Thị trường thông tin và kinh tế thông tin

CNTT chỉ có ý nghĩa khi người quản lý coi thông tin là động lực cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế, có khả năng tổ chức thông tin, thu thập thông tin, xử lý thông tin

Các thành viên của thị trường thông tin

Thị trường thông tin bao gồm nhiều thành viên, mỗi thành viên đảm nhiệm một chức năng xác định. Các thành viên này có thể phân chia theo bốn lĩnh vực sau đây:

Một là: Người sản xuất ra thông tin: thu thập thông tin trong các lĩnh vực từ các nguồn tin, xử lý, biên tập tạo ra các sản phẩm thông tin, sản xuất ra các cơ sở dữ liệu (CSDL).

Để đáp ứng yêu cầu thông tin của nhiều loại đối tượng khác nhau và để bao quát được tất cả các dạng thông tin khoa học kỹ thuật và kinh tế xã hội, nhiều cơ quan sản xuất thông tin, sản xuất các CSDL và ngân hàng dữ liệu (NHDL) ra đời. Đó là các cơ quan thông tin tư liệu quốc gia, các tổ chức xã hội, kinh tế và nghề nghiệp, các hội khoa học, các công ty, xí nghiệp lớn. Ví dụ: Viện Thông tin Khoa học Kỹ thuật Pháp (INIST thuộc CNRS) là nơi sản xuất hai CSDL lớn: Pascal và Francis.

Hai là: Người làm dịch vụ phân phối thông tin: tích nhập các CSDL của người sản xuất trên máy tính điện tử (MTĐT) và cung cấp cho người dùng tin các thông tin này nhờ một phần mềm chuyên dụng.

Các cơ quan dịch vụ thông tin thường sử dụng tin học viễn thông để nối giữa người dùng tin với các CSDL và NHDL. Đó là các tổ chức dịch vụ có trách nhiệm xử lý và khai thác thông tin bằng các phương tiện của tin học, đồng thời thương mại hóa các sản phẩm thông tin (phát triển phần mềm, kinh doanh thông tin và hướng dẫn yêu cầu).

Các cơ quan dịch vụ thông tin không chỉ bảo đảm tiếp cận thông tin của các CSDL và NHDL trong nước mà còn tiếp cận các CSDL và NHDL ở nước ngoài. Ví dụ: Dialog của Mỹ đảm nhiệm cung cấp thông tin của gần 400 NHDL cho người dùng tin, Questel của Pháp đảm nhiệm cung cấp thông tin của 50 NHDL...

Ba là: Mạng lưới chuyển giao thông tin: có nhiệm vụ chuyển thông tin đến người sử dụng nhờ một mạng lưới viễn thông. Các mạng lưới này có thể là: mạng lưới điện thoại công cộng, mạng thuê bao, mạng truyền dữ liệu...

Ví dụ: Ở Pháp mạng điện thoại đạt tới 24 triệu đường liên lạc trong năm 1986, mạng Télécom1 là mạng truyền dữ liệu sử dụng vệ tinh, mạng Transpact có thể kết nối với các mạng truyền dữ liệu khác ở châu u và các nước khác...

Bốn là: Người dùng tin: có thể là người dùng tin cuối cùng (khách hàng) hay qua khâu trung gian (người làm môi giới trung gian hay các cán bộ thông tin tư liệu).

Người dùng tin ít hoặc không hỏi trực tiếp NHDL vì hai lý do. Trước hết là các ngôn ngữ hỏi thường khác nhau và khá phức tạp. Mặt khác các NHDL lại lưu trữ thông tin trên từng lĩnh vực khác nhau mà người dùng tin lại ít được hướng dẫn để tiếp cận NHDL có thể cung cấp cho câu trả lời tốt nhất. Vì vậy các trung tâm thông tin tư liệu hoặc các dịch vụ thông tin sẽ đóng vai trò trung gian giúp người dùng tin tiếp cận các thông tin cần tìm.

Như vậy trong nền công nghiệp thông tin ở các nước tiên tiến hiện nay đã hình thành rõ nét sự phân công lao động giữa người sản xuất ra thông tin, người làm dịch vụ thông tin, người bảo đảm các phương tiện chuyển tải thông tin, người đào tạo, thúc đẩy sử dụng thông tin và người dùng tin. Tất cả tạo nên một hệ thống cung ứng thông tin mà người ta gọi là hệ thống thông tin trực tuyến (on-line information system).

Kinh tế thông tin

Các hoạt động của thị trường thông tin trong thập niên 80 - 90 đã kích thích làm nảy sinh những nhu cầu thông tin mới, đòi hỏi phải tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin có chất lượng cao hơn. Đó là con đường tự nhiên dẫn đến sự hình thành một khu vực thông tin trong nền kinh tế. Các thành viên của nền kinh tế thông tin bao gồm chủ yếu các loại ngành hoạt động sau đây:

Thứ nhất, các hoạt động sản xuất ra thông tin: các hoạt động quản lý nhà nước (làm chính sách, kế hoạch, biện pháp quản lý kinh tế và xã hội), quản lý doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo trong văn hóa và nghệ thuật, hoạt động tư vấn...

Đặc điểm của các loại sản phẩm của các hoạt động này là giá trị của thông tin tạo ra không hề giảm khi nó được đem ra sử dụng, trái lại nó có thể gia tăng do được bổ sung thêm các thông tin mới. Chi phí cho việc sản xuất ra thông tin rất cao, nhưng giá trị sao chép lại rất thấp. Ví dụ, chi phí cho việc biên soạn từ điển bách khoa rất cao, nhưng công sao chép là một số tiền ai cũng có thể chịu được.

Thứ hai, các hoạt động dịch vụ thông tin bao gồm: giáo dục và đào tạo, bưu điện, điện thoại, truyền tin, phát thanh truyền hình, xuất bản, quảng cáo, tiếp thị, dịch vụ thông tin từ các trung tâm thông tin tư liệu, các cơ quan công cộng, các tổ chức văn hóa, trên các mạng máy tính... Ở quốc gia nào cũng vậy, có khoảng từ 1/5 đến 1/3 lao động làm việc trong khu vực này.

Thứ ba, công nghiệp CNTT và viễn thông; sản xuất ra các sản phẩm như MTĐT, các thiết bị tin học và viễn thông, phần mềm máy tính, các dịch vụ lắp đặt và tích hợp hệ thống...

CNTT chỉ có ý nghĩa khi người quản lý coi thông tin là động lực cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế, có khả năng tổ chức thông tin, thu thập thông tin, xử lý thông tin nhanh chóng và tạo ra ngày càng nhiều thông tin thông minh có giá trị. Đây là mấu chốt của sự phát triển.

Nền kinh tế thông tin có những đặc trưng sau:

Nội dung thông tin bao trùm khắp các hoạt động sản xuất và kinh doanh;

Nội dung thông tin chiếm tỷ trọng lớn trong sản phẩm hàng hóa và dịch vụ;

Khu vực thông tin đóng góp một tỷ trọng lớn (40% hoặc hơn) phần giá trị gia tăng trong thu nhập quốc dân của một nền kinh tế phát triển.

Trong nền kinh tế thông tin công nghệ thông tin và truyền thông có vai trò động lực, thể hiện trên các mặt sau đây:

Cuộc cách mạng CNTT và truyền thông là nguyên nhân quan trọng của việc hình thành và phát triển kinh tế thông tin;

CNTT và truyền thông phát huy vai trò của thông tin và tri thức là nguồn gốc và đoọng lực phát triển kinh tế;

CNTT và truyền thông là nền tảng của hội nhập và toàn cầu hóa;

Bản thân công nghiệp và CNTT và truyền thông là bộ phận chủ đạo và năng động nhất trong nền kinh tế thông tin.

Vì vậy xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông phải là ưu tiên quan trọng của mỗi quốc gia để phát triển kinh tế thông tin.

theo Giáo trình Thông tin học

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/thi-truong-thong-tin-va-kinh-te-thong-tin-222078.html