Thị trường ổn định ngày Mùng 1 Tết

Báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình giá cả thị trường ngày 22/1 (ngày Mùng 1 Tết) của Bộ Tài chính cho thấy, trong ngày đầu năm mới, do hầu hết các hệ thống phân phối ngưng hoạt động và người dân cũng không có nhu cầu mua sắm hàng hóa trong ngày này nên thị trường không có biến động.

Nhiều trung tâm thương mại lớn phục vụ người dân với giá ổn định

Ngày Mùng 1 Tết, hầu hết các chợ và siêu thị, trung tâm thương mại trên cả nước đều đóng cửa, riêng tại các thành phố lớn, một số Trung tâm thương mại lớn như Aeon Mall; Gigamall, một số cửa hàng tiện lợi… vẫn mở cửa phục vụ nhu cầu ăn uống và giải trí của người dân.

Tại TP. Hồ Chí Minh, hệ thống cửa hàng tiện lợi như Bs’Mart, CircleK, FamilyMart… vẫn mở cửa phục vụ 24/24, không nghỉ. Tại Cần Thơ, một số cửa hàng tiện ích như: Chi nhánh Công ty TNHH Vòng Tròn Đỏ tại Cần Thơ - Chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle, Minimart hoạt động xuyên suốt Tết. Do hầu hết các hệ thống phân phối ngưng hoạt động và người dân cũng không có nhu cầu mua sắm hàng hóa trong ngày Mùng 1 Tết nên thị trường không có biến động.

Một số trung tâm thương mại lớn vẫn mở cửa ngày Mùng 1 Tết.

Trong ngày đầu năm mới, do người dân chủ yếu đi chúc tết, đi chơi và đi lễ đầu năm tại các đền, chùa, giá trông giữ xe máy cơ bản không thay đổi so với ngày thường là 5.000 đồng, cá biệt một số đền, chùa nhỏ có những điểm trông xe tự phát mức giá là 10.000 đồng/xe, tuy không nhiều.

Tại Hà Nội, qua khảo sát giá tại chợ Tam Trinh (quận Hoàng Mai), chợ Văn Chương (quận Đống Đa), hầu như các cửa hàng, chợ đều đóng cửa ngày Mùng 1 tết, chỉ có một vài cửa hàng tạp hóa bán giỏ quà tết, bia rượu, bánh kẹo mở cửa. Giá thị trường tết tăng nhẹ trung bình khoảng 10% so với ngày bình thường.

Tại TP. Hồ Chí Minh, Mùng 1 Tết, các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại nghỉ Tết, riêng Trung tâm thương mại Aeon Mall, Gigamall vẫn mở cửa phục vụ người dân thành phố từ 10h00 đến 22h00. Tại 3 chợ đầu mối và chợ lẻ, hầu hết các sạp đều nghỉ Tết, chỉ có một số ít tiểu thương mở cửa bán lấy ngày, chủ yếu là các mặt hàng rau củ quả, trái cây, lượng khách đến chợ rất thấp để mua sắm thêm những sản phẩm còn thiếu như rau thơm, gia vị….

Bên cạnh đó, các hệ thống cửa hàng tiện lợi như Bs’Mart, CircleK, FamilyMart… vẫn mở cửa phục vụ 24/24, không nghỉ.

Tại Đà Nẵng, ngày đầu năm, các chợ, siêu thị đóng cửa, chưa hoạt động, người dân tập trung đi thăm hỏi, chúc Tết, lễ chùa và vui chơi... Giá dịch vụ trông giữ xe máy ở một số điểm do ban quản lý chợ quản lý, thu theo giá quy định của UBND thành phố: 5.000 đồng/chiếc, tuy nhiên tại một số điểm giữ xe tư nhân có nơi giá vé: 10.000 đồng/chiếc. Một số tiệm thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người đã mở cửa, giá bán đúng theo giá niêm yết, không có biến động so với trước Tết.

Qua khảo sát tại Lạng Sơn, ngày Mùng 1 tết tất cả các hoạt động kinh doanh đều tạm ngừng hoạt động nên giá cả không có biến động. Tuy nhiên, đầu năm mới người dân đi chùa cầu may nên bên cạnh một số đền, chùa giá trông giữ xe như ngày thường là 5.000 đồng, cá biệt một số nơi có những điểm trông xe tự phát mức giá là 10.000 đồng/xe. Một số hàng bán hoa quả cạnh đền chùa phục vụ lễ đầu năm, giá cũng tăng so với thời điểm trước Tết từ 5%-10%... do nguồn cung ít.

Về giá cước vận tải Hà Nội-Lạng Sơn, cơ bản giữ ổn định so với thời điểm trong Tết, cụ thể: giá xe khách khoảng 200.000-220.000 đồng/hành khách đối với xe thường và 300.000 đồng/hành khách đối với xe chất lượng cao (xe Limousine).

Tại Cần Thơ, ở các chợ truyền thống, giá cả các mặt hàng thiết yếu từ chiều ngày 29 tháng Chạp đến sáng ngày Mùng 1 tháng Giêng cơ bản ổn định do người dân đã mua đủ số lượng cho những ngày Tết. Ở các siêu thị đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn với Sở Công thương nên giá cả các mặt hàng ổn định.

Đáng chú ý, tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn đăng ký thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nên giá một số mặt hàng thực phẩm công nghệ, rau củ quả, bánh mứt giá được khuyến mại giảm từ 10-20%. Nhu cầu mua sắm của người dân về các giỏ hàng, bia, nước ngọt tăng từ 10% - 20%, sức mua tăng từ 5% - 10%.

Dự báo giá cả Mùng 2 Tết có thể tăng nhẹ

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong ngày Mùng 2 Tết không có sự biến động bất thường về giá do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm sẽ ít hơn, người dân đa phần đã mua sắm, dự trữ đầy đủ trước Tết.

Tại một số tỉnh, thành phố lớn, một số siêu thị cửa hàng dự kiến mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu, vì vậy nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đầy đủ.

Mặt hàng rau xanh, củ quả dự báo nhích nhẹ trong ngày Mùng 2 Tết.

Mặt hàng rau xanh, củ quả dự báo nhích nhẹ trong ngày Mùng 2 Tết.

Nhiều hoạt động và các điểm vui chơi tại các thành phố lớn dự kiến mở cửa sẽ thu hút một lượng khách đến tham quan, vui chơi giải trí trong những ngày sắp tới, giá các dịch vụ như trông giữ xe, dịch vụ ăn uống,... thường tăng so với ngày bình thường theo quy luật hàng năm nhằm để trang trải chi phí cho người lao động làm thêm ngày Tết.

Giá mặt hàng lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định như ngày 21/1/2023 (30 tết) và ngày 22/1/2023 (Mùng 1 tết), riêng đối với một số mặt hàng thực phẩm tươi sống như cá, thịt bò, rau xanh... dự báo có thể tăng nhẹ.

Theo đó, phải bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến./.

Theo sát diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp điều hành

Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động các phương án điều hành.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-on-dinh-ngay-mung-1-tet-120714.html