Thiên tình sử đẫm nước mắt và những loại hoa đỏ đẹp lạ lùng nhưng không được phép trưng trong nhà

Loài hoa đỏ này đẹp quyến rũ, nhưng không bao giờ được đưa vào cắm trong nhà vì thiên tình sử đẫm nước mắt một nghìn năm nở, một nghìn năm tàn, có hoa thì không có lá...

Bỉ ngạn hoa đỏ đẹp ngàn năm nhung nhớ không bao giờ gặp

Cây cảnh giúp cuộc sống của con người giá trị hơn, vì vậy nhiều nhà trồng rất nhiều cây cảnh rực rỡ, xanh tươi. Nhưng người cao tuổi lại hay bảo con cháu không cho một số loại cây trưng trong nhà – trong đó có loài hoa đỏ đẹp, màu tươi tắn quyến rũ vô cùng – gọi là Bỉ ngạn hoa - vì nó có thể mang tới xui rủi, thất bát tài vận, nhà cửa không hưng thịnh…

Bỉ ngạn hoa đỏ đẹp nhưng không được trưng trong nhà. Ảnh minh họa.

Bỉ ngạn hoa đỏ đẹp nhưng không được trưng trong nhà. Ảnh minh họa.

Truyền thuyết về Bỉ ngạn hoa thì nhiều, có thể tóm lược như sau:

Xưa có một đôi trai tài gái sắc, đã phá vỡ giới luật Thiên đình để nguyện ước ở bên nhau mãi mãi. Vì phạm luật Trời nên họ bị đày xuống trần gian, biến thành cây có lá màu xanh, hoa màu đỏ đẹp kiêu sa nhưng u uất nỗi buồn. Hoa và lá tuy ở cùng một cây, nhưng điều đặc biệt là có hoa thì không thấy lá, mà có lá lại chẳng thể thấy hoa – nên hai người tình si vẫn không thể gặp mặt.

Truyền thuyết khác kể về cặp vợ chồng trẻ đang hạnh phúc mặn nồng thì người chồng gặp nạn, bỏ mạng nơi đất khách quê người. Linh hồn của người chồng đi tới bờ sông Vong Xuyên đỏ rực bờ hoa Bỉ ngạn khiến chàng vô cùng nhớ thương vợ trẻ ở dương gian.

Khi cầm "bát canh vong tình" của Mạnh Bà đưa để uống cho quên lãng hồi ức, chàng nói: "Dù uống nước vong tình vẫn quyết không quên nàng, khi đầu thai nhất định sẽ tìm nàng".

Người vợ trẻ ở quê nhà quá đau đớn vì cái chết của chồng nên đã nguyện thủ tiết thờ chồng.

Người chồng tái kiếp vào một gia đình cách nhà cũ không xa, sau 20 năm trở thành trang nam nhi tuấn tú. Một lần đi qua ngôi nhà cũ chàng thấy cảm giác thân quen khó tả, ký ức mơ hồ dẫn chàng dừng trước thềm nhà và nhìn thấy một quả phụ đang ngồi khâu vá bên khung cửa sổ.

Quả phụ bất chợt ngẩng lên gặp ánh mắt của chàng trai trẻ - nàng bất chợt nhận ra những dấu yêu xưa cũ tuôn trào… lệ sa như mưa mà run rẩy không nói nên lời… rồi quá nhớ thương chồng mà lâm bệnh qua đời.

Khi tới Vọng Hương đài gặp Mạnh Bà nàng được biết chồng đã tái kiếp đến tìm nàng, tim nàng càng nhói buốt nức nở bởi "chàng đã đến mà không nhận ra nàng, không nói với nàng một lời".

Mạnh Bà thương xót nên bảo sẽ giúp nàng gặp lại chàng lần nữa, với điều kiện nàng phải ở đây chịu khổ 20 năm rồi mới được tái sinh.

Từ đó nàng được giao việc nhổ cỏ bên bờ hoa Bỉ ngạn, gửi ký ức tình sầu vào hoa - kỳ thực ở đó không có cỏ, mà vì trong mắt nàng đầy yêu thương, đau buồn nên chỉ nhìn thấy cỏ dại, nhổ hoài không hết.

Tới một ngày Mạnh Bà đưa nàng đến cửa luân hồi chờ người 20 năm sắp đến. Khi thấy chàng từ xa đi tới hai hàng lệ nàng lại tuôn như suối… Nhưng người nàng dành 20 năm đằng đẵng dưới âm giới đợi chờ thì ngay cả khi nàng đau đớn níu tay chàng hỏi: "Chàng đã quên ta rồi sao?" vẫn nhìn nàng dửng dưng, xa lạ, rồi lặng lẽ uống "bát canh vong tình" và bước vào cửa luân hồi.

Bỉ ngạn hoa đỏ đẹp nhưng có hoa thì không có lá và ngược lại. Ảnh minh họa.

Bỉ ngạn hoa đỏ đẹp nhưng có hoa thì không có lá và ngược lại. Ảnh minh họa.

Phật thương xót nên mới có Bỉ ngạn hoa đỏ và trắng

Một lần đức Phật đi qua, nhìn loài hoa đỏ rực như lửa nhung nhớ, u sầu thì thấu tỏ và xót thương mang về miền Cực Lạc.

Nhưng vào miền Cực Lạc thì tất cả xúc cảm dương gian như tình si, nhung nhớ, u sầu, đau khổ… không được vào – nên chúng kết thành khối màu đỏ rực rơi xuống đáy sông Vong Xuyên.

Đóa hoa Bỉ ngạn còn lại trong tay Phật ở miền Cực Lạc biến thành màu trắng tinh khiết – được gọi là Mạn Đà La hoa (hoa của cõi Phật).

Khối tình si, xúc cảm yêu đương đỏ rực rơi xuống đáy sông Vong Xuyên được Bồ Tát Địa Tạng thần thông quảng đại biết đó là nghiệp duyên của Mạn Đà La hoa – mới ném xuống một hạt giống – ngay lập tức một đóa hoa đỏ tươi bay lên khỏi mặt nước, Ngài đón lấy và nói: "Ngươi hãy ở đây làm sứ giả tiếp dẫn các linh hồn đi về phía luân hồi. Cực Lạc đã có Mạn Đà La hoa, ta sẽ gọi ngươi là Mạn Châu Sa hoa".

Từ đó Bỉ ngạn hoa có 2 loại:

- Mạn Đà La hoa trắng ngần tinh khiết, vô dục, vô cầu, vô khổ, vô bi lãng đãng ở cõi Phật thanh cao.

- Bỉ ngạn hoa rực rỡ, diễm lệ, nhớ thương, chia ly, sầu khổ trầm luân nhân thế bên bờ Hoàng Tuyền, dưới cầu Nại Hà cứ bừng nở, sinh sôi, dẫn đường cho các đôi tình nhân bị chia cắt, cho những vong hồn đầy oán khí quay lại luân hồi, nhận lấy nhân quả do số phận chỉ định.

Người đời sau viết rằng: "Bỉ ngạn hoa, khai nhất thiên niên, lạc nhất thiên niên, hoa diệp vĩnh bất tương kiến. Tình bất vi nhân quả, duyên chú định sinh tử" - có nghĩa là: "Hoa Bỉ ngạn, một nghìn năm nở, một nghìn năm tàn, hoa và lá vĩnh viễn không thể gặp nhau. Tình không vì nhân quả, duyên đã định tử sinh" - kết cục dù đã ở kiếp khác nhưng đôi tình nhân vẫn phân ly.

Hoa Bỉ ngạn trắng tinh khiêt và Bỉ ngạn hoa đỏ đẹp. Ảnh minh họa.

Hoa Bỉ ngạn trắng tinh khiêt và Bỉ ngạn hoa đỏ đẹp. Ảnh minh họa.

Không trồng cây cảnh mang ý nghĩa xấu

Hoa Bỉ ngạn

- Người Nhật Bản coi Bỉ ngạn hoa là "hoa hồi ức đau thương".

- Ở Triều Tiên gọi là "hoa nhung nhớ".

- Ở Trung Quốc là "hoa ưu mỹ thuần khiết".

Người ta nói Bỉ ngạn hoa có độc, cho rằng "tình yêu rực lửa", "tình yêu cháy bỏng" chính là độc dược, và thiên tình sử nào rồi cũng trái ngang - khiến ai chìm đắm trong men say tình ái nồng nàn không thể bước qua được ái tình sẽ phải đau khổ, day dứt cả đời...

Bỉ ngạn hoa nở vào tiết Xuân phân – là thời gian mà người xưa cho là trong 7 ngày của mùa thu người sống có thể đi vào thế giới của người chết để gặp gỡ ông bà, tổ tiên. Hoặc đi thăm viếng sửa sang mộ phần cho người đã khuất.

Trong phong thủy không dùng một số loài hoa đẹp mà có truyền thuyết hay cái tên xui xẻo, và Bỉ ngạn hoa thuộc loài như thế:

- Bỉ ngạn hoa có nở mà không có lá - bị coi là không may mắn.

- Bỉ ngạn hoa thích môi trường ẩm ướt và tối tăm, còn gọi là "hoa của địa ngục", là loài hoa duy nhất mọc trên đường xuống Hoàng tuyền - khi linh hồn đi qua cầu Nại Hà bắc ngang bờ Vong Xuyên sẽ gửi toàn bộ ký ức đau khổ tột cùng, hay yêu thương thắm thiết cho Bỉ ngạn hoa thu nhận những hồi ức đó.

Dâm bụt hoa đỏ đẹp nhưng cũng không được trưng trong nhà, ban thờ, hay nơi tôn nghiêm khác. Ảnh minh họa.

Dâm bụt hoa đỏ đẹp nhưng cũng không được trưng trong nhà, ban thờ, hay nơi tôn nghiêm khác. Ảnh minh họa.

Còn có một số loài hoa đỏ đẹp, nhưng cũng không được đưa vào nhà bày biện trang trí nơi trang nghiêm, hay cắm trên ban thờ như hai loài sau:

Hoa Dâm bụt: Hoa có màu đỏ rực rỡ, nở bốn mùa cũng không được đưa vào trong nhà trưng bày – bởi tên hoa theo phiên âm cổ tiếng Hán lại đồng âm với từ "tang" trong "tang tóc".

Hoa Dâm bụt lại hay trồng nơi bụi rậm, bờ rào nên không bày trong nhà, không thờ cúng trên bàn thờ, hay nơi trang trọng.

Nhưng tùy vùng miền mà hoa Dâm bụt có màu sắc khác nhau, ý nghĩa cũng khác:

– Có nơi coi là loài hoa nữ tính dùng để tặng, hoặc phụ nữ cài trang điểm.

- Ở Bắc Mỹ thì hoa Dâm bụt tượng trưng cho người phụ nữ tuyệt vời.

– Ở Trung Hoa, hoa Dâm bụt tượng trưng cho vẻ đẹp của danh vọng, vinh quang cá nhân – làm quà tặng cho cả nam và nữ.

- Người Hawai có giống hoa Dâm bụt màu vàng – được chọn là hoa đại diện chính thức cho tiểu bang này vào năm 1988 (trước đó tiểu bang này đã chọn hoa dâm bụt đỏ - tượng trưng cho sự danh vọng chỉ là thoáng qua).

- Nhiều nơi coi hoa Dâm bụt là biểu tượng tuổi trẻ, là danh vọng, là sắc đẹp… có tuổi thọ ngắn như tuổi trẻ, sắc đẹp của một đời người – nên thông điệp của hoa Dâm bụt còn là hãy tận hưởng vẻ đẹp khi còn có thể.

Tulip hoa đỏ đẹp, nhưng được cho là có thể chứa chất kiềm độc gây chứng rụng lông và tóc nếu có sự tiếp xúc. Ảnh minh họa.

Tulip hoa đỏ đẹp, nhưng được cho là có thể chứa chất kiềm độc gây chứng rụng lông và tóc nếu có sự tiếp xúc. Ảnh minh họa.

Hoa Tulip đỏ

Hoa Tulip có nhiều màu sắc, đẹp mộng mơ, quyến rũ và đầy sức sống – đặc biệt là màu hoa tulip đỏ rực rỡ rất quý phái - nhưng cũng không được đưa vào nhà, vì hoa có chứa chất kiềm độc có thể gây ra chứng rụng lông và tóc nếu có sự tiếp xúc.

Về mặt phong thủy nhiều người cho hoa Tulip không mang đến vận may, sự nghiệp của gia chủ có thể gặp bất trắc, hay làm người trong nhà lo lắng, cáu kỉnh, ảnh hưởng tới sức khỏe, tài lộc… của cả nhà. Vì vậy mà hoa Tulip đỏ đẹp nhưng cũng không được trưng trên ban thờ, hay nơi tôn nghiêm, nơi cả nhà sum họp...

Ngọc Hà

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/thien-tinh-su-dam-nuoc-mat-va-nhung-loai-hoa-do-dep-la-lung-nhung-khong-duoc-phep-trung-trong-nha-172221108172943929.htm