Thị trường tài chính 24h: Chứng khoán có tháng giảm mạnh nhất trong hơn một năm
VN-Index tiếp tục giảm mạnh; Nỗi sợ hữu hình trên thị trường chứng khoán; Đo 'kho hàng' và nỗi lo margin; Khối ngoại khuếch đại xu hướng; Ngân hàng Thế giới cảnh báo giá dầu có thể tăng vọt lên mức kỷ lục 150 USD/thùng… là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 31/10 tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã tăng thêm 150.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 70,10 – 70,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 10,1 USD xuống 1.995,5 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng, giá vàng giảm nhẹ về 1.992 USD trước khi bật trở lại vùng gần 2.000 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,99 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 31/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.087 đồng/USD, giảm 10 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.390 – 24.730 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ gần gần 34.500 USD thì sang phiên hôm nay đã suy yếu nhẹ trước trở lại gần vùng giá trên vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,77 USD (+0,94%), lên 83,08 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,06 USD (+1,21%), lên 88,51 USD/thùng.
VN-Index giảm về dưới 1.030 điểm
Sau phiên sáng bật hồi nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều đã ngay lập tức giảm điểm khi áp lực cung gia tăng và khiến VN-Index lùi về giằng co quanh 1.035 điểm trước thời điểm 14h00’.
“Khung giờ ác mộng” này tiếp tục ám ảnh nhà đầu tư, khi lệnh bán giá thấp được tung vào khiến VN-Index lao khá mạnh và về gần 1.025 điểm. Tuy nhiên, tại ngưỡng điểm này lực cầu bắt đáy đã gia tăng và kéo chỉ số tăng nhanh hơn 10 điểm.
Mặc dù vậy, dường như đây chỉ là nhịp “bull trap” và chỉ số đã thêm một lần đổ đèo về lại gần 1.025 điểm trước khi thu hẹp đôi chút đà giảm trong phiên ATC.
Trong tháng 10,VN-Index đã đánh rơi gần 126 điểm, tương đương -10,9%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 9/2022.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 17,94 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng tương ứng đạt 366,09 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 31/10: VN-Index giảm 14,21 điểm (-1,36%), xuống 1.028,19 điểm; HNX-Index giảm 5,17 điểm (-2,44%), xuống 206,17 điểm; UpCoM-Index giảm 1,35 điểm (-1,64%), xuống 80,93 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên thứ Hai (30/10), được thúc đẩy bởi các cổ phiếu megacap trước một tuần bận rộn của mùa báo cáo kết quả kinh doanh.
Amazon.com, Alphabet (Google), Microsoft và Meta Platforms đã có báo cáo kết quả kinh doanh từ tuần trước và tất cả những công ty megacap này đều giao dịch tích cực và tăng từ 2% đến 4%.
Kết thúc phiên 30/10: Chỉ số Dow Jones tăng 511,37 điểm (+1,58%), lên 32.928,96 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 49,45 điểm (+1,20%), lên 4.166,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 146,47 điểm (+1,16%), lên 12.789,48 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) bổ sung sự linh hoạt hơn trong việc kiểm soát đường cong lợi suất, nhưng vẫn giữ nguyên chính sách kích thích.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng tăng 0,53% lên 30.858,85 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,01% lên 2.253,72 điểm.
Cổ phiếu tài chính là nhóm tăng tốt, với chỉ số theo dõi ngành tăng 2,65% và chỉ số ngân hàng tăng 2,21%.
Trong lần điều chỉnh thứ hai đối về khuôn khổ kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) trong vòng ba tháng, BOJ đã quyết định đưa ra sự linh hoạt hơn cho khung chính sách tiền tệ và quyết định sử dụng giới hạn trên là 1% làm điểm tham chiếu mới cho lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm.
Tuy nhiên, phiên này, cổ phiếu vẫn là lực cản đối với Nikkei 225, với các cổ phiếu liên quan đến chip theo dõi sự sụt giảm của các công ty cùng ngành ở Mỹ đêm qua, với Advantest giảm 4,67%, Renesas Electronics giảm hơn 6%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau khi dữ liệu cho thấy hoạt động sản xuất bất ngờ thu hẹp trong tháng 10.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,09% xuống 3.018,77 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,31% xuống 3.572,51 điểm và giảm 3,2% trong tháng 10.
Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã trở lại vùng thu hẹp, sau khi dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) đã giảm xuống 49,5 điểm trong tháng 10 từ mức 50,2 điểm trong tháng 9.
“Sự sụt giảm bất ngờ của PMI sản xuất cho thấy sự phục hồi ở Trung Quốc là một con đường gập ghềnh vì nhu cầu trong nước vẫn còn khá yếu,” Zhiwei Zhang, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6,7 tỷ nhân dân tệ (915,66 triệu USD) cổ phiếu Trung Quốc vào thứ Ba.
Chứng khoán Hồng Kông sụt giảm mạnh, khi một báo cáo cho thấy sản xuất của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 10 làm tăng thêm lo lắng lâu dài về triển vọng của nền kinh tế số hai thế giới.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,69% xuống 17.112,48 điểm và mất 3,9% trong tháng 10. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,65% xuống 5.861,74 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà sản xuất pin lao dốc do triển vọng ngành công nghiệp suy yếu và dữ liệu của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế toàn cầu chậm lại.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 32,56 điểm, tương đương 1,41%, xuống 2.277,99 điểm.
Chỉ số này đã giảm 7,59% trong tháng 10 và là tháng thứ ba liên tiếp giảm.
"Lĩnh vực pin giảm mạnh do lo ngại về nhu cầu xe điện chậm lại, trong khi dữ liệu PMI của Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế", Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.
Nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 4,81%, trong khi các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation lần lượt mất 5,86% và 2,94%.
Kết thúc phiên 31/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 161,89 điểm (+0,53%), lên 30.858,85 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,78 điểm (-0,09%), xuống 3.018,77 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 293,88 điểm (-1,69%), xuống 17.112,48 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 32,56 điểm (-1,41%), xuống 2.277,99 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Can thiệp sớm ngân hàng: Đâu là vấn đề khó nhất và đau đầu nhất?
Nói về Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (Dự thảo), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng từng chia sẻ, can thiệp sớm và xử lý ngân hàng yếu kém là vấn đề khó nhất và đau đầu nhất..>> Chi tiết
- Nỗi sợ hữu hình trên thị trường chứng khoán
Áp lực tỷ giá, bất ổn địa chính trị trên thế giới, cộng với con số lợi nhuận quý III của một số doanh nghiệp kém xa dự báo đã khiến nỗi sợ về một cú sập của thị trường chứng khoán lớn dần..>> Chi tiết
- Đo “kho hàng” và nỗi lo margin
Sắc thái mới của các kho hàng và sản phẩm margin ở các công ty chứng khoán là một trong những yếu tố được các nhà đầu tư quan tâm..>> Chi tiết
- Khối ngoại khuếch đại xu hướng
Động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài thường liên quan tới tỷ giá và trùng với thời điểm thị trường giảm điểm mạnh, nhưng đôi khi khó dự đoán..>> Chi tiết
- Ngân hàng Thế giới cảnh báo giá dầu có thể tăng vọt lên mức kỷ lục 150 USD/thùng
Trong báo cáo hôm thứ Hai (30/10), Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng giá dầu có thể tăng vọt lên mức cao kỷ lục hơn 150 USD/thùng nếu xung đột Israel-Hamas dẫn tới sự lặp lại cuộc xung đột toàn diện ở Trung Đông từng chứng kiến 50 năm trước..>> Chi tiết