Thị trường nông sản: Giá lúa, gạo biến động nhẹ

Giá lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có biến động nhẹ. Giá gạo xuất khẩu cũng gần như không có biến đổi.

Thị trường nông sản: Giá lúa, gạo biến động nhẹ. Ảnh: Việt Hùng-TTXVN

Thị trường nông sản: Giá lúa, gạo biến động nhẹ. Ảnh: Việt Hùng-TTXVN

Giá lúa, gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua có biến động nhẹ. Giá gạo xuất khẩu cũng gần như không có biến đổi.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng tuần qua cao nhất là 5.950 đồng/kg, giá bình quân là 5.800 đồng/kg, giảm 43 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho trung bình ở mức 7.050 đồng/kg, giảm 125 đồng/kg; giá cao nhất là 7.150 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo cũng có sự điều chỉnh giảm nhẹ. Theo đó, gạo 5% tấm có giá cao nhất 11.000 đồng/kg, giá bình quân 10.036 đồng/kg, giảm 43 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 10.600 đồng/kg, giá bình quân 9.821 đồng/kg, giảm 46 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 9.171 đồng/kg, cũng giảm 46 đồng/kg.

Giá gạo xát trắng loại 1 giảm 75 đồng/kg, giá trung bình là 11.370 đồng/kg. Gạo lứt loại 1 giảm 33 đồng/kg, trung bình là 9.592 đồng/kg.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Môi trường An Giang, giá một số loại lúa tươi được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 5.900 – 6.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 5451 ở mức từ 6.500 – 6.700 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.900 – 7.050 đồng/kg; OM 18 từ 6.800 – 7.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 từ 6.550 - 6.750 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 13.000 – 15.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000 – 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.000 đồng/kg; gạo Hương Lài 22.000 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; gạo Sóc thường dao động ở mốc 17.000 đồng/kg; gạo Sóc Thái giá 20.000 đồng/kg; gạo Nhật giá 22.000 đồng/kg…

Giá gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 8.050 – 8.200 đồng/kg, gạo thành phẩm IR 504 từ 9.500 – 9.700 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 từ 7.700 – 7.850 đồng/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở mức 8.800 - 9.000 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 7.450 – 9.000 đồng/kg. Giá cám khô ở mức 8.000 – 9.000 đồng/kg.

Về xuất khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 395 USD/tấn trong phiên 24/4, gần như không đổi so với mức 396 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu vẫn chưa cải thiện và nguồn cung trong nước đang hạn chế.

Trong khi đó, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo của Ấn Độ và Thái Lan tăng nhẹ trong tuần qua nhờ biến động tỷ giá, song nhu cầu vẫn thấp. Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã hồi phục từ mức thấp nhất 22 tháng, lên từ 389 - 396 USD/tấn, tăng so với mức từ 388 - 394 USD/tấn tuần trước. Đà tăng này một phần nhờ đồng rupee Ấn Độ tăng nhẹ so với USD.

Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 382 - 388 USD/tấn. Các nhà xuất khẩu tại Kolkata nhận định, người mua châu Phi đang tạm dừng mua để xử lý lượng hàng nhập khẩu giá cao từ vài tháng trước. Dự trữ gạo quốc gia của Ấn Độ, bao gồm cả lúa, đã đạt mức kỷ lục 63,09 triệu tấn tính đến ngày 1/4, cao hơn nhiều so với mục tiêu 13,6 triệu tấn của chính phủ.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng lên 410 USD/tấn so với mức 405 USD/tấn của tuần trước, do ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái. Một thương nhân tại Bangkok đã bày tỏ lo ngại về nhu cầu yếu, đơn hàng ít trong khi nguồn cung dồi dào.

Tại Bangladesh, Bộ Thực phẩm nước này cho biết, chính phủ đang bắt đầu mua 1,7 triệu tấn gạo từ nông dân trong mùa thu hoạch hiện tại để tăng cường dự trữ. Bangladesh, nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, đang vật lộn với tình trạng giá gạo trong nước tăng cao, gây áp lực ngày càng lớn lên người tiêu dùng.

Về thị trường nông sản Mỹ, trong phiên giao dịch ngày 25/4, giá đậu tương tại Mỹ giảm sau chuỗi ngày lên giá khi nhiều nhà giao dịch rút lui khỏi thị trường.

Cụ thể, giá đậu tương tại Sở giao dịch Chicago (CBOT) giảm 2,75 xu xuống 10,5925 USD/bushel sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 5/2. Việc Trung Quốc miễn trừ thuế quan đối với một số hàng hóa của Mỹ đã làm dấy lên hy vọng căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc sẽ dịu đi.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc phủ nhận tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc Mỹ đang đàm phán với nước này – quốc gia nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới – đã gây áp lực lên thị trường. Ông Karl Setzer, đối tác tại công ty tư vấn nông nghiệp Consus Ag Consulting cho rằng diễn biến này khiến nhiều nhà giao dịch rút khỏi thị trường trước cuối tuần.

Đối với các mặt hàng nông sản khác, giá lúa mỳ tăng 0,5 xu lên đóng cửa ở mức 5,45 USD/bushel, còn giá ngô tăng 1,5 xu lên đóng cửa ở mức 4,855 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Ông Setzer cho biết giá lúa mỳ tại các hợp đồng kỳ hạn đang phải chịu áp lực trong bối cảnh các cơn mưa giúp cải thiện độ ẩm ở các vùng khô hạn tại Mỹ, Bắc Âu và Nga.

Thị trường cà phê thế giới cho thấy, trên Sàn giao dịch London, giá cà phê robusta thuộc hợp đồng giao tháng 7/2025 đóng cửa phiên sáng 26/4 ở mức 5.415 USD/tấn, giảm 0,22% (12 USD/tấn) so với phiên giao dịch trước; giá cà phê tại hợp đồng giao tháng 9/2025 giảm 0,11% (6 USD/tấn), xuống 5.363 USD/tấn.

Ngược lại, trên Sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica giao tháng 7/2025 tiếp tục tăng 0,26% lên mức 399,85 xu Mỹ/pound; hợp đồng giao tháng 9/2025 tăng 0,33%, đạt 392,6 xu Mỹ/pound. (1 pound = 0,4535 kg).

Tại Việt Nam, phiên 26/4, giá cà phê ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp đà tăng cao, mức tăng từ 1.500 - 1.700 đồng/kg so với phiên giao dịch trước đó. Hiện giá thu mua trung bình ở mức 132.100 đồng/kg.

Theo nhận định của chuyên gia, thời gian tới giá cà phê có khả năng tiếp tục tăng mạnh cả trong nước và thế giới. Đây là xu hướng thị trường trước những lo ngại về nguồn cung toàn cầu bị hạn chế và thời tiết không thuận lợi tại các vùng trồng cà phê trọng điểm trên toàn cầu. Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục suy yếu đã hỗ trợ giá hàng hóa, bao gồm cả cà phê./.

Bích Hồng - Trà My/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thi-truong-nong-san-gia-lua-gao-bien-dong-nhe/371675.html