Thị trường lao động TP Hồ Chí Minh nhiều khởi sắc

Đầu năm 2023, thị trường lao động ở TP Hồ Chí Minh có nhiều khởi sắc, không xảy ra tình trạng khan hiếm như những năm trước. Nhiều doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh tái cấu trúc nguồn lao động theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng đà phục hồi kinh tế, thích ứng theo biến động của tình hình mới.

Nhiều tín hiệu lạc quan

Khác với những năm trước, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, người lao động từ các tỉnh, thành phố khác quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc từ rất sớm. Tình trạng doanh nghiệp khan hiếm lao động xảy ra rất ít và số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng sau Tết là hơn 500 đơn vị. Theo bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang Việc Làm Tốt thuộc Tập đoàn công nghệ mua bán, rao vặt trực tuyến Carousell, những năm trước, nhu cầu tuyển dụng và tìm việc sau Tết Nguyên đán đều tăng cao từ 20% đến 40%. Năm nay, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc cao nên nhu cầu tuyển dụng lao động không tăng quá mạnh như các năm trước. Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng để đáp ứng đà phục hồi kinh tế như: Du lịch, bán lẻ, công nghệ thông tin...

Công nhân may Tổng công ty Cổ phần may Nhà Bè tích cực sản xuất đáp ứng các đơn hàng.

Công nhân may Tổng công ty Cổ phần may Nhà Bè tích cực sản xuất đáp ứng các đơn hàng.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (FALMI) vừa đưa ra dự báo, năm 2023, TP Hồ Chí Minh có lực lượng lao động hơn 4,8 triệu người, dựa trên kết quả phục hồi, tăng trưởng kinh tế năm 2022 đã có dự báo nhu cầu nguồn lao động dự kiến khoảng 300.000-320.000 lao động. Hiện nhu cầu nhân lực quý I cần khoảng 79.000-87.000 lao động, quý II khoảng 72.500-75.500 lao động, quý III khoảng 73.000-76.000 lao động, quý IV khoảng 75.500-81.500 lao động.

Ưu tiên lao động chất lượng cao

Năm 2023, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung nâng cao hiệu quả kết nối cung-cầu lao động-việc làm, chất lượng đào tạo nghề nhằm cải thiện năng suất lao động. Bà Đặng Trịnh Nhã Hương, Giám đốc khu vực miền Nam của Công ty Navigos Search chia sẻ: Thị trường lao động năm 2023 sẽ sôi động ở các nhóm ngành nghề như: Bất động sản khu công nghiệp, cảng biển và xuất nhập khẩu, ngành sữa, ngân hàng (các vị trí liên quan đến chuyển đổi số), lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, dệt may, công nghệ thông tin... Tuy nhiên, lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng khắt khe, nhiều tiêu chí hơn vì doanh nghiệp đẩy mạnh tái cơ cấu lao động để bảo đảm năng lực sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Thiên An Holding cho biết: "Lĩnh vực bất động sản đang ở giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm mạnh nhân sự. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có nền tảng phát triển tốt cơ cấu lại nguồn lao động chất lượng cao. Công ty chúng tôi đã triển khai tuyển dụng các lao động có chuyên môn, kinh nghiệm gắn với mức lương, thưởng cao để triển khai các dự án, sẵn sàng đẩy mạnh hoạt động khi thị trường bất động sản hồi phục".

Giữa tháng 1-2023, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh thực hiện “Bản tin tổng quan về thị trường lao động năm 2022-Dự báo nhu cầu nhân lực năm 2023 tại TP Hồ Chí Minh”. Hoạt động này được xem là điểm nhấn mới vì tạo nên kênh thông tin kết nối giữa sinh viên các trường đại học với các bên tuyển dụng. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và Việc làm sinh viên, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ: Chương trình cũng nhằm gắn kết và phát triển hoạt động quan hệ của nhà trường với doanh nghiệp, tạo sự kết nối thiết thực, hiệu quả giữa các bên để triển khai các chương trình giới thiệu việc làm gắn với những tiêu chí, nhu cầu cụ thể theo ngành, nhóm nghề và chuyên môn kỹ thuật; đáp ứng xu hướng thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, chương trình còn cung cấp thông tin thị trường lao động, phân tích, dự báo nhu cầu nhân lực, kết nối cung-cầu lao động, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Tập đoàn Vinagroup là doanh nghiệp du lịch phục vụ khách du lịch cả nội địa và quốc tế, có đối tác, hoạt động ở hơn 60 quốc gia. Để đón đầu đà phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh, nhu cầu du lịch nước ngoài của người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, công ty đã triển khai chương trình tuyển dụng quy mô lớn, nhưng kèm theo đó là các yêu cầu về tiêu chuẩn tuyển dụng, như: Sử dụng thành thạo ngoại ngữ, kinh nghiệm, kiến thức, hiểu biết về lịch sử, xã hội, ngoại hình phù hợp... Các nhân viên sau khi được tuyển dụng còn trải qua những giai đoạn khẳng định năng lực, gắn với mục tiêu đạt được để tiếp cận những cơ hội thăng tiến, tăng mức lương, thưởng. Vì thế, nếu người lao động không nỗ lực để khẳng định bản thân thì khó có thể trụ vững lâu dài.

Tiến sĩ Đỗ Thanh Vân, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho rằng, với vai trò đầu tàu kinh tế, TP Hồ Chí Minh luôn có lực hút nguồn lao động rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh các kênh đào tạo, kết nối cung-cầu lao động-việc làm, chính quyền TP Hồ Chí Minh cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, qua đó tạo cơ sở sản xuất bền vững, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm. Khi thị trường lao động diễn ra trong trạng thái tăng trưởng tốt, có chất lượng cao sẽ không gây áp lực về giải quyết việc làm, an sinh xã hội, tạo cơ sở để thành phố phát triển.

Bài và ảnh: BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thi-truong-lao-dong-tp-ho-chi-minh-nhieu-khoi-sac-719783