Thị xã Quảng Trị chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Thời gian qua, thị xã Quảng Trị đã tích cực ứng dụng rộng rãi công nghệ số vào mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng. Trong đó tập trung vào các giải pháp xây dựng và thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Thực hiện Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị, ngày 12/8/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 190-KH/TU; Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 01- NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2025 ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy Quảng Trị.
Trên cơ sở đó, thị xã Quảng Trị đã tổ chức các hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết số 52-NQ/TW cho 178 cán bộ chủ chốt thị xã, các phường, xã và 32 báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thị xã tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung của các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch do Chính phủ, Tỉnh ủy, Thị ủy ban hành và các văn bản khác có liên quan đến phát triển khoa học và công nghệ trong toàn thể đội ngũ CBCCVC, người lao động.
Mặt khác, để cụ thể hóa các nội dung nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, làm căn cứ cho việc chỉ đạo thực hiện, thị xã Quảng Trị cũng đã xây dựng và ban hành các kế hoạch, đề án để thực hiện nghị quyết, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số thị xã Quảng Trị và các văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung trọng tâm.
Trong 4 năm qua, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng mạng phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của thị xã đã có bước phát triển mạnh mẽ, 100% đơn vị, cơ quan, đơn vị cấp thị xã, UBND các phường, xã đều áp dụng văn bản điện tử trong công việc và khai thác các dịch vụ để trao đổi thông tin trên phần mềm; gửi nhận văn bản, email công vụ và tra cứu văn bản quy phạm pháp luật, trao đổi số liệu điện tử, nhiều đơn vị có hệ thống mạng nội bộ phục vụ hiệu quả cho công tác chuyên môn của CBCC.
Hoạt động ứng dụng CNTT được tăng cường, đưa CNTT trở thành công cụ đắc lực, phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành và ứng dụng. Đến nay, 100% CBCCVC cấp thị xã, công chức cấp xã, phường được trang bị máy tính phục vụ công việc (bình quân 1người/1 máy tính); tỉ lệ máy tính được kết nối internet đạt 100% (trừ một số máy có tính chất bảo mật).
100% các cơ quan, đơn vị đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật như: hệ thống mạng LAN, đường truyền internet tốc độ cao; sử dụng Cổng thông tin điện tử thị xã để kết nối giữa các phòng, ban, UBND các xã, phường góp phần đảm bảo việc thông tin, gửi nhận các văn bản chỉ đạo, điều hành, lịch làm việc, giấy mời... kịp thời trên môi trường mạng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hạ tầng CNTT tại bộ phận một cửa thị xã cơ bản đã được đảm bảo để thực hiện công tác xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú. Đặc biệt, UBND thị xã tập trung chỉ đạo ứng dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), đầu tư trang thiết bị cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về việc cập nhật, công bố, công khai TTHC, đến tháng 7/2023, có 100% TTHC được công bố 14 lĩnh vực với 416 thủ tục, trong đó cấp huyện 281 thủ tục, cấp xã 138 thủ tục. Trong dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện là 2.012 thủ tục; cấp xã là 119 thủ tục. Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn thị xã đã tiếp nhận 4.308 hồ sơ, trong đó hồ sơ qua giao dịch trực tuyến 3.289 hồ sơ.
Hiện nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thị xã đã được đầu tư đáp ứng yêu cầu triển khai nhiệm vụ phục vụ trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của UBND thị xã. Theo đó, UBND thị xã đã triển khai ứng dụng nhiều phần mềm như: Hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ; hệ thống báo cáo công tác chỉ đạo điều hành; hệ thống một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc...
Trong quản lý tài chính - ngân sách, thị xã cũng đã áp dụng và vận hành thông suốt hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc TABMIS cùng nhiều phần mềm phục vụ công tác quản lý tài chính khác. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị cũng đã được trang bị nhiều phần mềm ứng dụng phục vụ cho công tác trong lĩnh vực tư pháp, BHXH, bảo trợ xã hội...
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC thực hiện ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước đã được UBND thị xã quan tâm, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh tổ chức tập huấn và bồi dưỡng nâng cao kiến thức ứng dụng CNTT. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ chuyên trách tham gia bồi dưỡng, tập huấn về an toàn, bảo mật thông tin hằng năm.
Công tác vận động, tuyên truyền và hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên địa bàn được chú trọng. Đến nay, 100% CBCCVC, lực lượng vũ trang trên địa bàn thị xã đã đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2 và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến khi thực hiện các TTHC.
100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, có trên 92% người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn được cập nhật số căn cước công dân vào hồ sơ phục vụ cho việc khám, chữa bệnh. Đã hoàn thành 100% chỉ tiêu thu nhận hồ sơ căn cước công dân và kích hoạt định danh điện tử theo yêu cầu đề ra.
Thời gian tới, thị xã Quảng Trị sẽ tiếp tục chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm phát huy, khai thác các tiềm năng tự nhiên, con người để đảm bảo phát triển KT-XH địa phương một cách bền vững.