Thị trường quý II kỳ vọng hồi phục lợi nhuận và những rủi ro mới
Chuyên gia đánh giá diễn biến thị trường quý II sẽ là sự đan xen giữa kỳ vọng hồi phục lợi nhuận và những rủi ro mới từ bên ngoài. Dòng tiền thông minh sẽ ưu tiên sự an toàn tương đối, nhưng không bỏ qua các cơ hội định giá hợp lý tại những ngành đang dần bước ra khỏi vùng đáy chu kỳ.
Đây là nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán (TTCK) của ông Bùi Nguyên Khoa - Phó Trưởng phòng Phân tích nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) khi trao đổi với phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư.
* PV: Thưa ông, thị trường tài chính toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam nói riêng thời gian gần đây có những biến động mạnh. Ông nhìn nhận như thế nào về diễn biến của TTCK trong những phiên giao dịch gần nhất?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Chính sách thuế mới của Mỹ là một cú sốc lớn với thị trường toàn cầu. Thay vì tập trung vào một số ngành như thép, nhôm, xe hơi hay dược phẩm như tuyên bố trước đó, Mỹ mở rộng phạm vi áp thuế lên hầu hết các mặt hàng nhập khẩu bao gồm toàn bộ đối tác thương mại. Đáng chú ý, mức thuế được tính không theo khuyến nghị của WTO, mà theo tiêu chí riêng của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ.
Bước sang quý II/2025, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận vẫn được duy trì với những nhóm ngành hưởng lợi từ tiêu dùng nội địa, đầu tư công và tín dụng phục hồi.

Ông Bùi Nguyên Khoa
Hệ quả là trong hai ngày 4 - 5/4, TTCK Mỹ mất hơn 6.600 tỷ USD vốn hóa, mức giảm 2 phiên mạnh nhất lịch sử. Trên toàn cầu, hơn 10.000 tỷ USD bốc hơi khỏi các sàn chứng khoán, tương đương một nửa GDP của Liên minh Châu Âu. TTCK Việt Nam cũng chịu tác động rõ rệt khi mất gần 1,1 triệu tỷ đồng vốn hóa chỉ sau 3 phiên tương đương khoảng 10% GDP.
Ngày 10/4, Tổng thống Trump bất ngờ hoãn áp thuế trong 90 ngày, mở ra cơ hội đàm phán cho hơn 70 quốc gia – trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá đây chỉ là sự trì hoãn tạm thời, không loại trừ khả năng chính sách thuế tiếp tục điều chỉnh theo hướng khó lường. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang với những màn trả đũa qua lại.
Trong lịch sử, những cú sốc như vậy thường khiến thị trường phản ứng thái quá, xa rời yếu tố cơ bản. Diễn biến gần đây không nằm ngoài quy luật đó. Dù rủi ro vẫn hiện hữu, chúng tôi nhận thấy cơ hội đang mở ra, khi định giá nhiều cổ phiếu đã trở nên hấp dẫn.
Các doanh nghiệp có doanh thu từ Mỹ chỉ chiếm 5,5% vốn hóa HOSE. Mặt khác hệ số P/B của VN-Index đã về 1,4 lần và P/E về mức 11 lần thấp hơn trung bình 5 năm gần nhất. Điều này đồng nghĩa nhiều cổ phiếu đã về mức định giá hấp dẫn cho hoạt động đầu tư dài hạn.
* PV: Hiện tại, đã gần kết thúc tháng đầu tiên của quý ll/2025 và kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tốt. Ông đánh giá như thế nào về kết quả kinh doanh của trong quý I và dự báo kết quả kinh doanh quý các doanh nghiệp trong quý II. Dòng tiền thông minh sẽ tìm đến nhóm ngành nào?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Dù chịu áp lực từ chính sách thuế và rủi ro địa chính trị, kết quả kinh doanh quý I/2025 của nhiều doanh nghiệp vẫn tích cực. Một số ngành ghi nhận hiệu suất vượt trội như bất động sản (+19,8%), bảo hiểm (+5,0%), thực phẩm – đồ uống (+5,3%) và ngân hàng (+5,6%).

Dòng tiền thông minh ưu tiên sự an toàn nhưng không bỏ qua các cơ hội những ngành có định giá hợp lý
Năm 2023 là năm nền lợi nhuận thấp, tạo cơ sở thuận lợi cho mức tăng trưởng tích cực trong 2024 và nửa đầu 2025.
Bước sang quý II/2025, động lực tăng trưởng tiếp tục đến từ tiêu dùng nội địa, đầu tư công và tín dụng phục hồi. Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro từ chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến dòng tiền có xu hướng thận trọng và lựa chọn cổ phiếu phòng thủ hơn.
Bước sang quý II/2025, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận vẫn được duy trì với những nhóm ngành hưởng lợi từ tiêu dùng nội địa, đầu tư công và tín dụng phục hồi.
Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro mới bắt đầu xuất hiện, trong đó đáng chú ý là động thái áp thuế từ phía Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu. Làn sóng áp thuế đã tác động rõ rệt lên kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận, đặc biệt tại các doanh nghiệp xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Diễn biến thị trường quý II sẽ là sự đan xen giữa kỳ vọng hồi phục lợi nhuận và những rủi ro mới từ bên ngoài. Dòng tiền thông minh sẽ ưu tiên sự an toàn tương đối, nhưng không bỏ qua các cơ hội định giá hợp lý tại những ngành đang dần bước ra khỏi vùng đáy chu kỳ.
* PV: Trong bối cảnh hiện tại, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư trong giao dịch cũng như chiến lược lựa chọn cổ phiếu?
Ông Bùi Nguyên Khoa: Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như thủy sản, dệt may, đồ gỗ, cũng như nhóm dịch vụ liên quan như khu công nghiệp, logistics tại Việt Nam.
Tác động lan tỏa có thể ảnh hưởng đến việc làm, tiêu dùng nội địa, tỷ giá, mặt bằng lãi suất, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và diễn biến thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán nếu Việt Nam không thể đàm phán thuận lợi.
Việc Hoa Kỳ tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày mở ra cơ hội đàm phán tuy nhiên hành trình đàm phán sẽ còn kéo dài và phức tạp. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách thận trọng trong ngắn hạn, tập trung quản trị rủi ro và tái cơ cấu danh mục theo hướng phòng thủ.
PV:Xin cảm ơn ông!
Chuyên gia đưa ra một số lưu ý quan trọng cho nhà đầu tư đó là theo dõi sát diễn biến chính sách thuế quan của Mỹ và quá trình đàm phán song phương giữa 2 nước. Hạn chế sử dụng margin, duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, tránh mua đuổi theo sóng ngắn hạn. Ưu tiên cổ phiếu cơ bản có tiềm năng tăng trưởng dài hạn, ít chịu ảnh hưởng từ thương chiến, đặc biệt là nhóm tiêu dùng thiết yếu, công nghệ, năng lượng, tiện ích và ngân hàng.