Thị trường M&A tăng trưởng ấn tượng, kỳ vọng từ chính sách mới

Những chính sách mới đi vào cuộc sống cùng 'khẩu vị' của nhà đầu tư thay đổi được kỳ vọng sẽ là bệ đỡ cho thị trường M&A Việt Nam 'nở hoa'.

Trong chín tháng đầu năm 2024, Việt Nam chứng kiến giá trị giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) tăng trưởng 45%, vượt trội so với mức giảm 5% của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam.

Những thương vụ nổi bật trong năm

Thương vụ lớn nhất tính đến nay là nhóm công ty mua lại 55% cổ phần của Công ty CP Phát triển đầu tư và thương mại SDI - đơn vị sở hữu gián tiếp 41,5% cổ phần tại Vincom Retail - với giá trị 982 triệu USD.

Lĩnh vực bất động sản ghi nhận Becamex IDC chuyển nhượng dự án nhà ở tại Bình Dương trị giá 553 triệu USD khi cho Sycamore Limited, một công ty con của CapitaLand Group.

Ở mảng tiêu dùng, Masan Group mua lại cổ phần VinCommerce từ SK South-East Asia Investment với giá trị 200 triệu USD. Trong công nghiệp, VinFast Auto hoàn tất thương vụ mua lại VinES Energy Solutions trị giá 440 triệu USD.

Các nhà đầu tư trong nước chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, với bốn thương vụ lớn từ Vingroup và Masan Group đạt tổng giá trị 1,9 tỷ USD, tương đương 58% thị trường. Dù tăng trưởng ấn tượng, thị trường M&A Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi mức nền thấp của năm 2023 và các giao dịch lớn từ doanh nghiệp nội địa.

Bệ đỡ chính sách và thay đổi khẩu vị đầu tư

Ông Ái nhấn mạnh rằng để đạt sự phục hồi bền vững, thị trường M&A cần bệ đỡ từ tăng trưởng GDP, dự kiến đạt trên 6% trong năm 2024 và 2025, cùng chính sách thúc đẩy công nghệ, trí tuệ nhân tạo, và phát triển hạ tầng. Các dự án lớn như Sân bay Long Thành và tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam được kỳ vọng tạo lực đẩy đáng kể.

Bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch công ty luật Vilaf, nhận định Việt Nam đang bước vào giai đoạn năng động về luật pháp, tạo ra tác động sâu rộng đến hoạt động doanh nghiệp và thu hút đầu tư, cả trong nước và quốc tế.

Hàng loạt sửa đổi luật pháp gần đây đã mở đường cho sự tăng trưởng của thị trường mua bán, sáp nhập (M&A). Các luật như Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi giúp cải thiện điều kiện chuyển nhượng dự án. Những thay đổi này không chỉ gỡ khó khăn cho cả bên mua và bên bán mà còn thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng minh bạch và hiệu quả hơn.

Trong lĩnh vực viễn thông, Luật Viễn thông sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các dịch vụ như Whatsapp, Wechat và Facebook giờ đây được phép sở hữu 100% bởi các nhà đầu tư ngoại mà không cần giấy phép vận hành, giảm bớt rào cản pháp lý và quản lý.

Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Từ đầu năm 2024, hạn chế sở hữu nước ngoài đối với các dịch vụ trò chơi điện tử và bán lẻ sẽ được dỡ bỏ, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư quốc tế tiếp cận các ngành tiềm năng này.

Ngành năng lượng cũng ghi nhận tín hiệu lạc quan với việc ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp. Dù vẫn cần thêm hướng dẫn từ Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cơ chế này đã thắp lên kỳ vọng cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu điện sạch ngày càng tăng.

Những thay đổi pháp lý không chỉ giúp giảm gánh nặng cho nhà đầu tư mà còn tạo nền tảng cho sự bùng nổ của các giao dịch M&A, đồng thời củng cố niềm tin vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Với sự kết hợp giữa các chính sách hỗ trợ và cam kết cải thiện cơ sở hạ tầng pháp lý, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 do báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Lê Toàn

Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2024 do báo Đầu tư tổ chức. Ảnh: Lê Toàn

Xu hướng đầu tư bền vững

Những năm qua, thị trường đầu tư tại Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển dịch rõ rệt trong chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trước đây, các nhà đầu tư thường tìm kiếm cơ hội trong các ngành thiết yếu như sức khỏe, giáo dục, bán lẻ hay hậu cần.

Tuy nhiên, theo bà Bình Lê Vandekerckove, Trưởng bộ phận Mua bán và sáp nhập tại Công ty tư vấn thương vụ Asart, trong ba đến năm năm gần đây, xu hướng này đã thay đổi đáng kể. Các nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng sang các lĩnh vực liên quan đến ESG (môi trường, xã hội và quản trị), công nghệ, trí tuệ nhân tạo và nông nghiệp sạch.

Một trong những ví dụ tiêu biểu là Gamuda Land Việt Nam, nơi ông Angus Liew, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty, đã công bố kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD vào thị trường Việt Nam trong vòng năm năm tới. Các dự án bất động sản của Gamuda Land đều được phát triển theo các tiêu chuẩn ESG, nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Phúc Khang, cho biết công ty đã chọn các đối tác đầu tư có cùng tầm nhìn phát triển bền vững từ khi mới thành lập. Phúc Khang hiện hợp tác với Aeon Mall để tối ưu hóa các khu đô thị, đồng thời duy trì mục tiêu đầu tư an toàn và bền vững trước khi tìm kiếm lợi nhuận.

Bà Mẫu cũng nhấn mạnh rằng việc hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản, dù khó khăn, đã mang lại cho Phúc Khang những bài học quý báu về triển khai chất lượng và quy hoạch kết hợp văn hóa.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Bamboo Capital, cho biết tập đoàn đã và đang sử dụng các giao dịch M&A để thúc đẩy tăng trưởng. Tính đến nay, quy mô của Bamboo Capital đã đạt 45.000 tỷ đồng với các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng tái tạo, bất động sản, dịch vụ và bảo hiểm.

Đặc biệt, trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Bamboo Capital đã đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho đến năm 2027, nhằm sở hữu 2GW và trở thành đơn vị có tỷ trọng điện tái tạo lớn nhất Việt Nam.

Kim Oanh Group của bà Đặng Thị Kim Oanh hiện đang hợp tác với bốn tập đoàn Nhật Bản. Mặc dù quá trình này gặp nhiều khó khăn và kéo dài tới hai năm mới có thể hoàn tất, bà Oanh cho biết rằng điều này giúp Kim Oanh Group trưởng thành rất nhiều.

Các đối tác Nhật Bản yêu cầu các dự án có vị trí đắc địa và pháp lý rõ ràng, đồng thời họ cũng yêu cầu các tiến độ được cam kết một cách nghiêm ngặt. Dù gặp khó khăn trong việc thực hiện các điều khoản hợp đồng chặt chẽ, Kim Oanh Group vẫn kiên trì và đã đi đến giai đoạn cuối của quá trình hợp tác.

Chuyển dịch xu hướng đầu tư tại Việt Nam không chỉ phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu của các nhà đầu tư, mà còn cho thấy thị trường đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và công nghệ cao.

Việc tập trung vào các lĩnh vực như ESG, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, và nông nghiệp sạch sẽ mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Việt Nam.

Hứa Phương

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/thi-truong-ma-tang-truong-an-tuong-ky-vong-tu-chinh-sach-moi-d38124.html