Thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề
Phát triển làng nghề tại địa phương đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế địa phương. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất trong làng nghề theo hình thức 'cha truyền con nối', phân bố không đều trên các huyện nên còn nhiều khó khăn, nhất là tay nghề lao động, môi trường và thị trường tiêu thụ không ổn định...
Duy trì nghề truyền thống
Là địa phương ven biển, chính là điều kiện thuận lợi để người dân thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang phát triển nghề đánh bắt thủy sản. Sản phẩm cá khô nơi đây từ lâu đã phát triển và trở thành nổi tiếng trong và ngoài tỉnh gắn với Lễ hội Cúng biển truyền thống.
Đồng chí Nguyễn Văn Dài, Chủ tịch UBND thị trấn Mỹ Long cho biết: vào thời điểm phát triển nhất của nghề, số lượng tàu thuyền đánh bắt gần bờ và xa bờ hơn 100 chiếc và hàng trăm cơ sở, hộ kinh doanh làm nghề chế biến thủy sản. Thế nhưng những năm gần đây, tình hình đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn, số lượng tàu thuyền hiện còn 35 chiếc. Do không có bến bãi để vận chuyển hàng hóa nên tàu thuyền không tập trung được nên khó khăn trong việc thu nhập nguyên liệu đầu vào. Hiện tại làng nghề sơ chế, chế biến thủy sản Mỹ Long còn 96 cơ sở tham gia hoạt động theo hình thức doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở và hộ gia đình, giải quyết việc làm 534 lao động, trong đó có 454 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân từ 3,5 - 05 triệu đồng/lao động/tháng.
Các hộ tham gia sơ chế, chế biên thủy, hải sản tại làng nghề phần đông là những người cao tuổi làm theo hình thức “cha truyền con nối”, thế hệ trẻ hiện nay một số đi làm ăn xa hoặc lập nghiệp theo sở thích. Mặt khác nguyên liệu đầu vào và nhân công tăng cao, nên số cơ sở cũng như hộ kinh doanh sản xuất tại làng nghề giảm dần theo từng năm.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Khóm 3, thị trấn Mỹ Long là một trong những hộ gắn bó với nghề truyền thống đánh bắt, sơ chế và chế biến thủy sản gần 30 năm cho biết: khoảng 10 năm nay, do tình hình khai thác đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào và nhân công tăng cao, trong khi giá bán thủy sản thấp nên bà chuyển từ nghề đánh bắt sang làm nghề sơ chế và chế biến cá khô nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, tình hình sản xuất khô của gia đình cũng như các hộ trong làng nghề còn khó khăn, do sản lượng đánh bắt của ngư dân không nhiều so với những năm trước, nguyên liệu thu mua thường thông qua trung gian, nên giá chi phí đầu vào tăng cao, giá khô bán ra ổn định.
Mặt khác, vào mùa nắng việc phơi khô thuận lợi hơn mùa mưa. Trung bình sơ chế, chế biến từ 50 - 70kg khô/ngày; đôi lúc khách hàng đặt nhiều tăng lên 100kg khô/ngày. Nguyên liệu khô chủ yếu cá đù, cá mối, cá phèn, cá kèo, tôm tích,… bình quân 03kg cá tươi chế biến thành 01kg cá khô và 17kg tôm tích cho ra 01kg tôm tích khô, với giá bán dao động từ 150.000 - 220.000 đồng/kg; giải quyết việc làm từ 05 - 07 lao động, thu nhập 180.000 - 200.000 đồng/ngày/lao động tham gia xẻ cá khô, lợi nhuận của gia đình bình quân từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày.
Bà Lê Thị Út Dứt, Khóm 1, thị trấn Mỹ Long đã duy trì nghề truyền thống sơ chế, chế biến cá khô tại làng nghề hơn 10 năm cho biết thêm: phần lớn nghề làm cá khô nơi đây theo phương pháp truyền thống thủ công, nên khó cạnh tranh trước sự phát triển của công nghiệp hiện nay. Nguồn nguyên liệu hạn chế và mua qua trung gian nên chi phí đầu vào tăng cao, việc duy trì nghề truyền thống càng khó khăn, nhất là khâu phơi khô, các hộ sản xuất tại làng nghề luôn chú trọng phơi khô vào mùa nắng và gặp mưa bão thì bảo quản tủ đông, khi nắng tốt mang ra phơi tiếp.
Trước đây, bà dự kiến đầu tư máy sấy khô, nhưng qua nghiên cứu, tìm hiểu chất lượng khô sấy không bằng phơi dưới ánh nắng trực tiếp. Vì thế, bà cũng như các hộ sản xuất nơi đây mong các cấp, các ngành tạo điều kiện cho người dân làng nghề tiếp cận chính sách đầu tư tủ đông bảo quản khô trong mùa mưa.
Sản phẩm làng nghề khó tiêu thụ
Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh hiện có 13 làng nghề đã được công nhận ở huyện Trà Cú, Châu Thành, Càng Long, Cầu Ngang, Tiểu Cần và thành phố Trà Vinh. Phần lớn lao động ở làng nghề sống bằng nghề nông nghiệp, ngoài thời gian sản xuất nông nghiệp thì tham gia làm ở làng nghề.
Sản phẩm của các làng nghề khá đa dạng như: chiếu lác, gỗ mỹ nghệ, mộc dân dụng, bánh tét, rượu Xuân Thạnh, tôm khô, cá khô, bột cá, lá chầm, bàn ghế tre, giường tre, salon tre, các sản phẩm tiểu thủ công mỹ nghệ, hoa, kiểng các loại,… hiện nay phần lớn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị thấp.
Tại Làng nghề tiểu thủ công nghiệp xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, do đặc trưng của địa phương sản xuất sản phẩm cây lác nên người dân nơi đây nổi tiếng với nghề dệt chiếu lác. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng nên được thị trường trong nước ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm chiếu lác của làng nghề thông qua doanh nghiệp tiếp cận với thị trường xuất khẩu.
Bà Lê Thị Liễu, ấp Mỹ Hiệp, xã Đức Mỹ có kinh nghiệm dệt chiếu lác tại làng nghề hơn 10 năm cho biết: tuy đầu ra sản phẩm chiếu lác ổn định nhưng số lượng không nhiều do chiếu dệt theo kiểu truyền thống. Trung bình dệt khoảng 10 - 20 chiếc/ngày, sau đó cung cấp cho doanh nghiệp 85.000 đồng/chiếc để xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Hàng năm, chiếu xuất khẩu dệt từ 09 - 10 tháng kết thúc, sau đó bà dệt chiếu phục vụ cho các bệnh viện bán cho các tiểu thương ở thành phố Trà Vinh, lợi nhuận bình quân từ 15.000 - 20.000 đồng/chiếc, giải quyết việc làm 02 lao động, thu nhập theo sản phẩm 10.000 đồng/chiếc/lao động.
Ông Trần Hậu Giang, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Đức Phát, xã Đức Mỹ cho biết: hàng năm, hợp tác xã thu mua sản phẩm cây lác để dệt chiếu từ 500 - 600 tấn lác khô. Năm nay, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm cây lác của các thành viên 21,5ha với giá thu mua hiện tại 19.500 đồng/kg. 02 tháng nay giá lác sụt giảm còn 12.000 đồng/kg, hợp tác xã chịu lỗ 7.500 đồng/kg.
Đối với người trồng lác, với giá bao tiêu trên, nông dân đạt lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/0,1ha/năm. Nghề dệt chiếu của hợp tác xã cũng như các hộ dân trong làng nghề còn nhiều khó khăn, phần lớn người dân gia công bán lại cho các công ty, doanh nghiệp nên giá bán thấp, lợi nhuận không cao. Sắp tới mong địa phương tiếp tục hỗ trợ vốn vay ưu đãi để hợp tác xã đầu tư trang thiết bị dệt chiếu, máy se lõi lác, sân phơi và kho bãi dự trữ nguyên liệu lác phục vụ sản xuất đạt hiệu quả hơn.
Đồng chí Mai Thanh Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Mỹ cho biết: hiện làng nghề có 616 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, trong đó có 08 doanh nghiệp. Hầu hết sản phẩm sản xuất của làng nghề tơ xơ dừa, các sản phẩm từ nguyên liệu dừa và một số hàng thủ công mỹ nghệ, đan đát và chiếu các loại giải quyết việc làm hơn 2.100 lao động, thu nhập từ 05 - 06 triệu đồng/lao động/tháng.
Thời gian qua, việc phát triển làng nghề đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động, tạo thêm nguồn thu nhập và cải thiện đời sống của người dân địa phương. Làng nghề đã thu hút phần lớn lao động chưa qua đào tạo, đặc biệt lao động ở vùng nông thôn, sản xuất được nhiều mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình phát triển, làng nghề còn gặp nhiều khó khăn, việc phát triển nghề và làng nghề còn tự phát, phân tán, thiếu bền vững.
Song song đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc đầu tư trang thiết bị, cải tiến công nghệ mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật còn hạn chế. Sản phẩm chưa có thương hiệu, khả năng cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn chế và không ổn định.
Bên cạnh đó, giao thông chưa đồng bộ, nhiều cơ sở sản xuất không chủ động nguồn nguyên liệu dẫn đến sản xuất thường gián đoạn ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh. Thời gian tới, xã đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm của làng nghề với các mặt hàng như chiếu lác, hàng thủ công mỹ nghệ,... tổ chức các lớp dạy nghề tiểu thủ công nghiệp thích ứng với mẫu mã mới của thị trường nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/thi-truong-tieu-thu-san-pham-lang-nghe-30774.html