Thiên tài VĂN CAO

Văn Cao là một nhạc sĩ lớn, một nghệ sĩ bậc thầy trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc, thơ ca, hội họa... Hôm nay, 15-11 là tròn 100 năm ngày sinh của ông

Văn Cao viết nhạc, làm thơ, vẽ tranh. Ở mảng nào ông cũng để lại những dấu ấn mà hậu thế vẫn còn nhắc nhớ, ngưỡng vọng.

Một hiện tượng hiếm có

GS Phong Lê nhận định: Không chỉ ở thời điểm hôm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, mà ngay từ 1945, Văn Cao đã là một tên tuổi nghệ sĩ lớn mà cả dân tộc Việt, nhân dân Việt, từ nhỏ đến lớn, từ trẻ đến già không ai không biết đến, và chịu ơn. Bởi ông là tác giả của "Tiến quân ca", rồi trở thành "Quốc ca" của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ tháng Tám 1944. Chỉ riêng "Tiến quân ca" đã đủ làm nên một tên tuổi, một sự nghiệp lớn của Văn Cao trong thế giới âm nhạc.

Nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Thanh Thảo. (Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN)

Nhạc sĩ Văn Cao và nhà thơ Thanh Thảo. (Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN)

Thế nhưng, đây chỉ là một điểm nhấn, bởi sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao còn phải ngược lên dăm năm trước 1945, trong tư cách một tác gia lớn trong thế giới tân nhạc, với "Buồn tàn thu", "Thiên thai", "Bến xuân", "Thu cô liêu", "Cung đàn xưa", "Đàn chim Việt"... mà chỉ riêng mỗi tác phẩm cũng đủ làm vinh quang cho bất cứ ai.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ, những ai được nhìn bức ảnh Văn Cao cởi trần quần đùi chụp cùng các bạn đồng môn tiểu học Trường Bonnal - Hải Phòng, thật khó đoán ra có một người trong đó trở thành tác giả "Quốc ca" Việt Nam. Khi rời Trường Bonnal sang học Trường dòng Saint Joseph ngay bên cạnh, có lẽ Văn Cao đã có bước ngoặt quan trọng trong đời. Ở đó, bản năng "trời cho" của ông đã gặp âm nhạc, thi ca và hội họa để cùng thăng hoa. Không thể lý giải vì sao mới 16 tuổi đời, Văn Cao đã cất cao một giai điệu đầu sự nghiệp tràn ngập âm hưởng ca trù mang tên "Buồn tàn thu".

Còn ngạc nhiên hơn khi 18 tuổi, Văn Cao đã bay lên "Thiên thai" cùng thể loại âm nhạc trường ca khiến cho tân nhạc thuở bình minh làm chúng ta xao xuyến đến tận bây giờ. Cũng con người lãng mạn ấy với "Cung đàn xưa", "Thu cô liêu", "Suối mơ", "Bến xuân" bảng lảng khói sương thì lại chợt bùng cháy trong nhịp hành khúc rắn rỏi, sử thi như "Thăng Long hành khúc ca", "Đống Đa".

"Tiến quân ca" được viết vào mùa đông 1944 được xem như cái mốc chuyển đổi quan trọng trong tư duy sáng tạo âm nhạc Văn Cao. Đó là đoạn tuyệt với âm nhạc lãng mạn để bước sang địa hạt âm nhạc cách mạng. Sau "Tiến quân ca", Văn Cao đi trên một hành trình dài với rất nhiều nguồn mạch, tỏa ra nhiều hướng, mà theo GS Phong Lê, soi vào đó là cả một dàn giao hưởng của đời sống kháng chiến, với "Bắc Sơn", "Chiến sĩ Việt Nam", "Công nhân Việt Nam", với "Làng tôi" và "Ngày mùa", với "Hải quân Việt Nam" và "Không quân Việt Nam", với "Trường ca Sông Lô" và "Tiến về Hà Nội", với "Ca ngợi Hồ Chủ tịch"… Tất cả tràn ngập âm hưởng hào hùng, lạc quan, giàu sức khám phá và khả năng tiên tri về công cuộc kháng chiến và hành trình dân tộc.

Sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của Văn Cao còn nối dài đến 1975 với tác phẩm "Mùa xuân đầu tiên" như một sự đón đợi kỳ diệu niềm vui đoàn tụ của hai miền Nam Bắc sau 20 năm bị chia cắt, dẫu phải đến thập niên 1990 công chúng mới được biết đến.

Người khai phá - mở lối

Ngay từ nhỏ khi bước vào văn nghệ, Văn Cao đã tam tấu cả nhạc - thi - họa. Bên cạnh tư cách một nhạc sĩ lớn mà cả dân tộc phải chịu ơn, như nhận định của GS Phong Lê, nói Văn Cao còn là nói đến một nhà thơ lớn. Còn nhà thơ Thanh Thảo cho rằng với cả sự nghiệp thơ của mình, Văn Cao là một thiên tài thơ, chứ không chỉ là thiên tài âm nhạc.

PGS - TS Nguyễn Đăng Điệp nhận xét trong lĩnh vực thi ca, Văn Cao viết không nhiều. Sinh thời, ông chỉ cho xuất bản duy nhất tập "Lá" gồm 28 bài và sau ngày ông mất, "Tuyển tập Văn Cao Thơ" cũng chỉ có 59 bài. Nhưng di sản nghệ thuật Văn Cao có khả năng tồn tại lâu dài bởi đó là sự kết tinh về chất chứ không phải áp đảo về lượng. Tài năng Văn Cao hiện rõ trong thơ, nhạc, họa nhưng so với nhạc và họa, thơ là lãnh địa thể hiện rõ nhất bản ngã Văn Cao.

Tại đó, ông trực diện lựa chọn thái độ: "Giữa sự sống và sự chết/ Tôi chọn sự sống/ Để bảo vệ sự sống/ Tôi chọn sự chết" (Chọn, 1957), nhận thấy mặt trái của những tấm huân chương: "Người ta đôi khi bị giết/ bằng những bó hoa" (Những bó hoa, 1974) và cô đơn, rạn vỡ: "Có lúc/ một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ/ Có lúc/ ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt/ Có lúc nước mắt không thể chảy ra ngoài được" (Có lúc, 1963). Thơ Văn Cao độc đáo ngay từ khởi đầu bởi đó là sản phẩm của những chiêm nghiệm sâu sắc đậm chất triết luận. Sâu đến mức lặng lẽ, sự lặng lẽ xoáy xiết của sóng ngầm: "Như viên đá rơi vào im lặng".

Bên cạnh sự nhạy cảm thiên phú, gốc rễ tạo nên tầm vóc Văn Cao là chiều sâu tư tưởng và ý thức mài sắc cá tính. Đó là tư tưởng nhân văn và tinh thần duy mỹ. Nhân văn giúp Văn Cao biết căm ghét ngụy tạo, giả dối, biết yêu tự do và gắn bó số phận mình với số phận dân tộc. Duy mỹ giúp Văn Cao đề cao cái đẹp và sự thanh khiết của những giá trị tinh thần.

Sau thơ, ở Văn Cao còn là văn xuôi, với các truyện ngắn đã được đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy, năm 1943, như "Dọn nhà", "Siêu nước nóng"... góp một sắc màu riêng vào trào lưu văn học hiện thực cuối mùa bên Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Kim Lân, Nguyễn Đình Lạp...

Văn Cao còn một sự nghiệp rất đáng ghi nhận về hội họa, trong tư cách một họa sĩ, ngay từ trước 1945, với các bức tranh có tên "Thái Hà ấp đêm mưa", "Cuộc khiêu vũ của những người tự tử" trong một Triển lãm nghệ thuật năm 1943.

Tư chất họa sĩ tài hoa đã "cứu" Văn Cao trong suốt 30 năm hoạn nạn. Ông không thể hoặc không được phép làm nhạc, làm thơ, mà chỉ có thể được vẽ để kiếm sống bằng các tranh minh họa cho báo, sách và làm bìa cho sách. "Vào những năm ấy, tác giả nào được Văn Cao vẽ bìa cũng đều rất vui sướng và hãnh diện, vì sự sáng tạo và nét tài hoa qua một chữ Văn trên một góc nhỏ của trang bìa" - PGS - TS Nguyễn Đăng Điệp nhớ lại.

Lấp lánh trên cõi "Thiên thai"

Sau chuyến đi Quy Nhơn do nhà thơ Thanh Thảo kết nối, năm 1985, Văn Cao đã thực sự phục sinh khi viết 3 bài thơ Quy Nhơn và được báo "Văn nghệ" giới thiệu sau rất nhiều năm không xuất hiện thơ trên thi đàn chính thống. Với 3 bài thơ Quy Nhơn, Văn Cao đã chính thức trở lại thi đàn, trước đó, Văn Cao chỉ còn được vẽ minh họa cho báo Văn Nghệ để kiếm những món tiền nhuận bút "còm" cho bà Thúy Băng, vợ ông, đi chợ.

Ngày 10-7-1995, sau Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ V khoảng một tháng, Văn Cao đã bay lên cõi thiên thai cùng giai điệu "Thiên thai". 28 năm sau ngày mất và 100 năm ngày sinh Văn Cao cũng chỉ là một chớp mắt của thời gian vô thủy, vô chung.

Nhưng thời gian không những không lãng quên tên tuổi Văn Cao mà càng ngày càng qua thời gian, tên tuổi ông lại càng hiện diện, càng ngời sáng, càng lấp lánh như một vì sao trên đất nước thân yêu của mình.

YẾN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/thien-tai-van-cao-20231114213348728.htm