Thiết bị giám sát, quản lý môi trường trên không và dưới nước

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM vừa tổ chức hội thảo giới thiệu 'Giải pháp giám sát và quản lý môi trường bằng công nghệ UAV và ROV'.

Thiết bị giám sát môi trường nước và không khí của nhóm nghiên cứu.

Thiết bị giám sát môi trường nước và không khí của nhóm nghiên cứu.

Thiết bị bay không người lái và thiết bị kiểm tra dưới nước giúp thực hiện quá trình giám sát một cách nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu chi phí, rủi ro trong những điều kiện phức tạp về độ cao, gió, thời tiết hoặc bức xạ.

Thay thế công nhân

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM vừa tổ chức hội thảo giới thiệu “Giải pháp giám sát và quản lý môi trường bằng công nghệ UAV và ROV”. Đây là một trong những hoạt động do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) triển khai thực hiện.

Thiết bị bay không người lái (drone, UAV - Unmanned Aerial Vehicle) và thiết bị kiểm tra dưới nước (ROV - Remotely Operated Underwater Vehicle) là những công cụ hiện đại đang được ứng dụng để thay thế nhân công trong hoạt động giám sát, quản lý môi trường. Chúng có thể giúp thực hiện quá trình giám sát một cách nhanh chóng, chính xác, giảm thiểu chi phí và rủi ro trong những điều kiện phức tạp về độ cao, gió, thời tiết hoặc bức xạ.

Với mức chi phí đầu tư thiết bị hợp lý, khả năng vận hành hiệu suất cao, UAV và ROV triển khai các tác vụ nhanh chóng, thay thế nhân công hiệu quả trong những môi trường làm việc khắc nghiệt, độc hại.

Qua đó, việc sử dụng UAV và ROV trong theo dõi, kiểm tra và phát hiện kịp thời những vấn đề trong giám sát, quản lý môi trường sẽ giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh trong doanh nghiệp, tổ chức an toàn hơn.

Ông Võ Duy Quý (Giám đốc Công ty TNHH AONIC Việt Nam) cho biết UAV là giải pháp mới, phù hợp cho hoạt động giám sát và đánh giá tình trạng rừng/khu bảo tồn thiên nhiên.

Các loại UAV tầm nhiệt hoặc đa quang phổ hỗ trợ đánh giá diện tích rừng, xác định mật độ cây trồng và phát hiện sớm các vấn đề như sự khai phá rừng bất hợp pháp hay dấu hiệu của sự suy giảm của rừng, giám sát phòng cháy, chữa cháy với thiết bị camera tầm nhiệt.

Với thiết lập tuần tra tự động giám sát, UAV liên tục cập nhật tình trạng rừng, theo dõi sự phát triển của cây, phát hiện sớm các hoạt động xâm phạm trái phép, giám sát và quản lý hoạt động như phá rừng, xói mòn đất, khai thác quá mức nguồn tài nguyên đe dọa tới các hệ sinh thái…

Trong hoạt động quản lý cơ sở hạ tầng ngành nước, UAV cũng được sử dụng để điều hướng điểm lấy mẫu, thu thập mẫu nước ở độ sâu được chỉ định, ghi dữ liệu và báo cáo… giúp cải thiện hiệu quả, giảm chi phí hoạt động.

Quản lý, giám sát tài nguyên khu vực rộng lớn

Ông Võ Duy Quý cho biết, UAV có thể cất cánh và bay qua các con sông, hồ, hồ chứa để thu thập dữ liệu bằng các chuyến bay tự động, giảm chi phí, cắt giảm giờ làm việc thực địa, qua đó cho phép khảo sát chi tiết, quy mô lớn về tài nguyên thiên nhiên; cung cấp bản đồ xung quanh mặt nước và các cửa xả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi dữ liệu đo từ xa, quản lý tài nguyên; giám sát các khu vực rộng lớn.

Dữ liệu hình ảnh trên không đa dạng giúp người dùng dễ dàng phân loại các vùng nước, ước tính diện tích bề mặt nước và giám sát hệ thống thoát nước. UAV còn được sử dụng để phát hiện đa khí theo thời gian thực; thực hiện theo dõi giám sát khí trên không; đánh giá chính xác mức độ và tính chất ô nhiễm, giảm thiểu rủi ro cho nhân công trong hoạt động giám sát ô nhiễm môi trường.

Trong môi trường nước, các mẫu ROV được trang bị các cảm biến quang học và camera để kiểm tra, đánh giá hệ thống móng cọc, xói mòn kết cấu, cáp ngầm các công trình ngầm; thu thập phân tích và đánh giá mẫu nước tại biển, sông ngòi, ao hồ, bể chứa.

ROV có khả năng phản ứng nhanh chóng với các trường hợp khẩn cấp, làm việc dưới nước trong thời gian dài; hoàn thành các cuộc kiểm tra dưới nước một cách nhanh chóng và hiệu quả; thay thế thợ lặn có thể thực hiện các tác vụ lặn sâu, khảo sát nhanh chóng tiết kiệm thời gian các tuyến ống ngầm, đảm bảo an toàn cho các bể chứa và đường ống dẫn nước.

Thiết bị có các cảm biến đo thông số môi trường giúp phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn, phục vụ nghiên cứu và đánh giá hệ sinh thái dưới nước. Thiết bị này dễ dàng hoạt động trong các bể chứa nước, len lỏi quá các đường ống dẫn nước để phát hiện những hư hại, trầm tích bùn lắng có thể gây xuống cấp hệ thống của nhà máy lọc nước; tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống ống dẫn nước của nhà máy đến các điểm sử dụng.

Nhóm nghiên cứu cho biết, hiện thiết bị công nghệ đã được nghiên cứu hoàn thiện, sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị có nhu cầu trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng không khí, đường ống nước…

Nhật Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thiet-bi-giam-sat-quan-ly-moi-truong-tren-khong-va-duoi-nuoc-post713437.html