Thị trường tài chính 24h: Những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện trên thị trường trái phiếu
VN-Index lên gần 1.270 điểm; Tín dụng bất động sản tăng trong quý đầu năm 2024; Tỷ giá chưa hết áp lực trong thời gian tới; Doanh nghiệp địa ốc rầm rộ phát hành trái phiếu trở lại; ECB có khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 16/5 giảm 200.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 87,50 – 90,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 27,4 USD lên 2.385 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và giằng co ở ngay gần 2.390 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 104,39 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 16/5 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.240 đồng/USD, giảm 29 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.152 – 25.452 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng từ 61.400 USD lên 64.900 USD thì sang ngày hôm nay đã tiếp tục tăng và vượt 66.500 USD, trươc khi hạ nhiệt về 66.200 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,47 USD (+0,60%), lên 78,63 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,02 USD (-0,02%), xuống 82,68 USD/thùng.
VN-Index lên gần 1.270 điểm
Giao dịch trên thị trường tích cực từ khá sớm, nhưng VN-Index chưa thể chạm mốc 1.270 điểm khi đóng cửa, khi nhóm trụ cột ngân hàng có phần chững lại, cũng như sự thận trọng gia tăng đôi chút trong phiên đáo hạn phái sinh.
Kết thúc phiên giao dịch 16/5: VN-Index tăng 14,39 điểm (+1,15%), lên 1.268,78 điểm; HNX-Index tăng 1,24 điểm (+0,52%), lên 240,02 điểm; UpCoM-Index tăng 0,6 điểm (+0,65%), lên 92,7 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tăng lên mức kỷ lục trong phiên thứ Tư (15/5), sau khi dữ liệu lạm phát tiêu dùng tăng thấp hơn dự kiến đã củng cố hy vọng cắt giảm lãi suất từ Fed.
Dữ liệu được mong chờ nhất là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ đã được công bố, với mức tăng 0,3% so với tháng trước, thấp hơn dự báo tăng 0,4%. Trên cơ sở hàng năm, chỉ số CPI tăng 3,4%, khớp với dự báo.
Kết thúc phiên 15/5: Chỉ số Dow Jones tăng 349,89 điểm (+0,88%), lên 39.908,00 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 61,47 điểm (+1,17%), lên 5.308,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 231,21 điểm (+1,40%), lên 16.742,39 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng, khi nhóm cổ phiếu công nghệ theo chân các công ty cùng ngành trên Phố Wall đêm qua, sau khi lạm phát của Mỹ hạ nhiệt thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,39% lên 38.920,26 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,24% lên 2.737,54 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ với Tokyo Electron, tăng 4,5% và Advantest tăng 3%, đóng góp tổng cộng 197,5 điểm trong tổng số 535 điểm tích cực cho Nikkei 225.
Đáng chú ý khác là cổ phiếu Recruit Holdings tăng 9,1% nhờ công bố doanh thu lạc quan quý vừa qua. Cổ phiếu Mitsubishi UFJ Financial Group giảm 4,3% sau khi công ty dự báo lợi nhuận chỉ tăng trưởng nhẹ trong năm tài chính hiện tại.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, dẫn đầu bởi cổ phiếu bất động sản, khi có thông tin về việc một số thành phố lớn dỡ bỏ hạn chế mua nhà và báo cáo rằng chính quyền địa phương có khả năng mua những ngôi nhà chưa bán.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm tăng 0,08 lên 3.122,40 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,39% lên 3.640,36 điểm.
Bloomberg News đưa tin, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đang thu thập phản hồi về kế hoạch sơ bộ từ các tỉnh và cơ quan chính phủ khác nhau, sau một cuộc họp vào cuối tháng Tư kêu gọi nỗ lực giải phóng hàng tồn kho nhà ở.
Các doanh nghiệp nhà nước địa phương sẽ được yêu cầu giúp mua nhà chưa bán được từ các nhà phát triển đang gặp khó khăn với mức chiết khấu cao, bằng cách sử dụng các khoản vay do ngân hàng nhà nước cung cấp, theo báo cáo, trong đó nhiều ngôi nhà trong số này sẽ được chuyển đổi thành nhà ở giá rẻ.
Goldman Sachs ước tính trong tuần này rằng hàng tồn kho nhà ở có thể bán được trị giá khoảng 13,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,87 nghìn tỷ USD) vào thời điểm cuối năm 2023 và vì một số công trình xây dựng của họ chưa hoàn thành, nên sẽ cần 5 nghìn tỷ nhân dân tệ vốn đầu tư để hoàn thiện.
Chứng khoán Hồng Kông tăng lên mức cao nhất trong chín tháng được thúc đẩy bởi các biện pháp hỗ trợ do chính quyền địa phương Trung Quốc đưa ra để vực dậy thị trường bất động sản.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,59% lên 19.376,53 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 1,93% lên 5.871,38 điểm.
Chỉ số bất động sản đại lục tại Hồng Kông tăng tới 6% trong phiên sáng. Trong đó, Tập đoàn Sino-Ocean do nhà nước hậu thuẫn tăng tới gần 50% và vỡ nợ các nhà phát triển tư nhân CIFI Holdings tăng gần 30%.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng Tư, làm tăng khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 22,66 điểm, tương đương +0,83% lên 2.753,00 điểm.
Trong số các cổ phiếu lớn, nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 0,13% và SK Hynix tăng 4,16%, trong khi nhà sản xuất pin LG Energy Solution giảm 1,04%.
Cổ phiếu của SK Innovation giảm 0,6% sau khi truyền thông đưa tin rằng công ty đang xem xét bán công ty con SK IE Technology (SKIET) để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh pin.
Kết thúc phiên 16/5: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 534,53 điểm (+1,39 %), lên 38.920,92. điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 2,50 điểm (+0,08%), lên 3.122,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 302,82 điểm (+1,59%), lên 19.376,53 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 22,66 điểm (+0,83%), xuống 2.753,00 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Tín dụng bất động sản tăng trong quý đầu năm 2024
Tín dụng bất động sản vẫn tăng trong hai tháng đầu năm nay trong bối cảnh dư nợ toàn ngành ngân hàng tăng trưởng âm. Tại một số nhà băng tăng trưởng dư nợ bất động sản tích cực..>> Chi tiết
- Tỷ giá chưa hết áp lực trong thời gian tới
Dù đã hạ nhiệt, song tỷ giá được dự báo chưa hết áp lực, do sức nóng của vàng và lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chậm lại...>> Chi tiết
- Doanh nghiệp địa ốc rầm rộ phát hành trái phiếu trở lại
Những dấu hiệu tích cực đã xuất hiện trên thị trường trái phiếu khi hoạt động phát hành bắt đầu sôi động trở lại. Dù vậy, thị trường vẫn trong cảnh “vàng thau lẫn lộn” khi lượng trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm ở mức thấp..>> Chi tiết
- ECB có khả năng bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 6..>> Chi tiết