Thị trường sẽ đạt 1.236 điểm vào cuối năm nhờ lãi suất tiếp tục giảm?
Kỳ vọng xu hướng hạ lãi suất, bắt đầu từ cuối tháng 1 cho đến nay, sẽ tiếp diễn trong thời gian tới sẽ là yếu tố hỗ trợ chính giúp định giá chỉ số VN-Index (theo P/E) được cải thiện từ nay đến cuối năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có biến động tương quan chặt chẽ với diễn biến mặt bằng lãi suất, có thể quan sát thấy từ biến động P/E của chỉ số VN-Index và mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân của 4 ngân hàng quốc doanh, Chứng khoán KBSV nhấn mạnh tại báo cáo chiến lược thị trường quý 2/2023.
Trong đó, mối tương quan thể hiện rõ trong 2 giai đoạn mặt bằng lãi suất có biến động mạnh là giai đoạn 2008-2013 và 2020-2022; riêng giai đoạn 2014-
2019, mặt bằng lãi suất khá ổn định nên mức độ tác động lên thị trường chứng khoán là không quá lớn.
Kỳ vọng xu hướng hạ lãi suất, bắt đầu từ cuối tháng 1 cho đến nay, sẽ tiếp diễn trong thời gian tới khi mà các yếu tố gây áp lực như lạm phát, tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng đã hạ nhiệt, kết hợp với các chính sách điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, kỳ vọng đây sẽ là yếu tố hỗ trợ chính giúp định giá chỉ số VN-Index (theo P/E) được cải thiện từ nay đến cuối năm.
Đối với dự báo triển vọng thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, KBSV hạ nhẹ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX từ mức 8,05% trong báo cáo năm xuống mức 5% (phản ánh tiềm năng tăng trưởng suy yếu sau số liệu quý 4/2022 gây thất vọng).
Tuy nhiên đồng thời nâng mức P/E phù hợp của thị trường từ 14.1 lần đưa ra trong báo cáo năm lên mức 14.3 lần phản ánh kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ giảm nhanh hơn so với mức dự báo đưa ra thời điểm đầu năm trước việc NHNN hạ lãi suất điều hành, cũng như chính sách ôn hòa hơn từ FED.
Theo đó, mức điểm VNIndex mục tiêu cuối năm không đổi ở 1.236 điểm so với mức 1.240 đưa ra trong báo cáo năm).
Các yếu tố trọng yếu có thể làm thay đổi dự báo gồm i) xuất hiện thêm các sự kiện đổ vỡ của hệ thống ngân hàng toàn cầu tương tự SVB, Credit Suisse với quy mô và tầm ảnh hưởng lớn hơn; ii) thị trường trái phiếu doanh nghiệp căng thẳng và xuất hiện thêm 1 số doanh nghiệp niêm yết lớn tiếp tục mất khả năng thanh toán; iii) suy thoái kinh tế trầm trọng hoặc lạm phát quay trở lại xu hướng tăng.
Xét riêng trong quý 2, xu hướng hạ lãi suất trong nền kinh tế, cũng như các tín hiệu tích cực hơn từ chính sách điều hành của FED sẽ là yếu tố chính hỗ trợ xu hướng thị trường.
Ở chiều ngược lại, có 2 yếu tố tiềm năng gây áp lực khiến thị trường điều chỉnh là các thông tin liên quan đến thị trường TPDN, cùng với nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng toàn cầu các sự kiện thiên nga đen tương tự như SVB và Credit Suisse có thể sẽ tiếp tục xuất hiện.
Cả 2 yếu tố này sẽ căng thẳng nhất vào quý 2 và quý 3 năm nay, khi mà áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong nước là rất lớn; trong khi đỉnh lãi suất điều hành của các Ngân hàng Trung ương sẽ rơi vào cuối quý 2 trước khi có thể giảm dần từ quý 3.
Với cơ sở đó, KBSV không cho rằng thị trường có cơ hội bứt phá mạnh mẽ ngay trong quý 2, khi mà các yếu tố rủi ro đang có phần chiếm ưu thế. Các nhịp tăng/giảm đan xen sẽ xuất hiện với xu hướng chung là đi ngang xuyên suốt cả quý.