Thiền phái Tào Động ở Thuận Hóa

Một nguyên nhân rất giản đơn đã làm cho phái Thiền Tào Động ở Thuận Hóa, Nam hà, đã không phát triển, rồi bị thất truyền! Đó là tất cả các Thiền sư của phái Thiền Tào Động ở Thuận Hóa đều không có đệ tử kế thế để xiển dương học lý nhập thế của Thiền phái mình

HT.Thích Hải Ấn
Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT.Huế
Trích: Kỷ yếu Hội thảo khoa học với chủ đề “Thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích Nhẫm Dương: Giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo”.

Mở đề

Phật giáo Thiền tông từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa đến Lục tổ Huệ Năng. Tiếp đó, tại đây đã phát sinh ra hai chi phái là Lâm Tế, Quy Ngưỡng; và rồi thêm ba chi phái là Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn. Sử Phật giáo thường gọi là “Ngũ gia chi phái”. Nhưng chỉ có hai phái Tào Động và Lâm Tế là có truyền vào nước Việt Nam mà cũng rất muộn. Chỉ vào nửa sau thế kỷ thứ XVII và thế kỷ thứ XVIII tl.

Vào thời gian này, lịch sử Việt Nam đang lâm vào tình trạng Trịnh – Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm giới hạn ngăn cách. Bắc sông Gianh trở ra thuộc họ Trịnh, gọi là xứ Đàng Ngoài. Phủ Chúa Trịnh đóng ở Thăng Long. Nam sông Gianh trở vào thuộc họ Nguyễn, vừa đánh nhau với họ Trịnh vừa mở rộng cương vực về phương Nam, gọi là xứ Đàng Trong. Chính Dinh chúa Nguyễn dời nhiều chỗ ở cõi Thuận Hóa. Đến chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) mới định Đô thành Phú Xuân tại Huế hiện nay.

Cuộc phân tranh kéo dài làm cho tình trạng chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo và cuộc sống của nhân dân ở hai miền đất nước không có thông thương nên không có ảnh hưởng gì lẫn nhau. Bởi đó mà khi Phật giáo Thiền Tào Động truyền vào Đàng Ngoài đã có sắc thái khác với Phật giáo Thiền Tào Động truyền vào Đàng Trong.

1. Lược sử về thiền Tào Động ở Việt Nam

Như trên đã nói, thời gian cuối thế kỷ thứ XVII và gần hết thế kỷ thứ XVIII tl. Đất nước và lịch sử Đại Việt bị qua phân giữa họ Nguyễn ở Nam hà và họ Trịnh ở Bắc hà. Vì vậy cuộc tranh giành thế lực kéo dài này, đã làm nhiều mặt trong cuộc sống người Việt hai miền có nhiều sắc thái khác biệt nhau. Nói riêng về mặt tín ngưỡng, tôn giáo tính linh, người ta thấy sự khác biệt này rõ ràng nhất. Nói về Phật giáo, thì dường như vào thời gian này, cả Nam hà lẫn Bắc hà đều có phái Thiền Tào Động truyền từ Trung Hoa sang. Nhưng, phương cách du nhập truyền bá lại khác nhau.

Theo sách Việt Nam Phật giáo sử lược của Hòa thượng Mật Thể; và sách Việt Nam Phật giáo sử luận của Hòa thượng Nhất Hạnh (Nguyễn Lang), thì ở Bắc hà, vào khoảng Tây Đô Vương Trịnh Tạc (1637-1682) và Định Vương Trịnh Căn (1683-1709), đã có một Thiền sư người Đại Việt là ngài Thủy Nguyệt, sang Trung Hoa cầu học với Thiền sư Tri Giáo Nhứt Cú. Khi trở về lại quê hương, Thiền sư Thủy Nguyệt đã thuyết giảng Thiền Tào Động ở nhiều nơi. Ngài đã truyền cho ngài Tông Diễn ... Về sau phái Thiền Tào Động đã truyền bá rộng rãi ở các chùa tại Thăng Long như chùa Hòe Nhai, chùa Hàm Long, chùa Trấn Quốc...

Trái lại, ở phần đất Nam hà, vào thời gian trị vì của Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) lại có các du Tăng người Trung Hoa sang vùng Thuận Hóa cắm tích trượng, dựng thảo am để truyền bá Thiền Tào Động. Những thảo am này ở rất gần nhau, trên cùng một dãy núi Hoàng Long Sơn, về mạn nam con sông mà thời đó còn gọi là sông Phú Xuân. Những nét đặc biệt của Thiền Tào Động ở Phú Xuân, Nam hà, chúng tôi sẽ triển khai ở đoạn sau.

2. Thiền Tào Động ở Thuận Hóa, xứ Đàng Trong

2.1. Giai đoạn đầu: thế kỷ thứ XVII & XVIII tl

Như người ta đã biết, gọi là xứ Đàng Trong, nhưng thực sự tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo của Đàng Trong đều tập trung ở cõi Phú Xuân, Thuận Hóa là chính. Bởi vậy, tất cả các thảo am của các Thiền sư thuộc phái Tào Động đều nằm rất gần nhau, trên vùng đồi núi mạn nam sông Phú Xuân, tức sông Hương và Huế ngày nay, đối diện với mạn Bắc con sông là nơi có Chính Dinh của các chúa Nguyễn.

Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), vị chúa thứ tư của họ Nguyễn mà dân gian gọi là Chúa Hiền, lên kế vị ngôi chúa, đóng Chính Dinh ở Kim Long thì xã hội xứ Đàng Trong nói chung và ở cõi Thuận Hóa nói riêng, đã có bề ổn định. Tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tôn giáo đều phát triển. Chúa Hiền là người sùng mộ đạo Phật. Chúa đã cho sửa chữa nhiều chùa ở Thuận Hóa như chùa Thiên Mụ, chùa Bảo Sơn, chùa Kim Long, chùa Hà Trung, chùa Thuận An, v.v...

Tình hình tín ngưỡng trong dân gian tại làng nào cũng có chùa thờ Phật. Nhưng đạo Phật ở đây là đạo Phật dân gian, không phải đạo Phật thuần túy như ở các chùa Huế hiện nay. Trời Đất Phật Thánh là câu nói biểu lộ quan niệm tín ngưỡng thường ở trên cửa miệng người dân Thuận Hóa. Tục ngữ cũng đã nói: đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt. Nói như thế để thấy rằng Phật giáo Thuận Hóa vào thời này đã có nền tảng trong xã hội. Nhưng chưa có sự truyền thừa theo môn phái như những thời gian về sau.

Các du Tăng Trung hoa đến truyền bá Thiền Tào Động đã không được sử sách ghi lại rõ ràng. Chỉ biết các ngài đều đến trong khoảng thời gian chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) trị vì mà trở lui cho đến hết triều chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725). Hiện nay, chúng ta biết được các vị Thiền sư thuộc phái Thiền Tào Động là nhờ ở các câu văn bia tháp mộ, hoặc trên long vị thờ các ngài.

* Thiền sư Giác Phong

Thiền sư là người đã lập thảo am trên đồi Hàm Long, về sau thảo am này trở thành chùa Hàm Long Thiên Thọ rồi được sửa đổi thành chùa Báo Quốc. Ngài tịch năm 1714 tl. Tháp mộ xây ngay trong vườn chùa với bia đề: “Tào Động nguyên lưu, khai sơn Hàm Long Thiên Thọ Tự, húy Pháp Hàm, hiệu Giác Phong Tổ sư bảo tháp” (曹 洞 源 流 開 山 含 龍 天 壽 寺 諱 法 涵 號 覺 峰 祖 師 寶 塔). Rõ ràng, chùa Báo Quốc thuộc phái Thiền Tào Động. Nhưng, không hiểu sao, về sau Thiền sư Pháp Trí là đệ tử của ngài Giác Phong, thì Thiền Tào Động ở đây thất truyền !

* Thiền sư Khắc Huyền

Trong chùa Thiền Lâm ngày trước còn có một long vị khắc câu: “Tào Động chính tông; khai sơn Thiền Lâm Tự, húy Như Tư, thượng Khắc hạ Huyền, đại lão Hòa thượng chi giác linh” (曹 洞 正 宗 開 山 禪 林 寺 諱 如 資 上 克 下 玄 大 老 和 尚 之 覺 靈). Chùa Thiền Lâm lại có cả Quốc sư Hưng Liên Quả Hoằng, đệ tử của Thiền sư Thạch Liêm. Quả Hoằng là người đã rước thầy mình về chùa Thiền Lâm này, để mở Đại giới dàn truyền bá Thiền Tào Động. Chúng tôi sẽ nói đến sử kiện này ở tiểu mục sau.

* Thiền sư Hưng Liên Quả Hoằng

Không biết Thiền sư phái Tào Động này qua Thuận Hóa vào thời nào, nhưng trước tiên ngài trác tích tại chùa Tam Thai ngay trong hang động núi Tam Thai, ở Ngũ Hành Sơn sau lên chùa Thiền Lâm và được Minh Vương Nguyễn Phúc Chu phong làm Quốc sư. Ngài Hưng Liên là đệ tử của Hòa thượng Thạch Liêm thuộc Tào Động chính tông đời thứ 30.

* Thiền sư Hưng Triệt

Ngài có hiệu là Khánh Ngu, cũng là đệ tử của ngài Thạch Liêm thuộc thế hệ thứ 30 dòng Tào Động được thầy mình cho ở lại Thuận Hóa để giúp Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, về sau ngài sang chùa Quốc Ân.

* Thiền sư Từ Lâm

Không biết Thiền sư này đến Thuận Hóa từ lúc nào, Chỉ biết ngài đã khai sơn thảo am Từ Lâm, về sau trở thành chùa Từ Lâm. Năm Đinh Sửu, 1697 tl. ngài Liễu Quán đã thọ Cụ túc giới với Thiền sư Từ Lâm tại đây. Thiền sư tịch năm nào cũng không rõ.

Thiền sư Thạch Liêm. Nguồn: St

Thiền sư Thạch Liêm. Nguồn: St

2.2 Giai đoạn hội nhập & phát triển

* Thiền sư Thạch Liêm

Thiền sư Thạch Liêm, còn gọi là Đại Sán Hán Ông, ở Trường Thọ Am, thuộc về phái Thiền Tào Động ở Quảng Đông đã được chúa Nguyễn Phúc Thái (1687-1691) mệnh cho ngài Nguyên Thiều sang thỉnh mời, nhưng ông không qua Nam. Đến đời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), chúa lại cử một phái đoàn sang mời lần nữa. Lần này thì ông đem theo 50 đồ đệ chia làm hai đoàn, dong thuyền sang Thuận Hóa, mở Đại giới đàn truyền giới rất lớn tại chùa Thiền Lâm, Thuận Hóa và tại chùa Di Đà Quảng Nam, để hoằng pháp Thiền Tào Động theo ý nguyện của Minh Vương.

Từ ngày mồng một cho đến mồng tám tháng tư, năm Ất Hợi (1695), Đại giới đàn được tổ chức rất long trọng tại chùa Thiền Lâm; chính ngài Thạch Liêm làm Đàn đầu Hòa thượng. Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đến dự. Trong lễ này có Sa di Liễu Quán thọ giới. Đây là Đại giới đàn đầu tiên phổ biến Thiền Tào Động tại Thuận Hóa nói riêng và Nam hà nói chung.

Tư tưởng Thiền Tào Động của ngài Thạch Liêm có sắc thái nhập thế rõ ràng, gần như Nho Thích song hành. Chuyển hiện học lý đạo Phật vào ngay trong đời sống hằng ngày. Bộ Hải ngoại kỷ sự gồm 06 quyển, do chính Thích Đại Sán, tức Hòa thượng Thạch Liêm, viết vào năm Bính Tý, 1696 tl, có bài tựa của “Đại Việt Quốc Vương Nguyễn Phúc Chu, thọ Bồ tát giới đệ tử, Pháp danh Hưng Long” viết ở đầu bộ sách. Hải ngoại kỷ sự hiện còn lưu hành ở Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam, là tài liệu chính xác nhất để cho ta biết tư tưởng Thiền Tào Động. Nhất là trong bài “Hộ pháp Kim Thang Thư” chính ngài viết để trao cho đệ tử nối dòng Tào Động là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu và trong những lá thư trao đổi với các Phật tử trí thức đang giữ những chức quan to trong triều Minh Vương.

Ngài Thạch Liêm thuộc dòng thiền Tào Động theo dòng kệ có 20 chữ:

慧元道大興

法界一晢彰

通天併徹地

耀古及騰今

“Tuệ Nguyên Đạo Đại Hưng,

Pháp Giới Nhất Triết Chương;

Thông Thiên Tinh Triệt Địa,

Diệu Cổ Cập Đằng Kim.”

Từ Động Thượng đời thứ 26 là Tổ Huệ Kinh (慧 經) tự Vô Minh tổ sư, truyền đến ngài Nguyên Kính (元 鏡) tự Hối Đài, Ngài Nguyên Kính truyền đến ngài Đạo Thịnh (道 盛) tự Giác Lãng, Ngài Đạo Thịnh truyền đến ngài Đại Sán (大 汕) Hán Ông tức là ngài Thạch Liêm.

Đến đời ngài Thạch Liêm đã xuất kệ có 28 chữ:

大興法界一機中

了悟真如達本宗

祖印光傳燈續焰

壽昌永紹古今隆

“Đại Hưng Pháp Giới Nhất Cơ Trung,

Liễu Ngộ Chơn Như Đạt Bổn Tông;

Tổ Ấn Quang Truyền Đăng Tục Diệm,

Thọ Xương Vĩnh Thiệu Cổ Kim Long.”

* Các vị đệ tử:

Buổi sáng ngày mồng tám tháng tư, nhằm ngày đại lễ Phật đản, năm Ất Hợi (1695 tl.), một giới đàn đăc biệt được mở riêng tại Giác Vương Nội Viện trong phủ Chúa, cũng do ngài Thạch Liêm làm Đàn đầu Hòa thượng, để truyền Bồ tát giới cho chính Minh Vương Nguyễn Phúc Chu và đồng gia quyến thuộc của chúa trong Nội phủ. Vương được ban Pháp danh Hưng Long và được trao “Hộ pháp Kim thang thư” ngay sau lễ thọ giới. Buổi chiều lại mở đàn truyền Bồ tát giới tại chùa Thiền Lâm. Các đại thần trong triều đường của phủ Chúa cũng được thọ Bồ tát giới trong giới đàn này.

Một điều đáng để ý, dù tôn phái nào, khi mở Đại giới đàn truyền giới độ Tăng thì vị Đàn đầu hòa thượng đều có ban Pháp danh cho giới tử thọ giới theo thứ tự chữ nằm kế sau chữ Pháp danh của vị Đàn đầu hòa thượng trong dòng kệ. Vì vậy phái Thiền Tào Động - Ngài Thạch Liêm đã truyền theo dòng kệ như trên. Ngài Thạch Liên là đời thứ 29 có Pháp húy Đại Sán, những đệ tử thọ giới là đời thứ 30 và có Pháp danh ở hàng chữ “Hưng”.

Trước hết chúng tôi xin nhắc lại hai ngài đã nói ở trên là ngài Hưng Liên Quả Hoằng, đệ tử của ngài Thạch Liêm, từ Trường Thọ Am sang xứ Thuận Hóa trước khi thầy mình qua Nam rất lâu. Hưng Liên Quả Hoằng, được chúa Minh Vương phong làm Quốc sư là người đã khai sơn đạo tràng Tam Thai ở vùng núi Ngũ Hành Sơn và về sau lên ở chùa Thiền Lâm Thuận Hóa. Ngài Hưng Triệt, tức Hậu Đường Khánh Ngu, mà Hòa thượng Thạch Liêm để ở lại Thuận Hóa giúp Minh Vương.

Tại Giác Vương Nội Viện, thì chính Minh Vương, có Pháp danh là Hưng Long. Quốc mẫu Tống thị, tức Hiếu Nghĩa hoàng hậu, mẫu hậu của Minh Vương, có Pháp danh là Hưng Tín. Có điều đáng tiếc là công chúa chị Minh Vương, và các đại thần trong vương phủ hoặc trong triều đường đều quy y Thiền Tào Động trong các giới đàn năm Ất Hợi này nhưng sách lại không ghi Pháp danh của bất cứ một người nào!

* Chúa Nguyễn Phúc Chu và các triều thần

Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), còn gọi là Chúa Quốc, lên kế vị làm Chúa xứ Nam hà khi ông mới 16 tuổi. Ông là một thanh niên đa tài, văn hay, chữ viết đẹp, võ công lừng lẫy. Ông lại là một Phật tử thuần thành. Đặc biệt, trong lịch sử Nam hà với 09 đời chúa Nguyễn, 13 đời vua nhà Nguyễn, Minh Vương là người duy nhất đã quy y Phật giáo, có thọ giới và được ban Pháp danh. Chúa Quốc là một Phật tử chính thức ở ngôi vị Quốc vương, đã vận dụng Phật pháp vào việc trị nước an dân. Dưới thời ông trị vì, dân cư vùng Thuận Hóa nói riêng, Nam hà nói chung sinh sống rất an lạc, đất nước thanh bình.

Chính Minh Vương, khi mới 17 tuổi, đã cử cả một sứ đoàn gồm có Tăng sĩ Phật giáo, đại thần trong triều đường, doanh nhân ngoài xã hội... sang Trường Thọ Am, cầu thỉnh Thiền sư Thạch Liêm, thuộc phái Thiền Tào Động, sang Thuận Hóa, mở Đại giới đàn Thiền Lâm vào năm Ất Hợi (1695) để truyền bá Thiền Tào Động. Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, vừa là Quốc vương có tài năng, vừa là Phật tử xuất sắc của phái Thiền Tào Động ở Thuận Hóa vào thế kỷ thứ XVIII tl.

Các Phật sự của Vương đã thực hiện đều có ý nghĩa xiển dương Thiền Tào Động nói riêng và học lý đạo Phật nói chung, để đem lại hạnh phúc cho toàn dân Nam hà. Trước khi triển khai ý nghĩa này, chúng tôi xin nói đến một Phật sự to lớn mà Minh Vương Nguyễn Phúc Chu đã thực hiện và còn ảnh hưởng đến hiện tại. Đó là việc trùng kiến ngôi “Thiên Mụ Thiền Tự” ở Thuận Hóa, tức Huế hiện nay. Tại chùa Thiên Mụ Huế hiện còn nhiều văn vật di sản của Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, được bảo tồn qua tiến trình thời gian hơn 300 năm nay.

Toàn cảnh chùa Thiên Mụ, Huế. Nguồn: St

Toàn cảnh chùa Thiên Mụ, Huế. Nguồn: St

Ở đây, chúng tôi chỉ nói đến hai văn vật có ý nghĩa nhất là Đại hồng chung và tấm bia rất lớn, ở phần sân ngoài chùa. Vào ngày Phật đản năm Canh Dần, 1710 tl. Minh Vương cho chú tạo một quả đại hồng chung rất mỹ thuật. Trên chuông có khắc câu: “Đại Việt Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu, Tào Động thượng chánh tông, tam thập đại, Pháp danh Hưng Long, chú tạo hồng chung, trọng tam thiên nhị bách bát thập ngũ cân, nhập vu Ngự kiến Thiên Mụ Thiền Tự, vĩnh viễn cung phụng Tam Bảo” (大 越 國 主 阮 福 週 曹 洞 上 正 宗 三 十 代 法 名 興 龍 鑄 造 洪 鐘 重 三 千 二 百 八 十 五 斤 入 于 御 建 天 姥 禪 寺 永 遠 恭 奉 三 寶 ) tức là Quốc chúa nước Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, thuộc dòng thiền Tào Động đời thứ 30 Pháp danh Hưng Long, đã chú tạo hồng chung, nặng 3285 cân, đưa vào chùa Thiên Mụ vĩnh viễn cúng dường Tam Bảo.

Mấy năm sau khi trùng kiến chùa, vào năm Ất Mùi, 1715 tl, Minh Vương ngự chế một bài văn cho khắc lên tấm bia đá cẩm thạch rất lớn, dựng trên lưng một con rùa cũng bằng đá cẩm thạch. Bia và hình con rùa được chạm trổ rất mỹ thuật, gọi là bia “Ngự kiến Thien Mụ Tự”, với câu: “Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, Từ Động thượng chánh tông, tam thập thế; Pháp danh Hưng Long, hiệu Thiên Túng Đạo Nhân, đỉnh kiến Thuận Hóa Thiên Mụ tự bi ký minh” (國 主 阮 福 週 嗣 洞 上 正 宗 三 十 世 法 名 興 龍 號 天 縱 道 人 鼎 建 順 化 天 姥 寺 碑 記 銘). Chính trong bài văn bia này mà chúng ta thấy được tư tưởng Thiền Tào Động của Minh Vương thâm diệu đến độ nào:

“Từng nghe: Rỗng lặng không hình, đạo cao khó tả. Phật thể tính không; cội nguồn thanh tịnh. Các tướng gồm đủ, giác chiếu tròn đầy; Pháp chẳng hai đường. lý về một nghĩa; Trời cũng xoay vần, đất đâu trung ngoại; Đất nước gió lửa, bốn lớp nương nhau; Phật tính lặng soi, thể thường trong suốt” (蓋 聞 廓 然 無 象 至 道 奚 言 佛 體 性 空 本 源 清 淨 諸 相 具 足 而 覺 照 圓 融 法 不 二 門 理 歸 一 義 天 亦 旋 還 地 無 中 外 地 水 火 風 四 輪 相 因 佛 性 虛 明 其 體 湛 徹).

Đoạn sau của bài văn bia, nói rõ mục đích Minh Vương muốn hoằng truyền Thiền Tào Động là để vận dụng Phật pháp vào việc cai trị, từ trong gia đình ra đến xã hội mong mọi người “đều chứng đạo bồ đề”. Làm cho nước thịnh dân cường “qua nhiều lúc được mùa... Trời đất mở mang, nông thương phát đạt; binh mạnh, nước giàu, dân giữ nghề yên vui muôn thuở”.

Các triều thần của Minh Vương, ngoài chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, người ta còn thấy rất nhiều vị đại quan trong vương phủ cũng đều thọ Bồ tát giới với Hòa thượng Thạch Liêm. Nhưng điều đáng tiếc là không có ai được ghi lại Pháp danh! Ở đây, chúng tôi chỉ có thể kể tên một số ít trong các vị đại quan đã quy y phái Thiền Tào Động, do Đàn đầu Hòa thượng Thạch Liêm truyền giới:

Trước tiên là quan Tứ triều Nguyên lão Tham chính đoán sự Đông Triều hầu Trần Đình Ân, đã 71 tuổi, cùng hai con trai của ông là Trần Đình Khánh, Trần Đình Thuận, đều là Văn Chức trong phủ chúa. Ông đã tha thiết nói rõ mục đích cầu Pháp với Thiền sư Thạch Liêm: “Lão Hòa thượng từ tâm truyền dạy cho đệ tử, thì một lòng kiên quyết, bất luận năm mười năm, quyết học cho được cảm cách ứng nghiệm mới thôi. Nguyện xin trọn đời hy sinh làm việc cứu dân lợi nước. Nhứt thiết chẳng dám để mang tội với cao xanh vậy”.

Ngoài ra, còn có Xu Mật Tướng quân Chưởng Thanh hầu Nguyễn Đức Cảnh và Đại học sĩ Ký lục Hào Đức hầu Nguyễn Hữu Hào. Hai người anh của Minh Vương là Lệ Tuyền hầu và Thiều Dương hầu, Quốc cậu Tả Thái úy Tống Phúc Tráng, Nội hữu Phò mã Tống Phúc Thiện, Nội tả Chưởng dinh Tống Phúc Trí, Hữu Thừa tướng Tống công tức là Nội hữu Cai cơ Tống Phúc Tài, Đặng Long Hầu, v.v.. Những người này thường gởi thư từ qua lại để bàn về Thiền học với ngài Thạch Liêm. Tư tưởng rất sâu sắc và có phần ích lợi chẳng những về mặt tôn giáo mà cả về mặt văn học, văn chương, dưới thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu.

2.3. Thiền Tào Động được vận dụng để tổ chức chính trị, an sinh xã hội ở Thuận Hóa, Nam hà

Chúng tôi xin được phép nhắc lại: mở đầu bài văn khắc ở bia “Ngự kiến Thuận Hóa Thiên Mụ tự” với mấy câu chưa đầy 100 chữ mà bao nhiêu tư tưởng rất hoằng viễn của Thiền Tào Động, nhất là tư tưởng Bát nhã, đã được bao hàm trong đó: “Cái văn: Khuếch nhiên vô tượng, chí đạo hề ngôn. Phật thể tính không, bản nguyên thanh tịnh. Chư tướng cụ túc nhi giác chiếu viên dung. Pháp bất nhị môn, lý quy nhất nghĩa. Thiên diệc tuyền hoàn, địa vô trung ngoại. Địa thủy hỏa phong, tứ luân tương nhân. Phật tính hư minh, kỳ thể trạm triệt” (Bản dịch xem lại đoạn trên). Vương đã thấy được Báo thân, Pháp thân và Ứng thân không có gì sai biệt, bốn cõi trời đất chẳng có gì là gần xa, Phật tính và chúng sinh tính không có gì sai khác... vạn hữu đều đang biến chuyển từng sát-na, “không ngăn không chặn, không thiếu không dư, thành trú hoại không, chẳng xuôi chẳng ngược”...

Nhận thức rõ ràng như vậy, cho nên Vương đã thể hiện cuộc sống theo Nho nhưng mến chuộng đạo Thích, vì chính trị chẳng thể không làm điều nhân, tin vào học lý Phật đã dạy, kính trọng Tăng già, thấy nhân quả mà nghĩ điều trồng phúc, làm cho đất nước được thái bình thịnh trị, thân tâm người dân được ấm no an lạc. (“Cư Nho mộ Thích, dĩ chính trị vô bất hành nhân, tín đạo sùng tăng, tựu nhân quả nhi tư chủng phúc. Thừa bình quốc giới, an lạc thân tâm”). Đó chính là bổn phận và nhiệm vụ của một vị Quốc vương đứng đầu muôn dân.

Minh Vương đã tự hồi quang phản chiếu: “Ở nhà cao sang đâu bằng phương trượng mộc mạc, dong ngựa tốt chạy mau sao bằng chống cây tích trượng giản đơn? Mang áo gấm sang trọng rực rỡ sao sánh được cà-sa màu vàng giản dị; vàng bạc chất đầy nhà, cuối cùng rồi cũng trở thành trống không. Ăn mãi đồ ăn cao lương mỹ vị, nên mới ước được một bát cơm thường thơm hương lúa, nghe hoài tiếng nhạc êm tai, nên mới mong nghe được tiếng tụng kinh trầm bỗng. Nay gặp thời giàu thịnh, lại tìm chốn kỳ viên hoan hỷ, cả đời lẫn đạo chẳng trái đôi đường” (Theo văn bia).

Vương cũng thường “Nghĩ rằng người đời nay mộng sâu chưa tỉnh, nâng búa Bàn Kim mở ra ngôi bảo sát, níu lại dòng Động thủy trôi nhanh, phủi bụi trần nơi gương báu, làm cho cả trời người cùng lợi lạc.” (念 此 時 人 夢 深 未 覺 舉 盤 今 斧 而 開 大 好 山 挽 奔 流 之 洞 水 拂 寶 鏡 之 埃 塵 互 相 利 益).

Từ sự “ngộ” được cái lý “không hai”, “Phật tính và chúng sinh tính không có gì sai khác” mà Nguyễn Phúc Chu đã thấy học lý Nho-Thích không có gì mâu thuẫn và tách rời, nhất là giữa vị chúa cầm quyền và vạn dân trong cõi đều giống in nhau, tức tính bình đẳng giữa con người với con người. Cho nên từ Nho,Vương đã quay về thánh đế, đem giáo pháp của Phật vận dụng vào việc cai trị muôn dân để mong sao nước nhà được thái bình, thịnh vượng, nhân dân được an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc.

Minh Vương đã tạo cõi đất Thuận Hóa, Nam hà thực sự thành nơi “bốn cảnh an vui, vạn dân lạc nghiệp; ngoài đường nghe tiếng trẻ thơ thích thú bên bầu sửa mẹ, người lớn thảnh thơi, vỗ bụng ca xang, trong nhà nghe tiếng đờn sáo khúc nhạc thanh bình” (“四 境 清 平 萬 民 樂 業 路 聽 含 哺 鼓 腹 堂 聞 撫 瑟 彈 琴 ...”). Rõ ràng xã hội Thuận Hóa dưới đời Nguyễn Phúc Chu là một xã hội thanh bình, có quy cũ, trật tự, dân tình no ấm, mọi người đều được hưởng pháp lạc an vui. Điều này không phải võ đoán.

Câu văn trên nói đến ba, bốn hạng người: phụ nữ, trẻ em và nông dân. Chỉ một câu thôi, Chúa Quốc đã cho người đọc thấy hình ảnh người phụ nữ nông thôn trẻ tuổi, tươi vui, bồng con vừa đi chơi, vừa cho con bú ngoài đường, đứa trẻ bụ bẫm vừa ngậm bú bầu sữa căng tươi tốt của mẹ vừa ậm à tỏ ý hài lòng, một cử chỉ của trẻ em mà ta thường thấy ở những trẻ được nuôi dưỡng tử tế, có sức khỏe. Còn người nông phu thì thảnh thơi vui thú vỗ bụng làm trống đánh nhịp để nghêu ngao ca hát vô tư... Trong nhà dân thì đờn sáo thanh bình. Cuộc sống thực no đủ, yên vui.

Không những nông dân, mà những ngư dân chài lưới, những người buôn bán đều an cư lạc nghiệp trong xã hội thanh bình đó; không có nét lo âu, tranh cướp ! Trong Hải ngoại kỷ sự, Đại Sán Hán Ông đã nói đến cảnh thanh bình ở vùng làng quê Hà Trung, rất xa đất kinh kỳ, khi ngài ghé thăm Hà Trung cổ tự: giữa cảnh trời nước xinh đẹp, thoáng rộng của đầm Hà Trung, ngài thấy “thẳng bờ có đóng cừ, mọc đầy cây dương nước; mấy gian chòi cỏ, nơi nương náu của những kẻ làm lưới chài”, và “người đi đường quanh co đùa giỡn, ngắm nhìn phong cảnh, hứng thú xiết bao!” (HNKS tr.133, Huế, 1963). Lúc Minh Vương chuyển Dinh phủ về làng Bác Vọng, thì mỗi khi Xuân về Tết đến, nam thanh nữ tú ở các làng quanh vùng, thường đến tụ họp trước mái lầu Quyển Bông để múa hát vui chơi, hạnh phúc tràn trề.

Ngoài ra, ta cũng có thể kể đến thành phần trí thức, dưới đời Nguyễn Phúc Chu, có rất nhiều người làm quan to trong triều đường là những người giỏi về văn học, nhất là rất thông thạo Phật học, như Đông Triều hầu Trần Đình Ân, Học sĩ Hào Đức hầu Nguyễn Hữu Hào chẳng hạn. Cũng chính ngài Thạch Liêm đã nhận xét: “Ta từ ngày đến nước này, thường lưu tâm dò xét trong đám sĩ phu, văn võ, như bọn Chưởng-Thanh, Đông-Triều, Hào-Đức, Lệ-Tuyền, Cai-Bá đều là những tay cừ khôi trác lạc”.

Chẳng những con người, mà thiên nhiên của cõi Thuận Hóa dưới đời Chúa Quốc, dường như cũng thấm đẫm không khí của một xã hội thanh bình, thịnh vượng, rất ngoạn mục. Cũng chính trong văn khắc ở bia “Ngự kiến Thuận Hóa Thiên Mụ Tự” có đoạn nói về sự thịnh giàu của xứ Thuận Hóa nói riêng, toàn cõi Nam hà nói chung; đồng bằng với lúa gạo, rừng núi tràn đầy động vật hoang dã quý hiếm như voi, cọp, tê giác, chim công, chim trĩ đuôi dài; đầm phá, biển cả với san hô, tôm cá phong phú.

Kết luận

Nhìn lại, ta thấy Minh Vương Nguyễn Phúc Chu sống theo lối “cư Nho mộ Thích” chính là Vương đang thể hiện tư tưởng tổng hợp tinh hoa của Nho giáo với học lý thậm thâm vi diệu của Phật giáo mà Vương đã thủ đắc, thành triết lý hiện thực, một triết lý đầy tính nhân văn nhân bản, đem lại lợi lạc vô song cho nhân quần xã hội. Cho con người nói chung. Nói cách khác là Vương đã đem cái triết lý “cư Nho mộ Thích” đầy tính nhân văn nhân bản của Thiền Tào Động Nam hà, vận dụng vào việc trị nước an dân để tạo một xã hội thái bình thịnh trị thực sự dưới thời Vương trị vì.

Tuy nhiên, người pháp tử kế tục Thiền Tào Động của Thiền sư Thạch Liêm lại không phải là một nhà sư xuất gia thọ Tỳ kheo giới; mà lại là một vị Quốc Vương tại gia thọ Bồ tát giới. Nên cái triết lý “cư Nho mộ Thích” rất cận nhân tình, lợi lạc quần sinh, mà chính Vương đã thực hiện với ý nguyện là “Tự tư nhi hậu, kế vãng khai lai, dĩ pháp pháp chi tương thừa, xán đăng đăng chi lãng diệm” (自 玆 而 後 繼 往 開 來 以 法 法 之 相 承 燦 燈 燈 之 朗 燄) tức là từ nay về sau, tiếp nối người đã qua, mở đường cho người sẽ đến, lấy giáo pháp để truyền trao, thắp đèn tiếp nối đèn cho sáng mãi... lại không được các vị chúa Nguyễn kế tục Vương thực hiện! Đó cũng là điều dĩ nhiên. Song ít nhất, người ta cũng thấy được khi một Phật tử chính thống đã quy y Phật pháp, ở ngôi vị một Quốc vương, làm nhà chính trị với một triết lý “cư Nho mộ Thích” thực tiển, cận nhân tình, như Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, thì thời buổi ấy cũng đã có một thứ ánh sáng đặc biệt nào đó đối với nhân quần xã hội.

Thế nhưng !... Một nguyên nhân rất giản đơn đã làm cho phái Thiền Tào Động ở Thuận Hóa, Nam hà, đã không phát triển, rồi bị thất truyền! Đó là tất cả các Thiền sư của phái Thiền Tào Động ở Thuận Hóa đều không có đệ tử kế thế để xiển dương học lý nhập thế của Thiền phái mình! Vậy nên sau thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, đã có một khúc ngoặt kỳ lạ trong việc phát triển Phật giáo Nam hà nói chung, đó là Thiền sư Liễu Quán, người Đại Việt xứ Đàng Trong, từ Phú Yên ra Thuận đô để tìm thầy học đạo.

Giai đoan đầu, ngài Liễu Quán đã học Thiền Tào Động, tức với ngài Giác Phong ở Báo Quốc rồi thọ Sa di với ngài Thạch Liêm trong giới đàn năm Ất Hợi (1695), ở Thiền Lâm rồi đến thọ Cụ túc giới với ngài Từ Lâm, năm Đinh Sửu (1697)... Nhưng, khi đắc pháp lại về Thiền Lâm Tế của ngài Minh Hoằng Tử Dung tại chùa Ấn Tông ở núi Hoàng Long Sơn (1712 tl.). Hệ luận của sự kiện này là một Thiền phái Lâm Tế của người Đại Việt đã được khai sáng và phát triển tại đất Thuận Hóa, rồi truyền khắp các xứ Đàng Trong; mà hai ngôi chùa là Ấn Tông Tự tức chùa Từ Đàm, ở Hoàng Long Sơn và Thiên Thai Thiền Tông Tự tức chùa Thuyền Tôn ở Thiên Thai Sơn, là Tổ đình chính của Thiền phái này vậy.

Và ... về sau, chính những đệ tử đắc pháp từ phái Thiền Lâm Tế của Tổ Liễu Quán là những người đến kế tục, trùng tu, trùng kiến và khai kiến các chùa của phái Thiền Tào Động đã gần như đồi phế, thành những Tổ Đình long thịnh của Thiền phái Lâm Tế Liễu Quán. Từ phái Thiền Tào Động vào buổi đầu, chuyển sang phái Thiền Lâm Tế Liễu Quán của Đại Việt, Phật giáo Thuận Hoa nói riêng và các xứ Đàng Trong nói chung đã phát triển rực rỡ cho đến hiện nay.

Tuy nhiên, trong thiên hướng chung,Thiền Tào Động hay Thiền Lâm Tế thì vẫn là Phật giáo nhập thế để tạo hạnh phúc cho nhân quần xã hội, không có gì khác nhau; và lúc nào cũng vẫn thế .

HT.Thích Hải Ấn
Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh TT.Huế
Trích: Kỷ yếu Hội thảo khoa học với chủ đề “Thiền phái Tào Động Việt Nam và quần thể di tích Nhẫm Dương: Giá trị lịch sử, văn hóa và Phật giáo”, ngày 14/12/2015.
Nguồn: https://chuaxaloi.vn/thong-tin/thien-phai-tao-dong-o-thuan-hoa/2556.html

***

Sách tham khảo

1.Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, bản dịch của Nguyễn Phương và Hải Tiên Nguyễn Duy Bột. Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam. Viện Đại Học Huế xuất bản, Huế 1963

2. Thích Mật Thể, Việt Nam Phật giáo sử lược. Nxb. Minh Đức tái bản, Đà Nãng, 1960

3. Thích Nhất Hạnh, Việt Nam Phật Giáo sử luận tập I, Lá Bối, Sài Gòn, 1974; tập II, Lá Bối, Paris, France, 1978.

4. Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm, Lịch sử Phật giáo xứ Huế. Nxb. Văn Hóa Sài Gòn tái bản; Tp Hồ Chí Minh, 2006.

5. Hà Xuân Liêm, Chùa Thiên Mụ. Nxb Thuận Hóa, in lần đầu, Huế, 1999; Nxb. Thuận Hóa tái bản, Huế, 2001.

6. Hà Xuân Liêm, Chùa Tháp Phât giáo ở Huế. Nxb. Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội và Cảo Thơm, Đà Nẵng đồng xuất bản, Hà Nội, 2007.

7. Lê Nguyễn Lưu, Tuyển dịch văn bia chùa Huế, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển xuất bản. Số 1+2, (232 trang), Huế 2005.

8. Hàm Long Sơn Chí (Chữ Hán) – Tàng bản tại chùa Báo Quốc.

9. Văn bia Nguyễn Phúc Chu - chùa Thiên Mụ – Huế.

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/thien-phai-tao-dong-o-thuan-hoa.html