Thi tuyển phó hiệu trưởng tại TP HCM: Hạn chế tư tưởng 'sống lâu lên lão làng'

Việc thực hiện thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng sẽ kích thích sự phấn đấu của nguồn nhân sự tại chỗ, hạn chế tư tưởng 'sống lâu lên lão làng'.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM vừa ra thông báo tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng ở 3 trường THPT: Trần Hữu Trang, Cần Thạnh và Quốc tế Việt Úc.

Theo Sở GD-ĐT TP, đối tượng được đăng ký tham gia dự tuyển gồm: Nhân sự tại chỗ (là viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và trong quy hoạch của chức danh cần thi tuyển, đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm); nhân sự từ nơi khác (là công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP HCM có đủ điều kiện, tiêu chuẩn và trong quy hoạch của các chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn).

Ngoài ra, còn có đối tượng được đề cử tham gia dự tuyển, là công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, được lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử và được cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó đồng ý bằng văn bản.

Công chức, viên chức dự thi nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì chỉ được dự thi ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn liền kề so với chức vụ hiện giữ. Nếu không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì phải có thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực tối thiểu 2 năm (không kể thời gian tập sự, thử việc) và chỉ được dự thi chức danh phó trưởng phòng và tương đương.

Ứng viên đủ điều kiện sẽ dự thi qua 2 vòng gồm thi viết và trình bày đề án.

Trong đó, thi viết kiến thức chung về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; hiểu biết về nghiệp vụ quản lý của chuyên ngành, lĩnh vực dự tuyển; về chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh dự thi và các nội dung khác. Thời gian thi là 180 phút, thang điểm 100. Người dự thi phải có kết quả bài thi viết đạt từ 50 điểm trở lên mới được tham gia phần thi trình bày đề án.

Vòng tiếp theo, người dự thi phải trình bày đề án, phân tích những mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh thi tuyển và chỉ ra nguyên nhân; dự báo xu hướng phát triển và đề xuất kế hoạch, giải pháp phát triển cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn; chương trình hành động thực hiện các kế hoạch, giải pháp của người dự thi nếu được bổ nhiệm vào chức danh thi tuyển; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử, giải quyết tình huống quản lý, phong cách lãnh đạo; trả lời các câu hỏi chất vấn của hội đồng thi và những người tham dự.

Chủ đề cụ thể của đề án đối với từng chức danh thi tuyển sẽ được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị. Thời gian trình bày đề án tối đa 30 phút. Thời gian trả lời các câu hỏi chất vấn về đề án 30-40 phút.

Dự kiến, thời gian tổ chức thi viết vào tháng 11, trình bày đề án vào tháng 12 và công bố quyết định người trúng tuyển kỳ thi và trao quyết định bổ nhiệm chức vào tháng 12.

Kỳ thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng trường THPT năm 2023 tại TP HCM

Kỳ thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng trường THPT năm 2023 tại TP HCM

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Tống Phước Lộc, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết việc tổ chức thi tuyển trước hết căn cứ vào những vị trí còn thiếu. Đây cũng là năm thứ 2, Sở GD-ĐT TP HCM thực hiện thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng trường THPT. Năm nay, chỉ có một trường ở ngoại thành tổ chức thi tuyển, còn 2 trường còn lại thuộc khu vực nội thành. Trong đó, Trường THPT Quốc tế Việt Úc là mô hình trường công với chủ trương phát triển mang tính đặc thù vì vậy đòi hỏi ứng viên dự tuyển cũng phải đáp ứng được một số yêu cầu phù hợp.

Ông Lộc nói thêm, sở dĩ Sở GD-ĐT tổ chức thi tuyển chức danh phó hiệu trưởng xuất phát từ thực tế, nếu lấy nguồn nhân sự tại chỗ sẽ thiếu tính cạnh tranh, đâu đó vẫn có tư tưởng "sống lâu lên lão làng". Việc thực hiện thi tuyển phó hiệu trưởng sẽ thu hút nguồn cán bộ trẻ về công tác tại các trường khu vực ngoại thành; kích thích sự phấn đấu, tính cạnh tranh lành mạnh, khắc phục tình trạng ỷ lại, sức ỳ của nguồn tại chỗ. Ở những trường ở khu vực vùng ven, ngoại thành rất khó điều động, luân chuyển cán bộ từ nơi này sang nơi khác còn khó khăn.

Cũng theo ông Lộc, ở năm thứ 2 tổ chức, Sở GD-ĐT TP thực hiện theo hướng vừa làm, vừa thí điểm, phát huy những mặt được, đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm sau mỗi lần triển khai. Ở năm học trước, là năm đầu tiên tổ chức thi tuyển, sau một năm, cả ba phó hiệu trưởng đều được tập thể các đơn vị ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp...

Đặng Trinh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thi-tuyen-pho-hieu-truong-tai-tp-hcm-han-che-tu-tuong-song-lau-len-lao-lang-1962410221434135.htm