Căng thẳng phủ bóng thượng đỉnh Trung Quốc - EU
Các quan chức Liên minh châu Âu đang lo ngại về thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 25 dự kiến diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh ngày 24-7. Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và hai nhà lãnh đạo EU nói trên sẽ đồng chủ trì hội nghị.
EU cho biết sự kiện này diễn ra nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ với Trung Quốc, là cơ hội để hai bên đối thoại ở cấp cao nhất và khẳng định EU coi trọng một mối quan hệ công bằng, cân bằng với Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh sẽ tập trung vào tình hình quan hệ song phương và các thách thức địa chính trị toàn cầu. Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận cách thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng hơn, có đi có lại và cùng có lợi, cũng như các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và chuyển đổi xanh.

Ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc tại một cảng ở thị trấn Wilhelmshaven, bang Lower Saxony - Đức. Ảnh: AP
Bà Marina Rudyak, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc ĐH Heidelberg (Đức), nhận định bất chấp những tranh cãi về lịch trình, Bắc Kinh vẫn xem sự kiện này là cơ hội để "thiết lập lại" quan hệ với châu Âu. Trong khi đó, ông Jörn Fleck, Giám đốc cấp cao tại Trung tâm châu Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), cho rằng quan hệ Brussels - Bắc Kinh đang căng thẳng và hai bên có nhiều điểm bất đồng hơn là đồng thuận. Tuy nhiên, theo ông Fleck, cả hai bên đều không thể để quan hệ tiếp tục xấu đi khi xét đến triển vọng toàn cầu và vị thế kinh tế của mỗi bên.
Theo đài CNBC, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của EU về hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, các quan chức EU đang lo ngại về thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Trung Quốc.
Theo dữ liệu thương mại của EU, con số này đã tăng lên tới 359 tỉ USD vào năm ngoái. Bên cạnh đó, EU và các quốc gia thành viên từ lâu cáo buộc Trung Quốc sản xuất dư thừa và bán phá giá hàng xuất khẩu giá rẻ vào thị trường châu Âu. Các nhà sản xuất ô tô châu Âu cũng chịu thiệt hại từ quyết định gần đây của Bắc Kinh về việc hạn chế xuất khẩu đất hiếm và nam châm, vốn là những thành phần thiết yếu trong nhiều bộ phận ô tô và xe điện.
Về phần mình, Bắc Kinh đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với châu Âu, nhắm vào các mặt hàng chủ lực như sữa, rượu mạnh và thịt heo. Ông Wang Yi-wei, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu EU tại ĐH Nhân dân Trung Quốc, nhận định Bắc Kinh còn nhiều điều không hài lòng với châu Âu ngay cả khi đang cố gắng thiết lập lại quan hệ song phương.
Trong số này là cách tiếp cận thiếu nhất quán của EU trong mối quan hệ giữa họ với Trung Quốc và Mỹ. Theo đài Al Jazeera, dù kỳ vọng về kết quả đột phá tại hội nghị là khá thấp, giới quan sát vẫn hy vọng hội nghị ít nhất sẽ mở ra các kênh đối thoại giữa quan chức hai bên.
Đàm phán thương mại Mỹ - EU bế tắc
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru ngày 23-7 hoan nghênh thỏa thuận thương mại đạt được với Mỹ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên khi cùng hợp tác để thúc đẩy việc làm và đầu tư. Theo thỏa thuận, mức thuế Mỹ áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản là 15%, thấp hơn so với con số 25% được công bố trước đó. Thủ tướng Ishiba xác nhận thuế quan đối với ô tô cũng sẽ là 15%. Theo đài CNBC, xuất khẩu ô tô sang Mỹ là trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này trong năm 2024.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cho biết Nhật Bản sẽ đầu tư 550 tỉ USD vào Mỹ, đồng thời mở cửa nền kinh tế để giao thương, bao gồm ô tô, xe tải, gạo, một số mặt hàng nông sản và các lĩnh vực khác. Tổng thống Mỹ cũng cho rằng thỏa thuận mới sẽ "tạo ra hàng trăm ngàn việc làm" và Washington "sẽ luôn có mối quan hệ tuyệt vời" với Tokyo. Theo dữ liệu của Mỹ, nước này năm 2024 ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng hóa với Nhật Bản lên tới 69,4 tỉ USD.
Trong bối cảnh thời hạn áp dụng thuế quan mới 1-8 đang đến gần, ông Donald Trump cũng công bố một khuôn khổ thương mại khác với Philippines, theo đó sẽ áp dụng mức thuế 19% cho hàng nhập khẩu từ quốc gia Đông Nam Á này. Trong khi đó, sản phẩm đi theo chiều ngược lại sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu. Tổng thống Mỹ cũng tái khẳng định mức thuế nhập khẩu 19% với Indonesia. Thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Indonesia, Philippines lần lượt là 17,9 tỉ USD và 4,9 tỉ USD vào năm ngoái.
Trong khi đó, tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt kết quả đột phá sau khi ông Donald Trump công bố mức thuế 30% đối với đối tác thương mại này, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-8. Theo Tổng thống Mỹ, một phái đoàn của EU có mặt tại Washington ngày 23-7 để tiếp tục tiến trình đàm phán.
Anh Thư
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cang-thang-phu-bong-thuong-dinh-trung-quoc-eu-196250723214313956.htm