Thị trường vốn giữ vai trò trung tâm trong chiến lược phát triển mới của nền kinh tế
Việt Nam đang ở thời điểm bản lề để định hình tầm vóc kinh tế mới dựa trên ba trụ cột: phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ và cải cách thị trường tài chính. Trong đó, việc nâng hạng thị trường, tăng hiệu quả giao dịch và tháo gỡ rào cản pháp lý là những bước đi quyết định để thu hút dòng vốn dài hạn.
Thị trường vốn giữ vai trò trung tâm
Việt Nam đang đứng trước một thời điểm bản lề mang tính lịch sử, nơi các quyết sách về tài khóa, thị trường vốn và phát triển hạ tầng có thể định hình nên một tầm vóc mới cho nền kinh tế quốc gia.
Phát biểu tại Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do báo Tài chính - Đầu tư tổ chức ngày 23/7, bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu tại Dragon Capital khẳng định, mục tiêu trở thành một cường quốc khu vực vào năm 2030 là hoàn toàn khả thi, với điều kiện ba trụ cột chiến lược được triển khai đồng bộ và kiên định: phát triển hạ tầng hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên công nghệ, và cải cách sâu rộng thị trường tài chính.
“Trong ba trụ cột này, thị trường vốn đóng vai trò trung tâm như huyết mạch dẫn truyền dòng vốn dài hạn không chỉ cho doanh nghiệp tư nhân mà còn cho các chương trình phát triển quốc gia quy mô lớn” - bà Minh nhận định.

Bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu tại Dragon Capital chia sẻ tại tọa đàm.
Để hiện thực hóa tầm nhìn này, theo bà Minh, cải cách thị trường tài chính là yêu cầu cấp thiết. Trong 5 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng gần 70%, trở thành một trong những kênh đầu tư hiệu quả hàng đầu trong khu vực, dù vẫn đang bị định giá thấp hơn giá trị nội tại. Đáng chú ý, việc nâng hạng thị trường hiện không chỉ dừng lại ở mức chủ trương, mà đã được cụ thể hóa thành chiến lược hành động, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký.
Chuyên gia từ SSIAM nhận định rằng, những thay đổi như rút ngắn thời gian thanh toán, cải tiến sản phẩm phái sinh, điều chỉnh quy mô đòn bẩy... sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh và thanh khoản thị trường. Đây không chỉ là cải tiến kỹ thuật đơn thuần, mà là điều kiện cần để tăng độ sâu thị trường và thu hút dòng vốn mới, mở rộng quy mô đầu tư một cách bền vững.
“Những cải cách đang đi đúng hướng, tập trung vào hoàn thiện thể chế, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư, và đẩy mạnh kết nối với các tổ chức xếp hạng quốc tế. Nếu duy trì được đà cải cách như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể được nâng hạng bởi FTSE Russell và MSCI trong vòng 18 - 24 tháng tới” - bà Minh kỳ vọng.
Từ góc nhìn dòng vốn, ông Nguyễn Phan Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho rằng, việc nâng hạng sẽ mở ra cánh cửa quan trọng để thu hút nguồn vốn dài hạn từ các tổ chức đầu tư quốc tế. Mặc dù dòng vốn qua ETF ban đầu có thể chỉ dao động ở mức 1 - 2 tỷ USD, nhưng nếu hệ thống vận hành minh bạch, chuẩn mực và đủ điều kiện, thì dòng vốn từ các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có thể đạt 5 - 10 tỷ USD - con số hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng lưu ý rằng để hiện thực hóa tiềm năng đó, các doanh nghiệp niêm yết cần đáp ứng được những tiêu chí khắt khe từ nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm chuẩn mực báo cáo tài chính, công bố thông tin bằng tiếng Anh và khả năng tiếp cận nhà đầu tư một cách chủ động, chuyên nghiệp. Đây là tiến trình không thể hoàn tất trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi lộ trình rõ ràng và sự chuẩn bị nghiêm túc.
Song song với điều kiện về doanh nghiệp, hệ thống hạ tầng giao dịch cũng là nền tảng không thể thiếu để thị trường nâng tầm. Trong đó, Hệ thống giao dịch mới (KRX) đã bước đầu vận hành ổn định, đồng thời hệ thống này còn nhiều dư địa để cải thiện trải nghiệm người dùng.
Dòng tiền đang trở lại trái phiếu
Ở một phân khúc khác của thị trường tài chính, bà Trịnh Quỳnh Giao - Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ PVI (PVIAM) lưu ý rằng, thị trường trái phiếu vẫn đang đối mặt với không ít thách thức, bất chấp nền tảng vĩ mô đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” do Báo Tài chính - Đầu tư - cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính tổ chức.
“Trong môi trường lãi suất thấp như hiện nay, lợi suất đầu tư từ trái phiếu trở nên kém hấp dẫn so với các kênh khác, khiến tâm lý nhà đầu tư tiếp tục thận trọng. Tổng giá trị phát hành trái phiếu trong năm 2024 chỉ đạt hơn 400.000 tỷ đồng, bằng một nửa mức đỉnh của năm 2021. Trong nửa đầu năm 2025, con số này chỉ nhỉnh hơn một chút, cho thấy đà phục hồi còn khá chậm” - bà Giao đánh giá.
Một trong những rào cản lớn được bà Giao chỉ ra là các quy định pháp lý mới đang gây khó cho việc tham gia phát hành trái phiếu, đặc biệt với các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Từ ngày 1/5/2024, ngân hàng thương mại không còn được phép quản lý tài sản đảm bảo cho trái phiếu, khiến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc kiểm soát rủi ro.
Trong khi đó, phần lớn trái phiếu trên thị trường hiện không có tài sản đảm bảo, hoặc nếu có thì chủ yếu là cổ phiếu - loại tài sản không đáp ứng tiêu chuẩn của các quỹ như PVIA... Hệ quả là khả năng huy động vốn qua kênh trái phiếu bị hạn chế đáng kể, đi ngược lại với chủ trương giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Thực tế cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2025, tới 77% lượng trái phiếu phát hành vẫn đến từ khối ngân hàng, khiến dòng vốn dù đầu tư gián tiếp qua quỹ vẫn vòng về kênh tín dụng truyền thống.
Không chỉ vậy, những hệ lụy từ cuộc khủng hoảng trái phiếu năm 2022 cũng đang khiến môi trường pháp lý trở nên quá chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp e ngại phát hành vì yêu cầu quá phức tạp, trong khi nhà đầu tư cá nhân chuyển hướng gửi vốn qua các quỹ đầu tư, thì chính các quỹ lại gặp khó trong việc tìm nguồn hàng chất lượng. Cạnh tranh gay gắt với ngân hàng càng khiến biên độ hoạt động bị thu hẹp.
Tuy nhiên, chuyên gia từ PVIAM cho rằng, vẫn có những tín hiệu tích cực từ phía cầu. Hành vi tiết kiệm và đầu tư của người dân đang dần thay đổi theo hướng ổn định và dài hạn hơn. Các báo cáo gần đây cho thấy, dòng vốn đang rút khỏi cổ phiếu và chuyển dần sang trái phiếu, phản ánh nhu cầu ngày càng rõ ràng với các sản phẩm có độ an toàn cao hơn.
Trong bối cảnh đó, các quỹ trái phiếu đang có cơ hội phát triển trở lại, đặc biệt nhờ vào hiệu suất đầu tư vẫn ở mức hấp dẫn. Các quỹ mở đang tạo lợi suất cao hơn lãi tiết kiệm từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm, trong khi các quỹ đóng nhờ linh hoạt đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ và sản phẩm cấu trúc, vẫn duy trì được lợi suất bình quân trên 9%/năm trong suốt 5 năm gần đây. Điều này cho thấy nếu được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, các quỹ trái phiếu vẫn có khả năng phát huy hiệu quả, ngay cả trong môi trường lãi suất thấp và nhiều cạnh tranh.