Thị trường toàn cầu chao đảo khi Mỹ bắt đầu thu thuế đối ứng

Thuế đối ứng của Mỹ áp vào 86 đối tác thương mại chính thức có hiệu lực từ lúc 0 giờ 1 phút ngày 9-4, theo giờ Mỹ. Thuế đối ứng dao động từ 11-50%. Trong đó, Việt Nam chịu mức thuế đến 46%.

Các thị trường tài chính trên toàn cầu biến động dữ dội sau khi chính phủ Mỹ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào về thuế quan vào phút cuối.

Các nhân viên giao dịch làm việc trên Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 8-4. Ảnh: Getty Images

Các nhân viên giao dịch làm việc trên Sàn giao dịch chứng khoán New York hôm 8-4. Ảnh: Getty Images

Cục Hải quan và biên phòng Mỹ (CBP) thông báo bắt đầu thu thuế đối ứng với 86 đối tác thương mại dao động từ mức 11-50% sau nửa đêm ngày 8-4, theo giờ miền Đông của Mỹ. Mức thuế mới này nâng thuế suất trung bình của Mỹ đối với hàng hóa nước ngoài lên cao nhất trong 100 năm.

Đáng chú ý hàng hóa của Trung Quốc sẽ chịu mức thuế tăng thêm đến 84%. Con số này bao gồm mức thuế đối ứng 34% và mức thuế 50% để trừng phạt Trung Quốc vì không rút lại thuế trả đũa 34% nhằm vào hàng hóa Mỹ. Nếu tính cả hai đợt áp thuế đó thì hàng hóa Trung Quốc gánh thêm mức thuế lên đến 104% trong năm nay.

Mức thuế đối ứng với hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ nguyên 46% như công bố của Nhà Trắng vào hôm 2-4.

Thông báo trên dập tắt hy vọng của thị trường rằng Tổng thống Donald Trump có thể thay đổi ý định vào phút cuối bằng cách trì hoãn áp thuế đối ứng. Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với nhiều nền kinh tế xuất khẩu chịu mức thuế đối ứng từ 20% trở lên.

Trong phiên giao dịch sáng nay 9-4, các thị trường chứng khoán châu Á bị bán tháo sau khi trải qua phiên phục hồi hôm trước.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 có lúc giảm hơn 5% sau khi tăng 6% trong phiên 8-4. Một chỉ số theo dõi cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông giảm đến 4,4%. Chứng khoán Đài Loan cũng giảm 4,6% dù chính quyền đã kích hoạt quỹ bình ổn thị trường trị giá 15 tỉ đô la Mỹ. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm 1,7% còn chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ mất 0,5%. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600, theo dõi 600 cổ phiếu vốn hóa lớn, vừa và nhỏ tiêu biểu giảm hơn 2% ngay sau khi thị trường mở cửa.

Trong phiên giao dịch hôm 8-4, chứng khoán Mỹ cũng biến động mạnh. Chỉ số S&P 500 có lúc tăng hơn 4% nhưng chốt phiên với mức giảm 1,6%.

Sáng nay, nhiều đồng tiền của châu Á giảm xuống mức thấp nhiều năm so với đô la Mỹ.

Đồng won Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 ở mức 1.484,1 won đổi 1 đô la Mỹ. Đồng rupiah Indonesia giảm xuống mức thấp kỷ lục mới là 16.965 rupiah đổi 1 đô la. Đồng ringgit của Malaysia giảm xuống còn 4,5 đổi 1 đô la Mỹ, mức thấp nhất kể từ tháng 2.

Trái lại, đồng yen Nhật Bản lội ngược dòng, tăng giá 0,75% so với đồng bạc xanh. Đồng tiền của Nhật Bản được xem là tài sản an toàn truyền thống, thường tăng giá khi kinh tế toàn cầu bất ổn.

Nhà đầu tư cũng đổ xô mua vàng để trú ẩn an toàn. Vào lúc 2 giờ chiều 9-4, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đang 2%, lên 3.042 đô la/ounce.

Đồng yen Nhật Bản và vàng tăng giá mạnh trong phiên giao dịch sáng 9-4 nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn của nhà đầu tư. Ảnh: Reuters

Đồng yen Nhật Bản và vàng tăng giá mạnh trong phiên giao dịch sáng 9-4 nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn của nhà đầu tư. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, dầu thô bị bán tháo do mối lo ngại cuộc chiến thuế quan sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Giá dầu Brent tương lai ở London giảm 3,7% xuống còn 60,50 đô la/thùng, trong khi giá dầu thô tương lai của Mỹ cũng giảm 4,1% xuống còn 57,16 đô la/thùng.

Các thị trường vẫn đang căng thẳng trong khi chờ phản ứng của Bắc Kinh sau khi Mỹ áp thuế bổ sung 84% với hàng hóa Trung Quốc.

Hôm 8-4, Bộ Thương mại Trung Quốc chỉ trích lời đe dọa của ông Trump áp thuế thêm 50% nếu Bắc Kinh không hủy bỏ mức thuế quan đáp trả 34% nhằm vào hàng hóa Mỹ là “sai lầm chồng chất sai lầm”. Bộ này tuyên bố Trung Quốc sẽ “chiến đấu tới cùng” nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi con đường sai trái.

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc dự kiến tiến hành cuộc họp sớm nhất là vào hôm nay để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế và ổn định thị trường vốn. Các sáng kiến như hoàn thuế xuất khẩu cũng có thể được thảo luận.

Hiện nay, đa số các nước đều ưu tiên đàm phán để giải quyết bất đồng thương mại với Washington.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Emmer cho biết khoảng 70 nước đã liên hệ với Nhà Trắng để tìm cách đàm phán thuế quan. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thu xếp đàm phán với Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh thân cận và đối tác thương mại lớn của Mỹ.

Reuters cho biết, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc sẽ gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent vào đêm nay, theo giờ Việt Nam. Một quan chức cấp cao của Mỹ xác nhận thông tin này nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết nội dung làm việc.

Theo Reuters, Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thi-truong-toan-cau-chao-dao-khi-my-bat-dau-thu-thue-doi-ung/