Thị trường thực phẩm dịp Tết bình ổn
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, từ mùng 2 Tết, nhiều tiểu thương đã mở hàng kinh doanh trở lại. Thị trường thực phẩm sau Tết tại Gia Lai tương đối ổn định, nguồn hàng dồi dào, đa dạng, giá cả lại hợp lý.
Sau những ngày Tết Nhâm Dần 2022 sum vầy bên gia đình và người thân, bà Nguyễn Thị Hiếu (tổ 8, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đã nhanh chóng quay trở lại nhịp sống thường nhật. Rời chợ sớm với giỏ đồ trĩu nặng trên tay, bà chia sẻ: “Tôi đi chợ trở lại từ mùng 3 Tết để sửa soạn mâm cúng đưa ông bà. Giá cả các mặt hàng thực phẩm tươi sống như tôm, cá, mực, thịt bò loại ngon thời điểm đó có tăng nhẹ. Nhưng từ mùng 4 trở lại đây thì giá các mặt hàng thực phẩm đang về lại bình thường, riêng mặt hàng rau củ quả thì giá lại rẻ hơn trước Tết. So với mọi năm giá cả hàng hóa được giữ tương đối ổn định”.
Tương tự, từ mùng 2 Tết đến nay, chị Hà Thị Mỹ Phương (thôn An Phú, xã Phú An, huyện Đak Pơ) đã 3 lần đi chợ để mua thêm thực phẩm, rau quả cho bữa cơm gia đình thêm phong phú. Chị nhận xét: “Sau Tết, các loại hải sản tươi ngon, thực phẩm phong phú chẳng kém so với trước Tết. Về giá cả, tôi thấy cũng khá ổn định. Thời điểm sau Tết, chợ chủ yếu bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng hóa rất phong phú, đáp ứng nhu cầu của người mua”.
Từ mùng 3 trở đi, hầu hết các quầy sạp, ngành hàng thiết yếu, chế biến, thực phẩm tươi sống, rau củ quả, trái cây, hàng khô… đã bắt đầu mở cửa buôn bán đầu năm với số lượng dồi dào, phong phú. Tại chợ Nơ Trang Long (phường Trà Bá, TP. Pleiku), mặc dù đã gần trưa nhưng sạp hàng rau của bà Nguyễn Thị Phương vẫn có khách ghé mua. Vừa nhanh tay đưa hàng, thối tiền cho khách, bà Phương cho biết: “Giá rau củ sau Tết rất bình ổn, thậm chí so với thời gian mấy ngày cận Tết giá rẻ hơn. Đa phần người dân có nhu cầu mua rau nhiều hơn. Rau củ nhập bán cũng phong phú hơn, hàng tươi, giá tốt nên lên đợt nào bán hết đợt đó. Lượng khách đi chợ sau mấy ngày Tết cũng bắt đầu tăng trở lại”.
Theo Báo cáo số 22/BC-SCT của Sở Công thương, dịp Tết Nguyên đán 2022, các chủ thể kinh doanh thương mại chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá khoảng 9.100 tỷ đồng, tăng 20-30% so với các tháng bình thường trong năm. Trị giá hàng hóa đã bán những ngày trước Tết đạt khoảng 80% so với kế hoạch dự trữ, tương ứng 7.280 tỷ đồng. Công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát được tăng cường giữa các lực lượng chức năng, không để trà trộn hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ và nâng giá tùy tiện các mặt hàng thiết yếu. Nhìn chung, giá có tăng ở hầu hết mặt hàng nhưng không có trường hợp tăng giá đột biến. Hiện nay, các chủ thể kinh doanh thương mại đã khẩn trương đưa những hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo đó, giá cả nhiều mặt hàng trên thị trường cơ bản đã trở lại bình thường.
Còn tại quầy thịt chợ Phù Đổng (phường Phù Đổng, TP. Pleiku), tranh thủ lúc ngơi khách, bà Ngô Thị Thu Hà cho hay: “Dịp Tết năm nào quầy thịt cũng hoạt động sớm nhất để đảm bảo nguồn hàng cho khách mối kinh doanh dịch vụ ăn uống. Năm nay, tôi nhận thấy lượng người đi chợ mua thịt sau Tết giảm khoảng 30% do vẫn còn đồ tích trữ. Nhìn chung giá thịt bình ổn sau Tết, giá thịt đùi ngon dao động khoảng 100 ngàn đồng/kg, ba chỉ 120-130 ngàn đồng/kg; sườn non 140 ngàn đồng/kg”.
Tại thị xã An Khê, hầu hết các chợ cũng đã hoạt động từ mùng 2 Tết. Chị Nguyễn Hoàng Lan-tiểu thương bán trái cây tại chợ An Khê-giãi bày: “Những năm trước, tới mùng 10, tôi mới lấy hàng về bán. Tuy nhiên năm nay từ mùng 2 thì mở bán lấy lộc đầu năm đến nay luôn. Giá cả trước và sau Tết bình ổn, một số mặt hàng trái cây có tăng nhưng cũng không đáng kể, lượng khách mua hàng thưa thớt, chỉ bằng 1/3 so với những ngày trước Tết”.
Cũng với tâm thế buôn bán lấy lộc đầu năm, bà Võ Thị Sáu-tiểu thương hàng gạo và thức ăn gia súc, gia cầm tại chợ An Khê-cho hay: “Trước Tết Nguyên đán, tôi đã chủ động nhập một lượng lớn hàng nên bình ổn được giá bán cả trước và sau Tết. Từ mùng 2 Tết đến nay, đa phần người dân đến mua thức ăn chăn nuôi là chính”.