Thiêng liêng hai tiếng Việt Nam
Hai tiếng Việt Nam thiêng liêng mà chúng ta vẫn tự hào gọi mỗi ngày chính là kết quả biết bao hy sinh xương máu của các thế hệ người Việt Nam.
Hai tiếng Việt Nam có tự bao giờ? Nhiều công trình đã chỉ ra rằng hai tiếng thiêng liêng Việt Nam đã có từ rất sớm. Từ thời nhà Trần, Hồ Tông Thốc đã viết tác phẩm với tên gọi Việt Nam Thế Chí. Thế kỷ XV, Nguyễn Trãi trong Dư địa chí đã nhiều lần gọi 2 tiếng Việt Nam. Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) đã trang trọng viết những dòng “Việt Nam khởi tổ xây nền”.
1. Hai tiếng Việt Nam thiêng liêng mà chúng ta vẫn tự hào gọi mỗi ngày chính là kết quả biết bao hy sinh xương máu của các thế hệ người Việt Nam.
Năm 2879 TCN, họ Hồng Bàng dựng nước, nước Việt có tên gọi là Văn Lang: “Hồng Bàng là Tổ nước ta/ Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang” (Hồ Chí Minh - Lịch sử nước ta”. Năm 228 TCN, An Dương Vương đổi tên nước ta thành nước Âu Lạc. Có phải “Âu” là Âu Cơ, “Lạc” là Lạc Long Quân chăng? Có phải khi đặt tên nước là Âu Lạc, An Dương Vương muốn nhắc nhở con cháu đời sau về khởi nguồn của dân tộc Việt Nam, về tình dân tộc, nghĩa đồng bào? Khoảng thời gian này (cho dù còn nhiều điểm cần được tiếp tục làm rõ) có lẽ là khoảng thời gian yên ổn, độc lập lâu dài của nước Việt bởi khi đó chúng ta chưa bị các triều đại phương Bắc xâm lược và cai trị.
Năm 221 TCN, Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc và sau đó xua quân xâm lược các bộ tộc Bách Việt. Nước Âu Lạc bị đổi tên thành Tượng Quận dù không trực trị đất Tần. Nhà Tần “mất hươu” (mất ngôi), các quận thú nổi lên chiếm cứ các nơi, Nam Hải úy là Triệu Đà đem quân đánh nước Âu Lạc lập ra nước Nam Việt năm 206 TCN. Đã có khoảng thời gian, khi hùng cứ ở phương Nam, Triệu Đà đã xưng đế hiệu để chứng minh ngang hàng với triều đình Trung Hoa. Có lẽ vì vậy mà rất nhiều quan niệm xưa nay đều cho Triệu Đà là vua của đất nước chúng ta chăng? Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo cũng viết: “Trải Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập”.
Lưu Bang lên ngôi Hán Đế để rồi năm 111 TCN, nhà Tây Hán sai Lộ Bác Đức sang đánh nhà Triệu, lấy đất Nam Việt. Từ đây, đất nước chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhà Tây Hán đổi tên nước ta thành Giao Chỉ Bộ gồm 3 quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam.
2. Mùa xuân năm 40 sau công nguyên, 2 nữ anh hùng dân tộc phất cờ khởi nghĩa giành lại độc lập tự chủ cho đất nước. Trưng Vương lên ngôi nhưng chưa kịp đặt quốc hiệu và cương vực chưa rõ ràng. Năm 220, nhà Đông Hán cử Mã Viện sang đàn áp triều đình Trưng Vương, đất nước chúng ta lại bị nhà Đông Hán đô hộ với tên gọi Giao Chỉ. Trung Quốc “tam phân thiên hạ” Ngụy, Thục, Ngô, nước ta lại được đổi tên thành Giao Châu nằm dưới sự cai trị của Đông Ngô.
Năm 248 sau công nguyên, người nữ anh hùng Triệu Thị Trinh dấy quân chống lại sự đô hộ tàn bạo của quân Ngô nhưng thất bại, nước ta vẫn nằm dưới sự đô hộ của Đông Ngô. Tư Mã Viêm sau khi diệt nước Thục, Ngô lên ngôi vua, tức Tấn Vũ đế, nước ta vẫn thuộc nhà Tấn với tên gọi Giao Châu. Cuối đời Tấn xảy ra loạn bát vương, nhà Tấn mất ngôi, quần hùng nổi lên xưng hùng, xưng bá, sử gọi thời Nam Bắc Triều với các nhà Tống, Tề, Lương nối tiếp nhau cai trị. Nước ta vẫn mang tên Giao Châu. Khi ấy, nhân nhà Lương có loạn, anh hùng dân tộc Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa thành công, năm 544 ngài lên làm vua xưng Nam Việt Đế, đặt tên hiệu là Thuận Thiên, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân với mong muốn đất nước trường tồn mãi mãi. Năm 602, nhà Tùy chiếm được nước Vạn Xuân và vẫn gọi nước ta với tên Giao Châu. Nhà Đường tiếp nối nhà Tùy tiếp tục cai trị nước ta. Năm 622, nhà Đường đặt Giao Châu đại tổng quản chủ và đến năm 679, đổi làm An Nam đô hộ phủ.
Họ Khúc dấy nghiệp rồi tới họ Ngô dựng nghiệp, đất nước chúng ta dù trên danh nghĩa vẫn lệ thuộc Trung Quốc nhưng thực tế đã giữ được độc lập tự chủ của mình. Năm 938, sau chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, nước ta thoát khỏi hàng ngàn năm lệ thuộc phương Bắc. Năm 939, Ngô Quyền lên ngôi vua, đóng đô ở Cổ Loa nhưng ngài chưa định niên hiệu. Năm 968, Đinh Tiên Hoàng lên ngôi hoàng đế, đóng đô ở Hoa Lư, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, nhưng nhà Tống khi ấy chỉ phong cho Đinh Tiên Hoàng là Giao Chỉ quận vương. Quốc hiệu Đại Cồ Việt tiếp tục tồn tại dưới thời tiền Lê.
Năm 1010, Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) tiếp ngôi nhà Lê và dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, nhà vua đổi tên Đại La thành Thăng Long vì có điềm rồng bay lên khi thuyền vua tới. Năm 1054, khi lên ngôi vua, Lý Thánh Tông đã đổi tên nước thành Đại Việt. Đại Việt là quốc hiệu được dùng lâu nhất gần 800 năm trải suốt các triều Trần và Hậu Lê. Suốt trong khoảng thời gian ấy, chỉ có một giai đoạn ngắn nước ta mang tên Đại Ngu (sự yên vui lớn) dưới triều Hồ (1400-1407). Cũng trong khoảng thời gian ấy, từ năm 1414 đến 1427, nhà Minh xâm lược và đô hộ nước ta, chia nước ta thành quận huyện và đổi tên nước ta là Quận Giao Chỉ. Quang Trung lên ngôi hoàng đế, nước ta vẫn mang tên gọi Đại Việt. Nhà Thanh cho người sang phong cho Quang Trung làm An Nam quốc vương, tức họ vẫn xem nước ta là xứ An Nam.
3. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua với niên hiệu Gia Long, sau đó, ngài cho sứ thần sang Trung Quốc cầu phong và xin đổi quốc hiệu là Nam Việt. Nhà Thanh sợ quốc hiệu Nam Việt lầm với nước Nam Việt của Triệu Đà, bởi khi ấy, nhiều phần đất của Nam Việt xưa đã thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Vua Gia Long kiên trì lập trường nếu không đổi quốc hiệu thì không nhận phong. Cuối cùng, vua Gia Khánh nhà Thanh cho đổi Nam Việt thành Việt Nam và phong cho Nguyễn Ánh là Việt Nam Quốc vương. Ngày 17.2 năm Giáp Tý (1804), vua Gia Long tuyên chiếu đặt quốc hiệu Việt Nam, bố cáo trong và ngoài nước, nước ta chính thức mang tên gọi Việt Nam khi ấy. Có điều lạ là cái tên Việt Nam đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử trước đó như đã nêu trên.
Khi đô hộ Việt Nam, 3 kỳ ở Việt Nam mà vua Minh Mạng chia trước đó đã bị người Pháp thành lập 3 chế độ chính trị khác nhau. Trung kỳ được giao cho triều đình Huế quản lý với tên gọi An Nam, Bắc kỳ đổi thành Tonkin, Nam kỳ đổi thành Cochinchine (tức Cochin gần Tần (Trung Quốc)), cái tên Việt Nam hay Đại Nam, Đại Việt Nam mất hẳn trên bản đồ thế giới. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 với bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2.9.1945 khai sinh nhà nước mới, đó là nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đầu năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định đặt tên nước là: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từ một đất nước lệ thuộc, nước Việt Nam hôm nay đã có một cương vực rõ ràng với “Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác” (Nguyễn Trãi - Bình Ngô đại cáo). Hiểu về nguồn gốc tổ tiên, cội nguồn dân tộc, hiểu về quốc hiệu, cương vực để mỗi người Việt Nam hiểu cha ông mình hơn, trân trọng quá khứ và hiện tại, cùng nhau hướng về tương lai tốt đẹp của đất nước và dân tộc. Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân đã viết: “Cùng với giang sơn gấm vóc và kho tàng văn hiến của cha ông để lại, chúng ta may mắn được hằng ngày gọi hai chữ Việt Nam”.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thieng-lieng-hai-tieng-viet-nam-a181427.html