Thị trường tài chính 24h: Nền kinh tế còn thiếu tiền

VN-Index tăng nhẹ; Vòng quay tiền chậm; Quỹ đầu tư lỗ sâu, rục rịch tái cơ cấu; Đầu tư công sẽ 'phả gió lành' đến nhiều cổ phiếu; Kinh tế châu Á năm 2023: Mọi thứ sẽ chậm lại, nhưng 'chậm mà chắc'…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 22/12 tăng 100.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện niêm yết tại 66,10 – 66,92 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 3,8 USD xuống mức 1.814,6 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tăng lên 1.820 USD, nhưng đã hạ nhiệt về gần 1.815 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,95 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 22/12 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.636 đồng/USD, giảm 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.540 – 23.820 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giằng co nhẹ quanh 16.800 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục xu hướng này cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,27 USD (+1,62%), lên 79,56 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,26 USD (+1,53%), lên 83,50 USD/thùng.

VN-Index nhích nhẹ

Thị trường có thêm một phiên giao dịch ảm đạm, thận trọng và “ru ngủ”, với những lệnh mua, bán chủ yếu là thăm dò. Chỉ số VN-Index gần như chỉ biến động trong biên độ hẹp quanh ngưỡng 1.025 điểm cho đến khi kết phiên.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 182,5 triệu đơn vị, giá trị 4.481 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu EIB tiếp tục có thêm một phiên có khối lượng khủng với hơn 123,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.444,4 tỷ đồng, khi khối ngoại bán ròng hơn 101 triệu cổ phiếu.

Phiên này, VPB là đầu tàu của nhóm bluechip khi +4,5% lên 18.450 đồng, khớp lệnh hơn 52,4 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.

Một cổ phiếu khác là NVL đảo chiều, từ mức gần sát giá sàn đã +2% lên 15.550 đồng, khớp 29,8 triệu đơn vị.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 88,11 triệu đơn vị với tổng giá trị giá trị bán ròng 2.465,68 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 22/12: VN-Index tăng 3,73 điểm (+0,37%), lên 1.022,61 điểm; HNX-Index tăng 1,32 điểm (+0,65%), lên 205,79 điểm; UpCoM-Index tăng 0,14 điểm (+0,19%), lên 70,83 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Phố Wall có phiên tăng tích cực trong ngày thứ Tư (21/12) nhờ sự hỗ trợ của Nike và FedEx, đồng thời tâm lý người tiêu dùng được cải thiện cũng như kỳ vọng lạm phát giảm tốc giúp nâng đỡ thị trường.

Cổ phiếu Nike đã tăng hơn 12% sau khi vượt kỳ vọng lợi nhuận trong quý thứ hai nhờ nhu cầu mua sắm mạnh mẽ trong nghỉ lễ kỳ ở Bắc Mỹ.

Trong khi đó, cổ phiếu FedEx tăng 3,4%, sau khi báo cáo thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) cao hơn kỳ vọng. Công ty này cũng chia sẻ một loạt kế hoạch cắt giảm chi phí.

Một dữ liệu quan trọng cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng Mỹ hồi phục trong tháng 12, khi lạm phát giảm và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, trong khi kỳ vọng lạm phát 12 tháng giảm xuống 6,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Kết thúc phiên 21/12, chỉ số Dow Jones tăng 526,74 điểm (+1,60%), lên 33.376,48 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 56,82 điểm (+1,49%), lên 3.878,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 162,26 điểm (+1,54%), lên 10.709,37 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư mua lại các cổ phiếu bị bán quá mức sau sự điều chỉnh chính sách bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào đầu tuần này.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,46% lên 26.507,87 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,78% lên 1.908,17 điểm.

Masahiro Ichikawa, Giám đốc chiến lược thị trường tại Sumitomo Mitsui DS Asset Management, cho biết: “Quyết định của BOJ là một bất ngờ lớn, nhưng thị trường dường như đang tiêu hóa nó từng chút một. Trong thời gian còn lại của năm, chỉ số Nikkei 225 có thể sẽ dao động quanh mức 26.500 điểm, nhưng trong năm mới, trọng tâm nên quay trở lại với lạm phát của Mỹ và triển vọng kinh tế”.

Phiên này, cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô phục hồi mạnh mẽ sau khi đồng yên có dấu hiệu ổn định và lĩnh vực bất động sản tăng điểm, nhờ lợi suất trái phiếu dài hạn cũng hạ nhiệt sau những đợt leo dốc trước đó.

Đáng chú ý là cổ phiếu Toshiba tăng 4,25% và có thời điểm tăng tới 7,61%, sau khi truyền thông đưa tin rằng đối tác ưu tiên của công ty là Japan Industrial Partners (JIP), chuẩn bị ký khoản vay 10,6 tỷ USD trong tuần này để thực hiện M&A.

Cổ phiếu bluechip của chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi cơ quan giám sát chứng khoán của Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường cải cách thị trường và cải thiện chất lượng của các công ty niêm yết.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,46% xuống 3.054,43 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,14% lên 3.836,03 điểm.

Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết, nền kinh tế sẽ phục hồi khi các chính sách kích thích mạnh mẽ có hiệu lực, mang lại tín hiệu tốt cho thị trường vốn của Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc đang phải vật lộn với sự gia tăng các ca nhiễm bệnh sau khi Bắc Kinh bỏ chính sách nghiêm ngặt không có COVID, nhưng CSRC cho biết họ hoàn toàn tin tưởng vào “tương lai tươi sáng” của nền kinh tế Trung Quốc.

CSRC sẽ thúc đẩy mở rộng chương trình Kết nối Chứng khoán Đại lục-Hồng Kông, thực hiện cải cách niêm yết ở nước ngoài và tăng cường hợp tác với thị trường vốn của Hồng Kông.

Chứng khoán Hồng Kông tăng vọt sau tuyên bố về cải cách hơn nữa của CSRC

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,71% lên 19.679,22 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 3,33% lên 6.716,32 điểm.

Chỉ số Công nghệ phiên này đã đã tăng tới 5,2% khi các nhà đầu tư được khuyến khích bởi cam kết hỗ trợ các công ty tư nhân và công ty nền tảng công nghệ từ CSRC.

CSRC cho biết họ sẽ nhanh chóng bật đèn xanh cho đợt niêm yết ra nước ngoài đầu tiên của một công ty “nền tảng” theo hệ thống phê duyệt mới của Trung Quốc.

Các cổ phiếu Alibaba Group Holding, Bilibili Inc và Xpeng Inc đều tăng mạnh, lần lượt cộng 4,1%, 5,23% và 10,9%.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp trước đó, nhờ đà tăng tại các thị trường lớn và nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu chậm lại.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 27,78 điểm, tương đương 1,19% lên 2.356,73 điểm. Chỉ số này đã mất 2,9% trong năm phiên gần đây.

Phiên này, gã khổng lồ công nghệ Samsung Electronics tăng 1,90% và SK Hynix tăng 1,54%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,15%.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhưng số lượng nhỏ ở mức 5,7 tỷ won (4,47 triệu USD).

Kết thúc phiên 22/12: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 120,51 điểm (+0,46%), lên 26.507,87 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 13,98 điểm (-0,46%), xuống 3.054,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 518,73 điểm (+2,71%), lên 19.679,22 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 27,78 điểm (+1,19%), lên 2.356,73 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Vòng quay tiền chậm

Tốc độ tăng cung tiền chậm hơn tốc độ tăng của GDP danh nghĩa và tiền ít nên vòng quay của tiền chậm lại, đồng nghĩa với việc nền kinh tế còn thiếu tiền hơn nữa..>> Chi tiết

- Quỹ đầu tư lỗ sâu, rục rịch tái cơ cấu

Nhiều quỹ đầu tư (quỹ đóng) ghi nhận lỗ lớn trong năm 2022, nhưng đang thực hiện cơ cấu lại danh mục, kỳ vọng vào cơ hội trong dài hạn..>> Chi tiết

- Đầu tư công sẽ "phả gió lành" đến nhiều cổ phiếu

Cùng với việc Chính phủ tăng cường đầu tư công, thúc đẩy tiến độ giải ngân, nhiều doanh nghiệp trên sàn sẽ được hưởng lợi..>> Chi tiết

- Kinh tế châu Á năm 2023: Mọi thứ sẽ chậm lại, nhưng "chậm mà chắc"

Báo cáo “Asian Economics Quarterly: Retooling factory Asia” của HSBC vừa công bố cho rằng, xét trên mọi phương diện, nền kinh tế châu Á cho thấy sự vững vàng đáng ngạc nhiên trong năm Nhâm Dần..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-nen-kinh-te-con-thieu-tien-post312365.html