Thiết bị tiền tỷ, giáo viên không sử dụng cũng chỉ là rác
Việc thiếu thiết bị dạy học là thách thức không nhỏ, trong thực hiện chương trình mới. Bên cạnh đó, có những nơi, thiết bị dạy học có thừa mà lại để lãng phí.
Trong báo cáo tổng kết hàng năm của không ít cơ sở giáo dục có cụm từ tương đồng “thiết bị dạy học thiếu, không đồng bộ…”.
Thực tế thiết bị dạy học có thiếu không?
Một số địa phương, nguồn ngân sách cấp cho giáo dục hạn chế, ngay cả định mức biên chế bảo vệ còn không có; giáo viên phải trực đêm bảo vệ trường không lương; lấy tiền đâu mà mua sắm thiết bị.
Giáo viên tâm sự “Chúng em dạy chay không à, muốn “dạy mặn” lắm chứ, nhưng hóa chất không, dụng cụ không; thí nghiệm chủ yếu làm bằng … tranh vẽ thầy ạ”.
“Em có máy tính xách tay, các thí nghiệm chủ yếu tải clip cho học sinh xem, phòng thực hành có nhưng không có dụng cụ để thực hành”.
“Em dạy Hóa, may là có các App thí nghiệm có thể chạy được trên điện thoại thông minh, hướng dẫn các em tải về, vừa chơi vừa học, cũng làm các em thêm hứng thú học tập”.
Việc thiếu thiết bị dạy học là thách thức không nhỏ, trong thực hiện chương trình mới.
Bên cạnh đó, có những nơi, thiết bị dạy học tương đối “dư thừa”; người viết thấy mà thèm, mà tiếc vì sự lãng phí.
Có những bộ kính hiển vi điện tử đã cấp về mấy năm còn nguyên đai, chưa hề mở ra; nhiều thùng dụng cụ vật lý, hóa học, thùng đã mục, vậy mà các lọ đựng hóa chất còn “nguyên tem”.
Khi hỏi ban giám hiệu tại sao giáo viên không dùng thiết bị dạy học, hiệu trưởng “tỉnh bơ”:
“Có mà, tháng nào cũng có thống kê sử dụng của tổ trưởng, chuyên môn tổng hợp báo cáo. Sử dụng thiết bị dạy học cũng là một tiêu chí đánh giá giáo viên của trường tôi”.
Khi đưa ra “bằng chứng” cụ thể, thì chống chế: “Chắc chưa có nhân viên thiết bị chuyên nghiệp nên giáo viên ngại sử dụng; mà cũng thông cảm anh ạ, dụng cụ, hóa chất có nguồn gốc Trung Quốc, hư hỏng khi chưa sử dụng, không an toàn”.
Một sự lãng phí không hề nhỏ!
Có những trường học, ngân sách bỏ ra hàng trăm triệu để lắp đặt bảng tương tác thông minh cho mỗi lớp.
Khi được hỏi về việc thầy cô đã sử dụng dạy học như thế nào, học sinh lắc đầu, chỉ mới sử dụng vài lần trong tiết hội giảng, dự giờ, còn lại ít khi sử dụng; chủ yếu vẫn là “truyền thống” phấn trắng, bảng xanh.
Với bảng tương tác thông minh, giáo viên có thể làm ạo môi trường tương tác toàn diện, thu hút và lôi cuốn học sinh chú ý đến bài giảng hơn, kích hoạt trí tuệ khả năng tư duy, khả năng sáng tạo của học sinh, giúp cho học sinh dễ dàng hình dung và có khái niệm chính xác về hình ảnh, sự vật, âm thanh, tạo bài học vui nhộn, nâng cao khả năng của học sinh và chuyên môn của giáo viên v.v…, vậy mà không sử dụng quả là đáng tiếc!
Khi người viết có nhã ý mời giáo viên về hướng dẫn sử dụng bảng tương tác thông minh dạy tiếng Anh bằng Skype hoàn toàn miễn phí; chỉ để lan tỏa sự tử tế, đem lại lợi ích cho học trò, phát huy cơ sở vật chất đã có; hiệu trưởng nhà trường cảm ơn, chờ trao đổi với tổ Anh văn rồi trả lời sau.
Kết quả là “Dạ em nghe giáo viên em nói học Skype là học online. Trường em đã có giáo viên người nước ngoài dạy hợp đồng, đã tương tác trực tiếp rồi. Dạ cám ơn anh vì đã có nhã ý”.
Đúng là, thiết bị tiền tỷ, giáo viên không sử dụng cũng chỉ là rác.
Làm sao để giáo viên sử dụng thiết bị dạy học?
Không gì hơn, hiệu trưởng nhà trường phải là người tiên phong; hiệu trưởng phải biết khai thác thiết bị, đặc biệt là thiết bị thông minh hiện nay.
Những trường học, hiệu trưởng tiếp cận được công nghệ, sử dụng được máy tính, có năng lực, tâm huyết thật sự; thiết bị dạy học được khai thác tối đa và ngược lại.
Động viên, nêu gương, khuyến khích giáo viên sử dụng thiết bị hiện có; có hình thức kỉ luật với giáo viên không sử dụng thiết bị.
Với bảng tương tác thông minh, việc sử dụng có thể còn “lạ lẫm” với giáo viên; tuy nhiên, đã biết sử dụng máy tính để bàn, điện thoại thông minh là sử dụng được.
Nhà trường cần xây dựng “nhân tố mới” đổi mới phương pháp dạy học; khen thưởng, động viên kịp thời giáo viên sử dụng bảng tương tác thông minh.
Chấp nhận “hồ sơ điện tử” cho những giáo viên sử dụng công nghệ dạy học.
Khai thác và sử dụng thiết bị dạy học, là nhiệm vụ của mỗi giáo viên và nhà trường; không sử dụng thiết bị dạy học, không tự bồi dưỡng kiến thức để sử dụng thiết bị thông minh trong dạy học là chúng ta đang tự loại mình ra khỏi “cuộc chơi” đổi mới hiện nay.