Thị trường nội địa là 'mảnh đất' tiềm năng cho các nhà bán lẻ

Tiêu dùng nội địa là 1 trong 3 trụ cột tăng trưởng và là trụ cột duy nhất về đích năm 2023 với tỷ lệ tăng 9,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, vượt mục tiêu đề ra. Bước sang năm 2024, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Thị trường trong nước - trụ đỡ quan trọng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã định hướng 3 trụ cột tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu (XK) và tiêu dùng. Trong đó, thương mại là một trong những trụ cột quan trọng đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng vĩ mô, trong đó thị trường và tiêu dùng nội địa đóng một vai trò rất quan trọng.

Doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng sức mua sẽ tăng mạnh trong dịp Tết.

Doanh nghiệp bán lẻ kỳ vọng sức mua sẽ tăng mạnh trong dịp Tết.

Trong những năm gần đây, nhận thức về thị trường trong nước của các doanh nghiệp (DN) và các nhà quản lý đã thay đổi cơ bản. Theo đó, thị trường nội địa, thương mại trong nước đã góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ và gắn liền với phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Đồng thời, cùng với XK và công nghiệp chế biến, chế tạo, thương mại nội địa đã tạo thành "chân kiềng" có tính bổ trợ vững chắc, bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng của ngành Công Thương cũng như của cả nền kinh tế đất nước. Ví dụ, tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8-9%). Điều đáng nói là hệ thống phân phối trong nước đã tập trung rất lớn cho tiêu thụ hàng Việt, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, không chỉ góp phần kích thích sản xuất mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa. Trên các kệ hàng siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ở thành thị, nông thôn, vùng xa... hàng Việt luôn chiếm tỷ trọng 85-90%. Tuy nhiên, thị trường nội địa phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhu cầu tiêu dùng lại phụ thuộc vào mức sống, thu nhập và niềm tin của người dân về triển vọng kinh tế. Do đó, để thị trường trong nước giữ vững vai trò “chủ công” trong thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô thì việc vực dậy thị trường nội địa cần sự chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương, cũng như sự nhạy bén của DN trong nắm bắt xu hướng của người tiêu dùng Việt.

Các chuyên gia cho rằng, thị trường nội địa Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển và là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%. Hiện, tại Việt Nam, trung bình cứ 100 nghìn dân thì cần có 1 đại siêu thị và 1 trung tâm thương mại, cứ 10 nghìn dân cần 1 siêu thị cỡ trung bình, còn 1 nghìn dân cần 1 - 3 cửa hàng tiện lợi. Đây là những yếu tố tiềm năng và là điều kiện thuận lợi để các DN phân phối của Việt Nam có thể mở rộng thị phần và có rất nhiều cơ hội để phát triển.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, thị trường nội địa luôn luôn là bệ đỡ cho các DN Việt Nam trong mọi tình huống. Do vậy, thị trường trong nước cần phải được đẩy mạnh hơn nữa bằng những chương trình kích cầu một cách hiệu quả, thiết thực để đẩy mạnh được tiêu thụ hàng hóa phù hợp với nhu cầu của người dân.

Cần nhiều giải pháp để kích cầu thị trường nội địa

Theo Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ, thị trường nội địa là thị trường rất quan trọng của DN TP Hồ Chí Minh, kể cả DN nội lẫn DN FDI, nên phải chăm chút, nuôi dưỡng và đẩy mạnh phát triển hơn nữa. PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, phải tạo ra đột phá, cú huých mạnh cho chương trình kích cầu tiêu dùng, tạo nên khí thế mới, niềm tin mới. Năm 2024 phải quan tâm đến thị trường trong nước như là một lực lượng để bảo đảm cho nền kinh tế có nền tảng phát triển vững chắc.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa, bởi đây là trọng tâm, cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế. Để kích cầu nội địa, TS. Trần Du Lịch đề xuất, Quốc hội đã quyết kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng còn 8%, nhưng nhiều ý kiến kiến nghị có thể giảm thêm để tăng hiệu quả kích cầu. Nếu giảm thuế GTGT nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, nhưng việc giảm này nếu tăng được sức mua thị trường nội địa thì cũng nên tính toán kỹ. Cùng với đó, các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà soát lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản. Theo đó, nếu gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục triển khai sẽ kích cầu toàn diện và Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thể chế.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, khu vực dịch vụ dự báo vẫn là điểm sáng trong năm 2024. Một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng bởi các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa như: Ngành vận tải hàng không, bán buôn bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ tài chính, dịch vụ du lịch... Các ngành dịch vụ phi thị trường dự báo vẫn ổn định.

Để kích cầu thị trường nội địa, bà Hương cho rằng, cần tiếp tục phát huy nội lực của thị trường dân số hơn 100 triệu dân bằng cách đẩy mạnh thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng với các chương trình lễ hội du lịch, lễ hội mua sắm, chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Để phát triển thị trường nội địa trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, các mối quan hệ với DN nước ngoài và các giao dịch rất quan trọng đối với DN bán lẻ; tận dụng lại những quy hoạch liên quan đến DN nước ngoài, quan hệ hợp tác để các DN nắm bắt các cơ hội này một cách cụ thể hơn để vận hành kinh doanh; tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho DN; ứng dụng các kênh mạng xã hội để tạo xu thế kích cầu dựa trên nguồn lực mới này và giữ chỉ số niềm tin của người tiêu dùng.

Lưu Hiệp

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/thi-truong-noi-dia-la-manh-dat-tiem-nang-cho-cac-nha-ban-le-i719456/