Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm dần lên

Theo VBMA, 5 tháng đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 59.909 tỷ đồng, tăng 71% so với 5 tháng đầu năm 2023.

Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban chứng khoán Nhà nước (SSC) tính đến ngày 31/5, có 19 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong tháng 5/2024 với tổng giá trị đạt 16.695 tỷ đồng, gấp 5 lần so với giá trị phát hành tháng 5/2023.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 59.909 tỷ đồng, tăng 71% so với 5 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, có 6 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng, chiếm 14,8% tổng giá trị phát hành và 58 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 51.031 tỷ đồng, chiếm 85,2% tổng số.

Liên quan đến kế hoạch phát hành thời gian tới, VBMA cho biết, hiện Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 2 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 6.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.

Tương tự, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn một năm 2024, được chia thành đợt một và đợt 2 với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng.

Còn gần 70.000 tỷ trái phiếu sẽ đáo hạn năm 2024

Trong tháng 5/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 9.178 tỷ đồng trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 46.252 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 51% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng khoảng 23.536 tỷ đồng.

Báo cáo của VBMA cũng cho biết, trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 163.860 tỷ đồng. Trong đó, 42% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 69.627 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 30.498 tỷ đồng, chiếm 19%.

Nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, dù mức độ tăng chưa thực sự mạnh như kỳ vọng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang có những tín hiệu phục hồi tích cực, năm sau cao hơn năm trước.

Niềm tin của nhà đầu tư và các tổ chức, kể cả doanh nghiệp cũng dần tăng trở lại. Cùng với đó, nhu cầu vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi đang ở mức rất cao, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ với Mekong ASEAN.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng đánh giá, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, tiếp tục có dấu hiệu ấm lên cùng thị trường bất động sản khi thời gian qua thanh khoản đã có sự cải thiện.

Mặc dù vậy, vị chuyên gia này cũng lưu ý đến áp lực đáo hạn trái phiếu tương đối lớn trong thời gian tới. Nhất là áp lực trả nợ đối với các nhà phát hành là doanh nghiệp bất động sản trong năm 2024 và 2025.

Tương lai gần, doanh nghiệp cũng phải tính toán và thu xếp dần cho những khoản trái phiếu chậm trả gốc/lãi có thời hạn đáo hạn gốc vào năm 2022 và 2023 và được cơ cấu tối đa 2 năm theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Nhấn mạnh vai trò dẫn vốn vào nền kinh tế quan trọng của trái phiếu doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh tháo gỡ pháp lý của các dự án bất động sản, đưa hàng tồn kho thành tài sản có thanh khoản nhằm giúp giảm áp lực đáo hạn trái phiếu.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải quan tâm phát triển hơn nữa thị trường trái phiếu xanh. Trong đó, với trái phiếu xanh, cần làm thế nào để trái phiếu có kỳ hạn dài, lãi suất thấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp đi theo mô hình phát triển bền vững, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Dẫn chứng về Thái Lan, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, quốc gia này thành lập quỹ phát triển xanh để bảo lãnh cho doanh nghiệp thực sự có dự án xanh, số trái phiếu này được phát hành dài hạn với lãi suất thấp, có bảo lãnh của quỹ. Theo đó, nhà đầu tư tin để mua các trái phiếu dài hạn, có thể mang đi cầm cố hoặc chiết khấu tại ngân hàng.

"Trong tương lai gần, trái phiếu sẽ trở thành nguồn vốn trung và dài hạn chủ yếu, nếu đưa được trái phiếu xanh vào Nghị định 153 sửa đổi hay được bảo lãnh bởi quỹ thì loại hình này sẽ đem lại nhiều hiệu quả trên thị trường tài chính," chuyên gia nhận định.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thi-truong-trai-phieu-doanh-nghiep-am-dan-len-post35532.html