Thị trường và sản phẩm ngách giúp doanh nghiệp xuất khẩu 'lách' khó

Một số doanh nghiệp (DN) trong ngành gỗ, dệt may có thể 'lách' qua khó khăn bằng việc đưa những mặt hàng thế mạnh hay sản phẩm ngách đi sâu vào thị trường ngách. Điều này không chỉ giúp DN thoát áp lực cạnh tranh, mang lợi nhuận cao, mà còn góp phần cải thiện hoạt động xuất khẩu vốn đối mặt nhiều thách thức như hiện tại.

Trong báo cáo cập nhật mới đây về CTCP Chế biến gỗ Trường Thành (GDT), Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BVSC cho biết, đến nay đơn hàng xuất khẩu (XK) của doanh nghiệp (DN) này khoảng 4 triệu USD, cung cấp đủ công việc cho đến tháng 5/2023. Điều này cho thấy XK (nguồn đóng góp chính kết quả kinh doanh của GDT) có thể sẽ phục hồi chậm trong nửa đầu năm 2023.

Vừa cạnh tranh thấp vừa lợi nhuận cao

Điều đáng khích lệ cho GDT là đơn đặt hàng từ khách hàng châu Á vẫn ổn định, trong khi khách hàng EU đang có dấu hiệu cải thiện từ mức thấp nhất trong nhiều năm vào quý 3/2022. XK của GDT được kỳ vọng sẽ phục hồi trong quý 3/2023 trước mùa cao điểm. Đáng chú ý, theo dự báo nhà máy sản xuất đồ nội thất mới được mua lại dự kiến sẽ đóng góp 15,7-17,2% doanh thu thuần cho các năm 2023-2025.

Các DN ngành gỗ cần chủ động linh hoạt hơn trong việc đầu tư những sản phẩm ngách, thị trường ngách để hái “quả ngọt”.

Các DN ngành gỗ cần chủ động linh hoạt hơn trong việc đầu tư những sản phẩm ngách, thị trường ngách để hái “quả ngọt”.

Dù XK có thể phục hồi chậm nhưng lợi nhuận của GDT trong năm nay được dự báo tăng 17,6% so với năm ngoái, tiệm cận mức năm 2020. Không chỉ vậy, lợi nhuận ròng trong giai đoạn 2024-2025 sẽ tăng trưởng lần lượt là 22,6% và 18,7%.

Triển vọng lợi nhuận tốt hơn của GDT được cho là nhờ tăng năng suất và cải thiện giá bán. Bên cạnh đó, chuyên gia phân tích của BVSC nhấn mạnh, hoạt động kinh doanh trong thị trường ngách và cơ sở khách hàng trung thành, cho phép DN này có được sự cạnh tranh thấp và duy trì biên lợi nhuận cao.

Xét về khó khăn của ngành gỗ hiện nay, nhiều ý kiến lưu ý các DN có “lách” khó, tìm cách tồn tại bằng cách nhắm đến những sản phẩm ngách, thị trường ngách.

Chẳng hạn như trong hoạt động XK đồ gỗ vào thị trường EU có mảng đồ trang trí được xem là thị trường ngách dự kiến tăng trưởng 4,27%/năm cho giai đoạn 2023-2026, đến năm 2026 có thể đạt 7,05 tỷ USD.

Theo ông Patrick Mui, Giám đốc tư vấn điều hành Centdegrés Việt Nam, với những mặt hàng trang trí nội thất càng có nét bản địa, bản sắc riêng thì các DN vừa và nhỏ của Việt Nam càng có nhiều thị trường ngách hơn, sẽ “đánh” vào một số đối tượng khách hàng nhất định tại thị trường EU.

Hoặc như sản phẩm ngách đang có nhiều triển vọng trong ngành gỗ là XK viên nén. Sản phẩm này vừa giúp tận dụng phế phẩm ngành gỗ và vừa bù vào chỗ khuyết của XK đồ gỗ giữa khó khăn về đơn hàng.

Trong báo cáo gần đây từ Nhóm nghiên cứu các Hiệp hội Gỗ và Tổ chức Forest Trends cho thấy lượng XK viên nén tăng mạnh hồi năm 2022 với sản lượng đạt trên 4,88 triệu tấn (tăng 39,35% so với 2021), giá trị XK đạt trên 787 triệu USD (tăng hơn 90% so với 2021).

Hầu như toàn bộ viên nén của Việt Nam được XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Hồi năm ngoái, lượng viên nén XK sang hai thị trường này chiếm lần lượt 97,5% tổng lượng và 96,7% tổng kim ngạch viên nén XK của Việt Nam trong năm.

Tuy nhiên, trong năm 2023 này, các DN XK viên nén của Việt Nam cần lưu tâm vấn đề giá XK viên nén đang giảm, giá nguyên liệu đầu vào sau một thời gian “sốt giá” cũng đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lãi suất ngân hàng đang ở mức cao. Với các DN đã chọn sản phẩm ngách này đang rất cần trường vốn để tránh những thách thức khó lường phía trước.

Linh hoạt để hái “quả ngọt”

Không chỉ chọn thị trường ngách, sản phẩm ngách để cải thiện XK cho ngành gỗ, điều này cũng cần được thực hiện ở ngành khác nhằm cải thiện hoạt động XK.

Chẳng hạn như với XK dệt may đang sụt giảm đơn hàng XK ở những thị trường lớn như Mỹ, EU. Trước tình hình như vậy, theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp.HCM, để vượt qua khó khăn hiện tại, các DN Việt cần tìm kiếm các thị trường XK ngách còn nhiều dư địa như châu Phi, Mỹ Latinh…

Trong khi các sản phẩm dệt may gặp khó thì các DN trong ngành đang tìm cơ hội ở mảng sợi để cải thiện XK. Ngành sợi của Việt Nam thời gian qua có mức tăng trưởng tốt là yếu tố giúp gia tăng nhu cầu đối với đơn hàng sợi nguyên liệu, trong đó có sợi tái chế được định vị tại phân khúc thị trường ngách.

Theo Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, kỳ vọng bước ngoặt cho các DN sản xuất sợi trong quý 3/2023. Do ở khâu thượng nguồn, các DN sản xuất sợi bị ảnh hưởng sớm hơn so với các DN hạ nguồn, do các khách hàng lớn giảm hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu. Do đó, các DN sợi như Sợi Thế Kỷ (STK), CTCP Damsan (ADS), Tổng công ty cổ phần dệt may Hòa Thọ (HTG), Tổng công ty cổ phần Phong Phú (PPH) sẽ có tín hiệu hồi phục khá sớm so với các DN gia công may mặc.

Ban lãnh đạo STK cho biết, sản lượng bán ra trong tháng 2/2023 cải thiện so với quý 4/2022. Công ty này được cho là có khả năng phát triển các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, có lợi thế thâm nhập thị trường ngách nhờ các loại sợi thân thiện với môi trường như sợi tái chế.

Nhờ đi vào thị trường ngách trong vài năm trước, đẩy mạnh mặt hàng sợi tái chế đã mang lợi nhuận và sức tăng trưởng cho DN này. Mục tiêu của STK là tỷ lệ sợi tái chế, sợi đặc biệt sẽ chiếm khoảng 70-80% trong tổng doanh thu của toàn công ty vào năm 2026. Theo VnDirect, khi dự án Unitex (nhà máy sản xuất sợi tổng hợp hoàn thành), STK trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai tại Việt Nam vào năm 2025. Động lực tăng giá là sản lượng sợi tái chế cao hơn dự kiến.

Nói chung, đứng trước nhiều khó khăn, để hái “quả ngọt” đang đòi hỏi các DN XK cần chủ động linh hoạt hơn trong việc đầu tư những sản phẩm ngách, thị trường ngách. Mặt khác, thời gian tới rất cần gia tăng các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa các DN tiến sâu vào những thị trường ngách, tạo “sân chơi” cho các DN vừa và nhỏ nhằm góp sức thúc đẩy XK.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/thi-truong-va-san-pham-ngach-giup-doanh-nghiep-xuat-khau-lach-kho-1091359.html