Thị trường tài chính 24h: Thành quả tạo dựng trong 2 năm đã tan biến

VN-Index thủng 1.000 điểm; Tỷ giá và lãi suất đang được Việt Nam xử lý thỏa đáng; Kỳ vọng kịch bản 'đáy kép'; Bài toán tỷ giá và lãi suất; Chính sách tiền tệ thắt chặt có thực sự là câu trả lời cho lạm phát?... là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.

Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin

Tại thị trường vàng trong nước, sau khi mở cửa sáng nay ngày 24/10 giảm 100.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, giá vàng SJC tại Hà Nội vào cuối ngày hôm nay đã giảm 100.000 đồng/lượng, hiện niêm yết tại 66,30 – 67,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng 29,8 USD lên mức 1.657,9 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng chững lại và rơi xuống dưới 1.650 USD/ounce vào cuối ngày.

Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 112,30 điểm.

Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 24/10 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.700 đồng/USD, tăng 12 đồng so với ngày cuối tuần trước. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.605 – 24.885 đồng/USD.

Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng lên trên 19.500 USD, thì sang phiên hôm nay đã chững lại và giằng co nhẹ quanh 19.300 USD/BTC cho đến cuối ngày.

Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,28 USD (-1,50%), xuống 83,77 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,08 USD (-1,16%), xuống 92,46 USD/thùng.

VN-Index thủng mốc tâm lý 1.000 điểm

Thị trường tiếp đà lao dốc rất mạnh có từ phiên cuối tuần trước. Mốc hỗ trợ 1.000 điểm của VN-Index nhẹ nhàng bị loại bỏ, đánh mất toàn bộ thành quả tạo dựng trong 2 năm vừa qua.

Trên sàn HOSE có 162 mã chốt phiên ở giá sàn và rất nhiều mã vẫn còn dư bán giá sàn cả triệu cổ phiếu khi kết phiên, cho thấy áp lực bán vẫn còn rất lớn.

VN-Index về mức giá thấp nhất 2 năm, có thể khẳng định việc bán ngày hôm nay gần như toàn bộ là cắt lỗ. Câu hỏi đặt ra rằng, hầu hết nhà đầu tư cá nhân đã thua lỗ và nhiều nhà đầu tư rời khỏi thị trường, hoặc đóng bảng giữ cổ phiếu lâu dài thì việc cắt lỗ này đến từ đâu? Câu trả lời có thể đến từ các nhà đầu tư tổ chức, hay nói khác đi là các doanh nghiệp vì cần dòng tiền mặt đã phải thoái nốt danh mục của mình.

Sự giảm giá luôn có những cơ hội, dù rằng chỉ dành cho nhà đầu tư còn “sức mua”, một số nhóm khuyến nghị đầu tư đã xuất hiện khuyến nghị “thị trường hoảng loạn là có thể giải ngân một phần”. Trường phái bắt đáy hoặc trung bình giá xuống đang có cơ hội, tất nhiên, phải chấp nhận rủi ro ở mức cao.

Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1,44 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng đạt 108,56 tỷ đồng.

Kết thúc phiên giao dịch 24/10: VN-Index giảm 33,67 điểm (-3,3%), xuống 986,15 điểm; HNX-Index giảm 7,91 điểm (-3,64%), xuống 209,5 điểm; UPCoM-Index giảm 2,12 điểm (-2,7%) xuống 76,45 điểm.

Chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh trong phiên thứ Sáu (21/10), sau khi một báo cáo cho biết Fed có thể sẽ tranh luận về một đợt tăng lãi suất nhỏ hơn vào tháng 12.

Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly lặp lại quan điểm đó và nói rằng, đã đến lúc bắt đầu nói về việc chậm lại tốc độ tăng lãi suất và làm như vậy sẽ tránh đưa nền kinh tế Mỹ rơi vào tình trạng "suy thoái không hồi kết".

Ngoài ra, Chủ tịch Fed Chicago, Charles Evans cũng nhắc lại lập trường của ông rằng Fed chỉ nên đưa mức lãi suất "cao hơn một chút", vào khoảng 4,5% vào đầu năm tới và sau đó giữ ở mức đó.

Trong tuần, S&P 500 tăng 4,74%, Dow tăng 4,89% và Nasdaq tăng 5,22%. Mỗi chỉ số đều ghi nhận mức tăng tuần tốt nhất trong hơn 4 tháng.

Kết thúc phiên 21/10, chỉ số Dow Jones tăng 748,97 điểm (+2,47%), lên 31.082,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 86,97 điểm (+2,37%), lên 3.752,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 244,87 điểm (+2,31%), lên 10.859,72 điểm.

Chứng khoán châu Á

Chứng khoán Nhật Bản thu hẹp đà giảm trong phiên chiều để đóng cửa dưới mức tâm lý quan trọng 27.000 điểm, khi các nhà đầu tư lo lắng về triển vọng kinh tế Trung Quốc.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,31% lên 26,974,90 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,28% lên 1.887,19 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 đã khởi đầu ngày mới sáng sủa tăng hơn 1%, được thúc đẩy bởi sự lạc quan về việc sẽ bớt diều hâu hơn trong việc tăng lãi suất và khả năng đồng yên yếu hơn giúp củng cố tăng thu nhập khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang cao điểm trong tuần này.

Tuy nhiên, trọng tâm ngày càng chuyển sang Trung Quốc, trong bối cảnh thị trường Hồng Kông và Đại lục bán tháo ngày càng mạnh, sau khi Trung Quốc có dàn lãnh đạo chủ chốt dự báo sẽ tập trung vào các chính sách dựa trên ý thức hệ, hy sinh tăng trưởng kinh tế.

Điều đó bao gồm chính sách zero-COVID gây tranh cãi, cùng với các sáng kiến "thịnh vượng chung" đã dẫn đến sự sụp đổ của thị trường bất động sản và các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.

Phiên này, cổ phiếu J.Front Retailing là công ty có mức giảm mạnh nhất, giảm 3,72%, theo sau là nhà điều hành cửa hàng bách hóa Isetan Mitsukoshi Holdings mất 3,56% và công ty ngang hàng Takashimaya giảm 3,28%.

Chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, do các nhà đầu tư phản ứng tiêu cực với dữ liệu kinh tế của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm.

Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 2,02% xuống 2.977,56 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 2,93% xuống 3.633,37 điểm.

Dữ liệu mới cho thấy GDP của Trung Quốc tăng trưởng tốt hơn dự kiến trong quý III, phần lớn nhờ hoạt động sản xuất được cải thiện, nhưng doanh số bán lẻ, xuất khẩu và thị trường lao động của nước này suy yếu trong tháng 9.

Trong khi đó, các nhà đầu tư ngày càng lo ngại sau cuộc cải tổ lãnh đạo Trung Quốc, với việc những người trung thành với ông Tập được thiết lập để chiếm giữ các vị trí quan trọng. Điều này có thể đẩy nhanh các chương trình nghị sự chính sách, dự báo sẽ tập trung vào các chính sách dựa trên ý thức hệ, hy sinh tăng trưởng kinh tế.

Phiên hôm nay cũng chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo kỷ lục với tổng giá trị bán ròng 17,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,5 tỷ USD), mức mức cao kỷ lục kể từ năm 2016.

Chứng khoán Hồng Kông bị bán tháo và giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm, sau khi đội ngũ lãnh đạo mới của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ bị hy sinh vì ý thức hệ các chính sách.

Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 6,36% xuống 15.180,69 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises 7,3% xuống 5.114,48 điểm.

Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của hai ông lớn công nghệ Alibaba Group Holding Ltd và Tencent Holdings Ltd đều giảm hơn 11,4%, kéo chỉ số công nghệ Tech Index giảm 9,7%% xuống mức thấp kỷ lục. Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông cũng giảm mạnh 9% xuống mức thấp kỷ lục.

Cả lĩnh vực bất động sản và công nghệ đều đã được nhắm mục tiêu để chịu thêm những quy định khắt khe hơn dưới thời ông Tập Cận Bình.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi các nhà đầu tư cảm thấy nhẹ nhõm nhờ các biện pháp của chính phủ nhằm giảm bớt lo lắng về cuộc khủng hoảng tín dụng trên thị trường trái phiếu và tiền tệ.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 23,04 điểm, tương đương 1,04%, lên 2.236,16 điểm.

Chính phủ Hàn Quốc thông báo sẽ tăng gấp đôi mức trần cho cơ sở mua trái phiếu doanh nghiệp do các ngân hàng nhà nước điều hành lên 16 nghìn tỷ won (11 tỷ USD).

Kết thúc phiên 24/10: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 84,32 điểm (+0,31%), lên 26.974,90 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 61,37 điểm (-2,02%), xuống 2.977,56 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 1.030,43 điểm (-6,36%), xuống 15.180,69 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 23,04 điểm (+1,04%), lên 2.236,16 điểm.

Các thông tin đáng chú ý khác

- Tỷ giá và lãi suất đang được Việt Nam xử lý thỏa đáng

Theo lý thuyết tiền tệ, khi lãi suất của một đồng tiền tăng lên, tất cả những biến số khác gần như không đổi sẽ làm cho đồng nội tệ tăng giá..>> Chi tiết

- Kỳ vọng kịch bản “đáy kép”

Trên khung đồ thị ngắn hạn, VN-Index giảm có phần “thái quá”, không chỉ phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.050 điểm, mà còn vi phạm cả tín hiệu mua tại 1.030 điểm, khiến cho tâm lý bán hoảng loạn xuất hiện cùng lúc với đà bán ròng đẩy mạnh đến từ khối ngoại..>> Chi tiết

- Bài toán tỷ giá và lãi suất

Thị trường tuần qua kết thúc bằng một phiên đổ sàn của hàng loạt cổ phiếu khiến không ít nhà đầu tư nao núng, mất phương hướng, vì chỉ cách đó vài phiên họ vẫn còn hy vọng các chỉ số sẽ hồi phục thêm sau khi VN-Index bật lên từ mức 1.000 điểm trước đó..>> Chi tiết

- Loạt công ty quản lý quỹ bị xử phạt, chứng khoán Việt vẫn chưa qua "giông bão"

Cú rơi phiên 21/10 dù kích hoạt thanh khoản nhưng đã kéo các chỉ số chứng khoán xuống sâu, nhanh chóng lấy đi toàn bộ thành quả trong các phiên hồi phục trước đó..>> Chi tiết

- Chính sách tiền tệ thắt chặt có thực sự là câu trả lời cho lạm phát?

Các ngân hàng trung ương toàn cầu đã nỗ lực tối đa để tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm làm giảm nhu cầu. Trong khi đó, những dữ liệu kinh tế suy yếu ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ đã làm trầm trọng thêm nỗi lo suy thoái..>> Chi tiết

Thạch Bắc tổng hợp

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thi-truong-tai-chinh-24h-thanh-qua-tao-dung-trong-2-nam-da-tan-bien-post308484.html