Thị trường lao động Nhật Bản thu hút nhiều người lao động, vì sao?

Kinhtedothi – 345.000 người lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Chương trình thực tập sinh kỹ năng; lao động kỹ năng đặc định; lao động kỹ thuật, kỹ sư, phiên dịch viên đã thu hút nhiều người lao động Việt Nam tới Nhật Bản làm việc.

Ngày 25/8, tại Hội thảo “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản: Chặng đường hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản chính thức được bắt đầu kể từ năm 1992, thông qua tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản. Kết quả hợp tác về lao động ngày càng tốt đẹp và không ngừng phát triển đã đem lại lợi ích kinh tế cho người dân, DN của hai nước.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Tổng số lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là 345.000 người, tính đến tháng 12/2022.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết: Tổng số lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là 345.000 người, tính đến tháng 12/2022.

Đến tháng 12/2022, tổng số lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản là 345.000 người. Trong số 15 quốc gia phái cử, Việt Nam hiện là nước đứng đầu đưa lao động sang Nhật Bản làm việc.

Tham luận về hợp tác trong lĩnh vực đưa thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐTB&XH Phạm Viết Hương cho biết: Những năm gần đây, số lao động sang Việt Nam làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây là kết quả rất tích cực, thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản: Chặng đường hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản: Chặng đường hợp tác trong lao động, việc làm và an sinh xã hội”.

Cụ thể, kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam đến nay, trong hơn 30 năm qua, đã có hơn 400.000 thanh niên Việt Nam tới Nhật Bản để thực tập kỹ năng. Số lượng thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật Bản, từ 10.200 người năm 2013 lên 82.700 người năm 2019, tăng hơn 8 lần; năm 2022 có gần 68.000 thực tập sinh; 6 tháng đầu năm 2023 có hơn 35.000 thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản.

Hiện nay có khoảng 80.000 lao động đặc định Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, chiếm 58,7% tổng số lao động đặc định nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó thực tập sinh kỹ năng chuyển sang chiếm 81%.

Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, bắt đầu được triển khai từ năm 2012. Đến nay, Việt Nam đã đưa được 1.697 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản.

Đối với chương trình lao động kỹ thuật, kỹ sư, phiên dịch viên, hiện nay có khoảng 65.000 người Việt Nam đang làm việc trong các DN của Nhật Bản.

Chương trình hợp tác giữa Bộ LĐTB&XH với Tổ chức phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan) là chương trình phi lợi nhuận, thực tập sinh không phải trả tiền dịch vụ và được tổ chức IM Japan hỗ trợ nhiều khoản chi phí. Sau khi hoàn thành chương trình thực tập tại Nhật Bản về nước đúng hạn, thực tập sinh sẽ nhận được khoản hỗ trợ từ 600.000 JPY (đối với thực tập sinh hoàn thành 3 năm) và 1.000.000 JPY (đối với thực tập hoàn thành 5 năm) để khởi nghiệp trong nước. Đến nay đã có hàng ngàn thanh niên Việt Nam trong đó nhiều người thuộc diện đối tượng chính sách, người nghèo, dân tộc thiểu số đã đi thực tập kỹ năng tại Nhật Bản theo chương trình này...

Ngoài những chương trình hợp tác giữa Chính phủ, các bộ, ngành 2 nước, Bộ LĐTB&XH đã ký kết Bản ghi nhớ với chính quyền một số địa phương của Nhật Bản như tỉnh Kanagawa, Ibaraki, Gunma, Chiba, Miyagi, Wakayama... để thúc đẩy việc đưa thực tập sinh, lao động Việt Nam đến các tỉnh đó trong các lĩnh vực ngành nghề cụ thể mà địa phương có thế mạnh, nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động và người lao động Việt Nam mong muốn đến làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Phạm Viết Hương cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc phái cử, tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản: Thực tập sinh chỉ nhận mức lương cơ bản tối thiểu và không có tiền thưởng, các khoản phụ cấp như lao động Nhật Bản, nhiều trường hợp điều kiện lao động không được đảm bảo, thu nhập chưa cao... Hiện nay, các cơ quan liên quan của Nhật Bản đang xem xét sửa đổi Chương trình thực tập kỹ năng.

Tình trạng thực tập sinh, lao động bỏ trốn khỏi nơi thực tập, cư trú làm việc bất hợp pháp, vi phạm pháp luật Nhật Bản mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

Theo ông Phạm Viết Hương, cơ quan chức năng hai nước đã tích cực phối hợp giải quyết những vấn đề phát sinh đối với chương trình phái cử thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản. Về phía Việt Nam, Bộ LĐTB&XH đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng thực tập sinh, lao động bỏ hợp đồng, vi phạm pháp luật Nhật Bản, thúc đẩy việc phái cử thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thi-truong-lao-dong-nhat-ban-thu-hut-nhieu-nguoi-lao-dong-vi-sao.html