Thiện chí hòa bình, bản lĩnh ngoại giao nhìn từ Tạm ước 14/9

Đúng ngày 14/9 cách đây 78 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện phía Pháp bản Tạm ước nhằm ngăn ngừa nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa Cộng hòa Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thực hiện Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, từ ngày 6/7/1946 tới 10/9/1946, cuộc đàm phán chính thức giữa hai Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Pháp đã diễn ra tại lâu đài Fontainebleau, Paris.

Hồ Chủ tịch họp báo tại Hotel Royal Monceau, nói rõ quan điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán Fontainebleaua, ngày 12/7/1946. (Ảnh tư liệu)

Hồ Chủ tịch họp báo tại Hotel Royal Monceau, nói rõ quan điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại cuộc đàm phán Fontainebleaua, ngày 12/7/1946. (Ảnh tư liệu)

Phái đoàn Việt Nam do đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng Ban thường trực Quốc hội dẫn đầu và phái đoàn Pháp do Max Andre’ dẫn đầu. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng thương lượng, hội nghị Fontainebleau đã kết thúc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào do Chính phủ Pháp vẫn mù quáng bám giữ lập trường thực dân lỗi thời, ngoan cố không chịu công nhận nền độc lập dân tộc của Việt Nam và lảng tránh đề ra thời gian cụ thể tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc thống nhất Việt Nam.

Ngày 13/9/1946, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và đoàn đại biểu Việt Nam rời Paris đi cảng Marseille để lên tàu thủy Pasteur về nước.

Trước kết quả tiêu cực của cuộc đàm phán ở Fontainebleau, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định nán lại Paris ít ngày để thương lượng tiếp với phía Pháp một giải pháp tạm thời nhằm cứu vãn Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, duy trì tình thế hòa hoãn, ngăn chặn sự bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện ở Việt Nam, tạo điều kiện cho hai bên có thể tiếp tục thương lượng một giải pháp hòa bình vào đầu năm 1947.

Trong ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp Thủ tướng Pháp Georges Bidault và trực tiếp thương lượng với Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Marius Moutet một thỏa thuận tạm thời về quan hệ giữa hai nước. Rạng sáng ngày 15/9/1946, Hồ Chủ tịch đã ký với Bộ trưởng Marius Moutet Tạm ước (Modus Vivendi) đề ngày 14/9/1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Chính phủ Pháp Marius Moutet sau khi ký Tạm ước 14/9/1946. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Chính phủ Pháp Marius Moutet sau khi ký Tạm ước 14/9/1946. (Ảnh tư liệu)

Bản Tạm ước 14/9/1946 chứa đựng những nhân nhượng rất quan trọng về kinh tế, thương mại mà Chính phủ Việt Nam có thể đồng ý dành cho Pháp, thể hiện thiện chí cao nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn duy trì hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh giữa hai nước.

Trong cùng ngày 14/9/1946, với mong muốn duy trì tiếp xúc, liên lạc trực tiếp và thường xuyên giữa hai Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã gửi một bức Công thư cho Thủ tướng Pháp George Bidault về việc cử một Phái đoàn đại diện thường trực của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Paris do ông Hoàng Minh Giám, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I làm Trưởng đoàn và ông Trần Ngọc Danh, Đại biểu Quốc hội là Phó Trưởng đoàn.

Công thư của Hồ Chủ tịch gửi Thủ tướng Pháp Georges Bidault ngày 14/9/1946 cử ông Hoàng Minh Giám làm Trưởng đoàn và ông Trần Ngọc Danh làm Phó đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Pháp. (Ảnh tư liệu)

Công thư của Hồ Chủ tịch gửi Thủ tướng Pháp Georges Bidault ngày 14/9/1946 cử ông Hoàng Minh Giám làm Trưởng đoàn và ông Trần Ngọc Danh làm Phó đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Pháp. (Ảnh tư liệu)

Có thể coi Phái đoàn này là cơ quan đại diện ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở nước ngoài do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ủy quyền. Ngày 16/9/1946, Hồ Chủ tịch cùng các đồng chí thư ký Vũ Đình Huỳnh, Đỗ Đình Thiện và bốn trí thức người Việt là: kỹ sư Phạm Quang Lễ/Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quý Huân, Vũ Đình Quỳnh rời Paris bằng tàu hỏa đi cảng Toulons để lên tàu thủy Dumont D’urville về nước (19/9/1946).

Hoàng Vĩnh Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thien-chi-hoa-binh-ban-linh-ngoai-giao-nhin-tu-tam-uoc-149-287605.html