Thị trường LNG châu Á trái chiều với kỳ vọng

Đợt nắng nóng nghiêm trọng đang diễn ra tại Trung Quốc khiến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, trong khi lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại châu Á lại giảm đáng kể, dù thị trường năng lượng toàn cầu vẫn còn nhiều áp lực.

LNG nhập khẩu tại châu Á lại giảm đáng kể, dù thị trường năng lượng toàn cầu vẫn còn nhiều áp lực. Hình minh họa

LNG nhập khẩu tại châu Á lại giảm đáng kể, dù thị trường năng lượng toàn cầu vẫn còn nhiều áp lực. Hình minh họa

Nắng nóng kéo dài đẩy nhu cầu điện lên mức kỷ lục

Nhiều tuần qua, Trung Quốc liên tục hứng chịu các đợt nắng nóng gay gắt, gây sức ép lớn lên hệ thống năng lượng quốc gia. Tại các thành phố lớn ở khu vực miền đông và miền trung, nhiệt độ dao động từ 37°C đến 39°C, thậm chí có nơi vượt ngưỡng 40°C. Nguyên nhân chủ yếu được cho là do vùng áp cao cận nhiệt đới hoạt động mạnh bất thường, khiến nhu cầu sử dụng điện - đặc biệt là cho điều hòa - tăng nhanh và kéo dài.

Tổng lượng điện tiêu thụ trên toàn quốc đã lập kỷ lục mới, đạt gần 1,47 tỷ kilowatt, cao hơn hẳn các mức trước đó.

Thị trường trái chiều với kỳ vọng

Tuy nhu cầu điện tăng cao, nhưng nhập khẩu LNG tại châu Á trong nửa đầu năm 2025 lại giảm 6,4%, còn khoảng 133,4 triệu tấn. Nguyên nhân chính là giá khí tại thị trường châu Á vẫn duy trì ở mức cao. Trong khi đó, châu Âu lại tăng mạnh nhập khẩu, hút về phần lớn nguồn cung LNG trên thị trường quốc tế.

Mỹ hiện đóng vai trò trung tâm trong sự dịch chuyển dòng chảy LNG toàn cầu. Xuất khẩu từ Mỹ sang châu Âu đang ở mức kỷ lục, và nếu giá LNG giao ngay tại châu Á giảm, nguồn cung từ Mỹ có thể được điều hướng sang khu vực này. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá cả trên thị trường.

Hệ thống điện Trung Quốc chịu áp lực lớn

Tình trạng nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt, mà còn tạo sức ép lớn lên hệ thống điện, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế ở miền đông Trung Quốc. Tại đây, nhu cầu sử dụng điều hòa tăng mạnh, chiếm khoảng 37% tổng lượng điện tiêu thụ.

Tình trạng hạn hán kéo dài cũng khiến các nhà máy thủy điện, nhất là ở khu vực tây nam, hoạt động kém hiệu quả do thiếu nước. Trước tình hình này, Trung Quốc phải tăng cường sử dụng nhiệt điện - bao gồm các nhà máy chạy bằng khí đốt và than đá - để đảm bảo cung cấp điện ổn định.

Việc phụ thuộc nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu còn cao, sẽ khiến chi phí cho các nhà nhập khẩu năng lượng tại Trung Quốc và châu Á tiếp tục tăng.

Triển vọng thị trường LNG còn nhiều bất định

Trước những diễn biến trái chiều, triển vọng trung hạn của thị trường LNG châu Á vẫn chưa rõ ràng. Nếu sau mùa hè, giá LNG giao ngay giảm nhờ nhu cầu từ châu Âu hạ nhiệt, các nhà khai thác Mỹ có thể tăng xuất khẩu sang châu Á, tạo điều kiện cho các nước trong khu vực nhập khẩu với giá hợp lý hơn.

Tuy vậy, tất cả vẫn còn phụ thuộc vào diễn biến thời tiết, tình hình kinh tế toàn cầu và khả năng vận hành hệ thống điện tại Trung Quốc - nơi mà nhu cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/thi-truong-lng-chau-a-trai-chieu-voi-ky-vong-729872.html