Thích ứng hậu 'dân số vàng'
Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới, với tổng số dân của Việt Nam ước tính cuối năm 2020 là 97,58 triệu người. Mặc dù, tỷ trọng dân số độ tuổi từ 15 - 64 vẫn chiếm khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%.
Theo các chuyên gia, dân số trong độ tuổi lao động ở Việt Nam vẫn đang gấp đôi số người ở trong độ tuổi phụ thuộc; tỷ lệ dân số có việc làm luôn ở mức cao và thuộc nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trên thế giới. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho phát triển kinh tế - xã hội nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn lực cho thanh niên, tạo việc làm...
Tuy nhiên, Quỹ phát triển dân số của Liên hợp quốc dự báo, thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2039. Xu hướng già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp đã và đang tạo ra nguy cơ rơi vào tình trạng “chưa giàu đã già”. Điều này đòi hỏi chúng ta vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách để thích ứng với già hóa dân số, vừa phải tranh thủ tận dụng tốt cơ hội “dân số vàng” cho phát triển kinh tế, tạo bứt phá để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Trước thực tế đó, các chuyên gia cảnh báo, thời gian cho phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” không còn nhiều, trong khi chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế và chất lượng việc làm chưa cao.
Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ mới đạt 24,5%; nếu tính cả số việc làm trong khu vực nông nghiệp thì tỷ lệ việc làm phi chính thức còn chiếm hơn 2/3 tổng số việc làm của toàn nền kinh tế. Tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên, đặc biệt, nhiều lao động có bằng cử nhân và thạc sĩ (khoảng 162.000 người) không tìm được việc hoặc phải làm các công việc không đúng với ngành nghề được đào tạo.
Rõ ràng, một lực lượng lao động lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường, cộng với năng suất lao động thấp sẽ khiến nền kinh tế rơi vào bẫy với các hoạt động giá trị thấp và tỷ lệ tăng trưởng thấp. Đây cũng là rào cản đối với việc tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Bên cạnh đó, đến nay, mới có 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 45,5% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng; hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi còn chưa đầy đủ cả về số lượng và chất lượng. Điều này làm gia tăng gánh nặng an sinh xã hội cho ngân sách Nhà nước.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra nhiều vướng mắc trong chuyển dịch cơ cấu lao động theo các nhóm nghề, khi tỷ lệ lao động giản đơn chỉ giảm được 3% trong 10 năm qua.
Thực tế này khiến Việt Nam chưa giảm được bất cập đào tạo với yêu cầu thị trường, nhất là thiếu lao động lành nghề và nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, có năng lực đổi mới sáng tạo, trong khi đây là những nhóm có khả năng dẫn dắt nền kinh tế. Do vậy, các chuyên gia khuyến nghị, những vấn đề trên cần được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động, quy định rõ điều kiện gắn kết giữa cơ sở đào tạo, dạy nghề và thị trường.
Thiết nghĩ, để phát triển thị trường lao động hiện đại, Nhà nước cần giải quyết dứt điểm những “điểm nghẽn” trong quá trình phân bổ và dịch chuyển lực lượng lao động, giảm nhanh lực lượng lao động giản đơn, để đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Trong thời đại công nghệ 4.0, việc đào tạo cho người lao động phải được xác định là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định, cần “đi trước đón đầu”.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thich-ung-hau-dan-so-vang-post439028.html