Khơi thông dòng vốn cho thị trường chứng khoán để hiện thực mục tiêu tăng trưởng

Thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 25 năm đang đứng trước cơ hội nâng hạng, nhưng mục tiêu dài hạn là cải cách toàn diện để vận hành minh bạch, ổn định và thu hút dòng vốn dài hạn, theo định hướng của Bộ Tài chính và UBCKNN.

Lực đẩy từ thành quả 25 năm phát triển

Chia sẻ tại tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” tổ chức ngày 23/7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam sau 25 năm xây dựng và phát triển từ con số 0, đến nay, dù vẫn còn nhiều điều phải bàn, song so với khu vực cũng như các mục tiêu, thành quả hôm nay rất đáng để tự hào.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, thị trường chứng khoán Việt Nam đã thiết lập được khuôn khổ, hành lang pháp lý để thị trường vận hành hiệu quả, xây dựng và phát triển một hệ thống các thành viên của thị trường với đầy đủ tiềm lực về tài chính, năng lực về chuyên môn trình độ để xây dựng và tham gia thị trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Thị trường cũng đã xây dựng và phát triển một hệ thống nhà đầu tư với chỉ vài trăm nhà đầu tư ban đầu đến nay đã có 10 triệu tài khoản cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Từ việc đầu tiên đi vận động các doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường, thì nay vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt trên 60% GDP, có lúc lên đến 70%, một quy mô đáng tự hào.

Bên cạnh đó, cũng xây dựng được những nền tảng hạ tầng kỹ thuật cho thị trường. Mới đây nhất, hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường là KRX được áp dụng để đáp ứng nhu cầu của thị trường chứng khoán. Chúng ta cũng có một đội ngũ quản lý thị trường tốt, các hệ thống thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán được xây dựng vận hành và hướng tới thiết lập mô hình đối tác thanh toán trung tâm (CCP) để đáp ứng nhu cầu thị trường.

“Thị trường chứng khoán dần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, là “hàn thử biểu” phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, năng lực của các doanh nghiệp. Và sau 25 năm phát triển, chúng ta đã xây dựng và tích lũy được một lượng rất đáng kể về mọi mặt”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, “Lực đẩy dòng vốn mới” là yêu cầu đúng lúc, đúng nội dung và đúng kỳ vọng của toàn thị trường, từ phía nhà đầu tư, doanh nghiệp cho đến các cơ quan hoạch định chính sách.

Để thị trường phát triển bền vững và hiệu quả hơn, Thứ trưởng đề nghị tập trung làm rõ khuôn khổ pháp lý hiện hành nhằm phát triển thị trường vốn, hướng đến thay đổi về chất và đưa thị trường lên tầm cao mới. Theo Thứ trưởng, cần xác định cụ thể đâu là điểm nghẽn pháp lý, những nội dung nào trong Luật Chứng khoán 2019 và Luật Chứng khoán sửa đổi 2024 và các nghị định hướng dẫn cần sửa đổi, điều chỉnh thì phải chỉ rõ để kiến nghị sửa kịp thời.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu giải pháp để xây dựng những hàng hóa mới, kể cả việc xem xét cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia niêm yết.

Liên quan đến cấu trúc thị trường, Thứ trưởng đề nghị đánh giá rõ tỷ trọng giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân hiện nay. Qua đó, đặt vấn đề làm thế nào để tăng tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức trên thị trường. Trong khi đó, với nhà đầu tư cá nhân, cần có chiến lược đào tạo năng lực, nâng cao hiểu biết về thị trường chứng khoán.

Khơi thông dòng vốn mới từ thị trường chứng khoán

Tại phiên tọa đàm, các khách mời tập trung vào việc giải quyết những tồn tại của thị trường chứng khoán, khơi thông vướng mắc và tạo lực đẩy thực sự của dòng vốn trong giai đoạn mới.

Ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán. Đến nay, các tiêu chí cứng để nâng hạng thị trường chứng khoán lên thị trường mới nổi đã đáp ứng, với các tiêu chí mềm thì còn phụ thuộc vào trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài. UBCKNN đã duy trì trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư… và đánh giá cao khuôn khổ pháp lý và mức độ phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm

Bàn về những giải pháp mà Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) triển khai trong thời gian tới, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, đối với hàng hóa mới, UBCKNN đang có chủ trường tạo nguồn hàng tốt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp lên sàn với quy trình mới, với Nghị định 155 mới sẽ triển khai quy trình gắn IPO với niêm yết; sẽ tập trung để khối doanh nghiệp nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn hoạt động, có mặt bằng so sánh được với các thị trường trong khu vực, từ đó thu hút được dòng vốn nước ngoài.

Với mảng phục vụ công ty quản lý quỹ, phối hợp với các công ty quản lý quỹ để xây dựng các chỉ số đầu tư, có chỉ số phục vụ nhu cầu nhất định của từng đối tượng nhà đầu tư. Sắp tới, HOSE sẽ có thêm chỉ số trên thị trường, giúp các quỹ có cơ sở triển khai sản phẩm, cố gắng có lộ trình khai thác tốt nhất các sản phẩm có trên hệ thống để phục vụ thêm nhu cầu thị trường. Mục tiêu là phát triển ổn định và bền vững thị trường.

Những giải pháp nêu tại tọa đàm rất thiết thực để nâng hạng thị trường và khơi thông dòng vốn mới. Tuy nhiên, ông Hải nhấn mạnh nâng hạng thị trường chứng khoán không phải là đích đến. Mục tiêu của Chính phủ, Bộ Tài chính là cải cách thị trường để thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, phát triển, giúp nhà đầu tư huy động vốn dễ dàng.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/khoi-thong-dong-von-cho-thi-truong-chung-khoan-de-hien-thuc-muc-tieu-tang-truong-post1217140.vov