Thị trường lao động Đà Nẵng hồi phục cùng nhịp tăng trưởng kinh tế
Bức tranh kinh tế Đà Nẵng quý I/2025 ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, khi GRDP chạm mốc 11,36%. Đằng sau con số tăng trưởng ấn tượng ấy là sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động.

Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Khu Công nghiệp Hòa Khánh.
Nền tảng từ sự tăng trưởng kinh tế
Thống kê năm 2024 cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tại Đà Nẵng ước đạt 661,5 nghìn người, với tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo ước đạt 49,80%. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động phi chính thức trong năm 2024 là 50%, tăng 0,7 điểm phần trăm so với năm 2023.
Có thể thấy, trước khi quý I/2025 tăng trưởng 2 con số, Đà Nẵng có nguồn cung lao động tiềm năng lớn để đáp ứng nhu cầu của thị trường; song, vẫn cần “cú huých” thị trường việc làm chính thức để hấp thụ lực lượng lao động.
Báo cáo Tình hình kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng tháng 3 và quý I/2025 của Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cho thấy, quy mô nền kinh tế thành phố quý I/2025 theo giá hiện hành ước đạt hơn 38.935 tỷ đồng, mở rộng 5.213 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, quy mô giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với 3.493 tỷ đồng; khu vực công nghiệp-xây dựng mở rộng 1.191 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng 21 tỷ đồng. Sự tăng trưởng vượt bậc này cho thấy nền kinh tế Đà Nẵng đang có động lực mạnh mẽ, tạo tiền đề thuận lợi cho việc tạo ra việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Kinh tế đêm Đà Nẵng sôi động với nhóm ngành dịch vụ-du lịch.
Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế chung, sự tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch, đã tạo ra nhu cầu lớn về lao động trong các lĩnh vực như dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch lữ hành, và các dịch vụ hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, sự phục hồi của ngành công nghiệp và xây dựng, đặc biệt là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, cũng kéo theo nhu cầu cao về nguồn nhân lực.
Theo đó, trên các trang tuyển dụng việc làm và thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, nhu cầu tuyển dụng trong ngành du lịch tại Đà Nẵng luôn hiện hữu với nhiều vị trí khác nhau như: chuyên viên tư vấn du lịch, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên lễ tân khách sạn, quản lý tour du lịch, chuyên viên marketing du lịch,...
Mức lương cho các vị trí này dao động tùy theo kinh nghiệm và vai trò; đơn cử như chuyên viên tư vấn du lịch có mức lương trung bình khoảng 10 triệu đồng/tháng và quản lý tour du lịch khoảng 15 triệu đồng/tháng. Các nhà tuyển dụng trong ngành du lịch thường ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp và ngoại ngữ tốt, cũng như kiến thức về các điểm đến du lịch địa phương.

Sản xuất giày dép tại Công ty Cổ phần Hữu nghị Đà Nẵng.
Trong các khu công nghiệp, nhiều công ty, doanh nghiệp đang tích cực tuyển dụng công nhân, bao gồm công nhân may và lao động phổ thông, với mức thu nhập trung bình từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng. Để thu hút người lao động, các công ty còn đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ hấp dẫn như thưởng chuyên cần, phụ cấp xăng xe, nhà ở, thưởng năng suất, và hỗ trợ nuôi con nhỏ. Sự tích cực trong tuyển dụng và các chính sách đãi ngộ cho thấy nhu cầu lao động trong các khu công nghiệp đang tăng lên rõ rệt.
Theo báo cáo Tình hình kinh tế xã hội thành phố Đà Nẵng tháng 3 và quý I/2025, việc tiếp tục thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm như: công nghệ thông tin, công nghệ cao, du lịch đã và đang mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động, đặc biệt là những lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường; đồng thời, sẽ tạo ra nguồn lao động có kỹ năng chuyên môn cao trong tương lai.
Động lực từ chính sách hỗ trợ việc làm
Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ việc làm và phát triển thị trường lao động. Chương trình “Có việc làm” giai đoạn 2021-2025 đã đặt mục tiêu giải quyết việc làm cho 34.000 đến 35.000 lao động mỗi năm và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 3% vào cuối năm 2025.
Trong quý I/2025, thành phố đã tổ chức 9 phiên giao dịch việc làm với 780 lượt doanh nghiệp tham gia, tổng số lượt vị trí cần tuyển là 55.850 lượt người, giải quyết được 407 lao động có việc làm. Đối với Chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm, từ đầu năm đến nay, thành phố đã thực hiện cho vay 2.650 dự án, với số tiền 192 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho 2.842 lao động.

Phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng.
Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã và đang là một trong những giải pháp hiệu quả của Đà Nẵng trong giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là lao động nông thôn.
Trong tháng 3/2025, Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang đã hỗ trợ thực hiện việc đưa lao động đi làm việc ngắn hạn tại Hàn Quốc. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 356 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó lao động đi làm việc thời vụ trong ngành nông nghiệp là 355 lao động.
Bên cạnh các mô hình giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và tuyển dụng làm việc, nhiều chính sách hỗ trợ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã được thành phố duy trì nhằm phát triển thị trường lao động bền vững.
Trong tháng 3/2025, Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng đã khai giảng khóa đào tạo thiết kế bán dẫn chuyên sâu đầu tiên dành cho 80 sinh viên tài năng; mục tiêu chính là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thúc đẩy sự phát triển công nghệ bán dẫn, blockchain, AI, hướng đến mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.
Qua đó, Đà Nẵng mong muốn không chỉ là nơi nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm mà sẽ trở thành nơi sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như vi mạch bán dẫn cung cấp cho thế giới.