo dài từ tháng 11/2023 đến nay, cũng như vùng giá cân bằng 1.245 điểm -1.255 điểm. Qua đó, thị trường chuyển sang tích lũy trong khu vực VN-Index từ 1.200 điểm đến 1.255 điểm. Nếu chỉ số vượt lên lại kháng cự quanh 1.255 điểm và vùng giá trung bình 120 phiên hiện nay, thị trường có thể kỳ vọng xu hướng trung hạn quay trở lại kênh tích lũy 1.250 điểm -1.300 điểm.
Đưa ra những đánh giá cụ thể, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết ở khung đồ thị ngày, chỉ số vận động trong dải xu hướng và biến động của giá (Bollinger band) và bám sát đường chỉ báo hỗ trợ và kháng cự. Đồng thời, chỉ báo dòng tiền (CMF) đang hướng lên cho thấy lực cầu tham gia vào thị trường đã chủ động hơn. Nếu, lực cầu được duy trì ổn định và dòng tiền tiếp tục phân hóa, thị trường kỳ vọng sẽ có những phiên tích lũy hồi phục và hướng lên mốc VN-Index 1.260 trong tuần tới.
Về chiến lược giao dịch, nhóm phân tích của VCBS kiến nghị thị trường chứng khoán đang có những tín hiệu hồi phục tương đối rõ nét với dòng tiền lan tỏa ổn định giữa các nhóm ngành. Do đó, các nhà đầu tư có thể cân nhắc tiếp tục giải ngân từng phần đối với những mã cho tín hiệu hồi phục cùng thị trường./.