Thị trường mua trước trả sau đón tay chơi lớn

Thị trường mua trước trả sau đang trở nên 'nóng' hơn cả, khi gần đây liên tục đón nhận sự tham gia của các tay chơi lớn.

Mặc cho dòng vốn đầu tư vào các startup fintech (công nghệ tài chính) tại Đông Nam Á sụt giảm, thị trường Việt Nam vẫn được coi là mảnh đất "màu mỡ" với ước tính quy mô dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào cuối năm nay, theo Robocash.

Thay vì dồn dập các thương vụ đầu tư góp vốn như vài năm trước, lĩnh vực fintech tại Việt Nam giờ đây đang trở nên phân hóa, tập trung vào hai mảng là sản phẩm đầu tư và mua trước trả sau (BNPL).

Trong đó, thị trường mua trước trả sau đang trở nên "nóng" hơn cả, khi gần đây liên tục đón nhận sự tham gia của các tay chơi lớn. Gần đây nhất, Be Group và ngân hàng số Cake by VPBank đã chính thức nhập cuộc sân chơi này.

Cụ thể, ứng dụng Be và Cake đã cùng đưa ra dịch vụ BNPL hoàn toàn mới có tên bePayLater, cho phép người dùng mua trước trả sau hơn 15 dịch vụ đa dạng trên Be.

bePayLater sẽ cấp sẵn cho người dùng một hạn mức trả sau cố định, được miễn lãi lên tới 45 ngày khi đặt xe ô tô, đặt xe máy, giao hàng, đặt đồ ăn hoặc mua vé xe khách, vé máy bay, tàu hỏa… trên ứng dụng Be.

Bà Vũ Hoàng Yến, Tổng giám đốc Be Group tin tưởng, bePayLater sẽ mang đến trải nghiệm tài chính nhanh gọn và liền mạch cho người tiêu dùng, đồng thời giữ vững vị thế siêu ứng dụng cung cấp đa dịch vụ Việt hàng đầu thị trường.

Thị trường mua trước trả sau đón tay chơi lớn là Be Group và Cake by VPBank - Ảnh: HN

Thị trường mua trước trả sau đón tay chơi lớn là Be Group và Cake by VPBank - Ảnh: HN

Nói về thế mạnh của bePayLater so với các dịch vụ mua trước trả sau đang có mặt trên thị trường, bà Yến cho biết, dịch vụ của Be có ứng dụng AI trong quy trình phát triển sản phẩm, cho phép người dùng đăng ký trực tuyến dễ dàng, thuận tiện.

Đặc biệt, công nghệ trí tuệ nhân tạo còn được ứng dụng vào hoạt động cấp hạn mức tín dụng, giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro tốt hơn, hạn chế tình trạng nợ xấu.

Bên cạnh đó, đại diện Be Group tin rằng, bePayLater là mô hình BNPL tối ưu và an toàn hơn so với các sản phẩm hiện hành, khi tập trung cho "trả trước" các dịch vụ thiết yếu, có nhu cầu thực và do chính doanh nghiệp cung cấp.

Khảo sát gần đây của Q&ME cũng ủng hộ cho lập luận từ phía doanh nghiệp, khi chi tiêu cho các dịch vụ di chuyển trên Be đang cao nhất so với các ứng dụng khác hiện có trên thị trường trong năm 2024.

Theo Q&ME, chi phí người dùng đang chi trả cho việc đặt xe thông qua các ứng dụng chiếm gần 50% tổng chi phí di chuyển hàng tháng.

Điều này đồng nghĩa, đây có thể xem là một "mỏ vàng" BNPL cho doanh nghiệp nếu như bePayLater có thể tận dụng được hệ sinh thái 10 triệu khách hàng Be Group có sẵn.

Đáng chú ý, đồng hành cùng ứng dụng Be lần này còn có sự góp mặt của ngân hàng số Cake by VPBank. Phía Cake tự tin với sản phẩm BNPL hợp tác cùng Be, hướng tới mục tiêu trở thành nền tảng tài chính số toàn diện.

bePayLater có thể tận dụng được hệ sinh thái 10 triệu khách hàng Be Group - Ảnh: HN

bePayLater có thể tận dụng được hệ sinh thái 10 triệu khách hàng Be Group - Ảnh: HN

CEO Cake by VPBank - ông Nguyễn Hữu Quang cho biết, kinh nghiệm xây dựng các sản phẩm tài chính như: mở thẻ tín dụng, gửi tiết kiệm, vay tiêu dùng… mọi lúc mọi nơi với trải nghiệm liền mạch, sẽ được Cake áp dụng cho bePayLater.

Với thế mạnh công nghệ sẵn có, cũng như sự đầu tư lớn vào trí tuệ nhân tạo, ông Quang tin rằng, Cake có thể "hiểu" khách hàng, từ đó đơn giản hóa hành trình khách hàng, giúp mang đến những sản phẩm dịch vụ được "may đo" riêng cho từng đối tượng.

Tính đến hiện tại, Cake đã thu hút hơn 4,4 triệu khách hàng, tổng tiền gửi đạt hơn 8.000 tỉ đồng, khẳng định vị thế ngân hàng số tiên phong tại Việt Nam.

Gần đây, Cake cũng là ngân hàng số đầu tiên nhận được chứng chỉ quốc tế ISO/IEC 30107-3 về nhận diện sinh trắc học khuôn mặt do iBeta công nhận. Đây là giải pháp do chính đội ngũ kỹ sư công nghệ Việt Nam của Cake tự xây dựng và triển khai.

Trước khi có sự nhập cuộc của Be Group và Cake, thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam đã rất sôi động, như việc Lotte Finance bắt tay cùng ZaloPay, hay Home Credit hợp tác cùng với NextPay.

Bên cạnh những tay chơi lớn, thị trường BNPL Việt Nam còn có sự góp mặt của các startup cả ngoại và nội như: Kredivo, MoMo, Fundiin, hay Wowmelo, Movi và Lit...

Theo báo cáo từ Research and Markets giá trị hàng hóa thông qua thanh toán BNPL có thể tăng đến 21 lần, đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2028, cho thấy tiềm năng lớn của thị trường này trên thế giới.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/thi-truong-mua-truoc-tra-sau-don-tay-choi-lon-1721209597788.htm