Thị trường mua bán nợ xấu Việt Nam vẫn ở vạch xuất phát
Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu, trong khi đó, việc giải quyết nợ xấu vẫn thực hiện trên sổ sách giữa VAMC và ngân hàng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần mở một ngã rẽ cho nhà đầu tư 'bước vào' thị trường nợ xấu Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2023 là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2,0% vào cuối năm 2022). Tuy nhiên, tính gộp tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.
Nợ xấu đang bị "đá đi đá lại" giữa các ngân hàng
Đại diện VNBA nhấn mạnh, chất lượng tài sản suy giảm, song vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng thương mại (NHTM) gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng. Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.
“Một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu, theo tôi, thời gian tới sẽ tiếp tục tăng”, ông Hùng nói.
Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, việc xử lý nợ xấu khó khăn, các chuyên gia cho rằng, nếu xác định nợ xấu là vấn đề riêng của ngành ngân hàng thì xử lý rất khó, còn nếu xác định nợ xấu là vấn đề xã hội, là vấn đề cần quan tâm thì phải cần sự đồng thuận của các cơ quan, tổ chức để xử lý nghiêm và thu hồi các khoản nợ.
Theo các chuyên gia, vấn đề đầu tiên để xử lý nợ xấu chính là phải có thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Ông Darryl Dong, Cán bộ Quốc gia Cao cấp, IFC Việt Nam phân tích: Nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng, nhưng đến nay Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc mở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia thị trường. Thay vào đó, các chủ thể xử lý nợ xấu chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC. Do đó, thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa.
“Chúng ta cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa”, ông Darryl Dong nhấn mạnh.
Vị chuyên gia của IFC lưu ý: Thời điểm này có thể là lúc Việt Nam phải cho thế giới thấy đang thực sự nghiêm túc trong vấn đề xử lý nợ xấu, muốn hoạt động kinh doanh nợ xấu thực sự diễn ra.
Về giải pháp, ông Darryl Dong cho rằng, ngành ngân hàng không thể một mình giải quyết, phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Biện pháp tiếp cận tốt hơn cả hiện nay là nên có luật riêng dành cho nợ xấu. Đây là việc quan trọng để chỉ chuyên xử lý nợ xấu và tập trung, phản hồi nhanh chóng với thị trường.
“Nếu chúng ta cho phép điều này, xây dựng khung pháp lý hiệu quả, công bằng, nhà đầu tư sẽ tới", ông Darryl Dong nhấn mạnh.
Ngân hàng gặp khó trong thu giữ tài sản
Chia sẻ thực tế quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng mình tại hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi)" tổ chức ngày 17/5, ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc phụ trách Khu vực miền Bắc của Eximbank cho biết: Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu cho phép các ngân hàng “có quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ xấu khi xảy ra trường hợp xử lý TSBĐ theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại Eximbank, các hợp đồng bảo đảm ký trước thời điểm Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 thì không có điều khoản về việc thu giữ TSBĐ. Do đó, Eximbank hiện vẫn thể chưa thể triển khai được việc thu giữ tài sản mặc dù việc bảo đảm tài sản vẫn được công chứng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.
Hay như quy định áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến TSBĐ tại Tòa án. Theo Nghị quyết 42 thì việc áp dụng thủ tục này cần có hướng dẫn của TAND tối cao. Trên thực tế, các tranh chấp cần giải quyết thuộc phạm vi giải quyết của tòa rất nhiều, nhưng đến nay tòa vẫn chưa thụ lý vì chưa có hướng dẫn.
Ông Phạm Thanh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cho biết: về xử lý TSĐB của dự án bất động sản (BĐS), từ trước đến nay chỉ mới có 1 vụ xử lý được theo Nghị quyết 42 vì theo quy định thì bên nhận chuyển nhượng TSBĐ là dự án BĐS phải đáp ứng điều kiện theo Luật kinh doanh BĐS song trên thực thế, điều kiện này không thể đáp ứng được.
Từ những bất cập này, các chuyên gia khuyến nghị cho chương xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi). Theo đó, điều chỉnh điều kiện để thu giữ TSBĐ theo hướng không cần thiết phải thỏa thuận thêm quyền thu giữ tài sản trong hợp đồng bảo đảm.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa kiến nghị: Luật nên có quy định rõ ràng, giao NHTM tự chủ trong thu giữ, phát mại TSBĐ. Khi phát mại TSBĐ cũng không cần có đồng thuận của chủ tài sản nhưng phải thông báo cho họ biết. Tùy từng trường hợp, phải có thỏa thuận giữa NHTM và chủ tài sản. Cũng cần có thêm quy định thu hồi và xử lý TSBĐ trong bao lâu, không phải NHTM thu hồi rồi "ngâm" đấy đợi giá lên mới xử lý.
Ông Nghĩa dẫn chứng: Hiện nay, nhiều TSBĐ của SCB đang bị cơ quan công an thu giữ, không thể mang ra bán được để giải quyết thanh khoản, trong khi Chính phủ phải bơm tiền vào để xử lý. SCB có thể không phải trường hợp cuối cùng nên phải có quy định về TSBĐ liên quan tới các vụ án xử lý như thế nào?
Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cần cân nhắc xây dựng bộ luật riêng về nợ xấu. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ xấu đang căng thẳng thì trong khi chờ xây dựng luật cần có Nghị quyết mới để xử lý vấn đề trước mắt.