Thị trường sách tham khảo sống được nhờ vào sự giới thiệu của GV và nhà trường
Giải pháp căn cơ là phải có những SGK, sách bài tập tốt; có đội ngũ giáo viên được đào tạo một cách tốt nhất, để họ không phụ thuộc vào bất cứ nguồn tài liệu nào.
Trước thềm năm học mới, việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm gánh nặng sách giáo khoa cho học sinh và gia đình học sinh là điều cần thiết.
Vừa qua, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất dùng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học, cho học sinh mượn sử dụng nhiều lần.
Trong cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, đề xuất của Bộ là hoàn toàn khả thi đối với các trường học. Nhưng muốn thực hiện được, chúng ta phải có ngân sách cho việc mua sắm sách giáo khoa và đi kèm với đó là quy định về việc sử dụng sách, mượn sách như thế nào?
Khi xây dựng được thư viện sách trong nhà trường, học sinh phải có ý thức trong việc sử dụng chung sách giáo khoa, hạn chế đến mức thấp nhất việc làm hư hỏng và không viết vào sách giáo khoa.
Thêm nữa, chúng ta cũng phải tính đến việc sách giáo khoa dùng chung để trong lớp học phải được bảo quản như thế nào để tránh hư hỏng trong thời gian học sinh nghỉ hè, nên để trong lớp học hay tập trung lại trong các phòng chuyên giữ sách để bảo quản.
Và cũng cần có quy định, nếu học sinh có nhu cầu học hè hoặc học trước thì có được mượn sách mang về nhà không?…
Nói về việc cấm ép học sinh mua sách tham khảo, sách bài tập, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng cho biết, trong nhà trường hiện nay có các loại sách như sách giáo khoa (dùng cho học sinh), sách bài tập (dùng cho học sinh) và sách dành cho giáo viên - đây là sách hướng dẫn giáo viên sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu học tập khác một cách tốt nhất có thể. Sách giáo viên hướng dẫn cách tổ chức dạy học bằng các phương pháp, phương tiện và kỹ thuật dạy học.
Hiện nay nhà nước đã có chủ trương “một chương trình nhiều sách giáo khoa”. Thực ra, việc có nhiều sách giáo khoa đã được thực hiện ở miền Nam trước năm 1975, không thiếu trường phổ thông có giáo viên sử dụng các sách khác nhau, thậm chí là giáo viên sử dụng một vài sách giáo khoa của các tác giả khác nhau trong cùng 1 lớp học.
“Việc chọn sách giáo khoa trong nhà trường dựa trên nguyên tắc thầy cô cùng học sinh, phụ huynh lựa chọn. Thế nhưng thực tế hiện nay, đó lại là việc của thầy cô, thậm chí là của Ban giám hiệu.
Sách tham khảo thông thường chỉ có sau khi có sách giáo khoa và sách bài tập. Cá nhân/nhà kinh doanh dựa vào nhu cầu thị trường mà tổ chức bản thảo các sách tham khảo khác nhau.
Tất nhiên, những sách tham khảo này chỉ sống được khi có nhu cầu thật. Nhưng cũng phải nói rằng, hiện nay, thị trường sách tham khảo sống được là nhờ vào sự giới thiệu của giáo viên và nhà trường. Về nguyên tắc nó không được bán theo kiểu “bia kèm lạc”, thầy Hồng cho biết.
Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng cho rằng, chúng ta không thể cấm những tác giả viết sách tham khảo dùng cho giáo viên và học sinh. Đứng ở góc độ tích cực, học trò có thể học tốt hơn với các loại sách tham khảo.
Nhưng nhìn ở góc độ khác, nếu sách tham khảo được bán tràn lan và được mọi học sinh mua thì sẽ là một sự tốn kém không đáng có.
Chính vì thế, nếu các nhà xuất bản tổ chức tốt việc biên soạn sách giáo khoa và sách bài tập cũng như các trường sư phạm tổ chức tốt việc bồi dưỡng cho giáo viên hàng năm thì sẽ khó có chỗ cho sự tồn tại của sách tham khảo.
Giải pháp căn cơ là phải có được những cuốn sách giáo khoa, sách bài tập tốt và đội ngũ giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng một cách tốt nhất để họ không phụ thuộc vào bất cứ nguồn tài liệu nào trong quá trình tổ chức dạy học.
Bàn về việc điều tiết giá sách giáo khoa, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chúng ta thực hiện cơ chế thị trường thì chắc chắn cơ chế ấy cũng tác động đến giáo dục.
Sách giáo khoa là sản phẩm trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà giáo dục, họ được hưởng tiền viết sách và tiền tái bản, nếu không còn tái bản thì các tác giả không còn thu nhập sau biên soạn sách.
Tất nhiên, nhà xuất bản phải tính lại giá thành để làm sao có thể thu hút những người biên soạn sách giáo khoa tham gia. Đừng nên chỉ kêu gọi sự cống hiến hết sức của tác giả mà không xem xét đến thù lao cho họ trong khi ngoài kia giá cả tăng hàng ngày.
“Quyết định sau cùng của chuyện biên soạn, xuất bản và sử dụng sách giáo khoa chính là cuộc sống của những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục. Nếu đời sống của họ không được cải thiện thì mọi biện pháp đưa ra cũng chỉ là những ngôn từ trên giấy”, Phó Giáo sư Nguyễn Kim Hồng khẳng định.