Thiết giáp hạm trở lại chiến trường: Giấc mơ hoài cổ đầy rủi ro cho quân đội Mỹ
Thông tin cho rằng tàu sân bay USS Harry S. Truman có thể đã thoát khỏi một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo chống hạm do lực lượng Houthi thực hiện tại Biển Đỏ đã dấy lên nhiều tranh luận trong giới quân sự Mỹ.
Theo tạp chí National Interest, một số ý kiến thậm chí đã nhắc đến khả năng hồi sinh các thiết giáp hạm - biểu tượng sức mạnh hải quân Mỹ trong thế kỷ 20, để thay thế tàu sân bay vốn ngày càng dễ tổn thương trước các mối đe dọa hiện đại.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh công nghệ cao ngày nay, giới chuyên gia khẳng định thiết giáp hạm, dù ấn tượng về lịch sử và hỏa lực, không thể là lời giải cho vấn đề chiến lược mà tàu sân bay đang gặp phải.

Thiết giáp hạm USS Iowa đã trở thành một bảo tàng nổi - Ảnh: Reuters
Thiết giáp hạm và thời hoàng kim đã qua
Không thể phủ nhận sức mạnh của các thiết giáp hạm trong quá khứ. Một trong những ví dụ điển hình là USS Tennessee (BB-43) - thiết giáp hạm lớp Tennessee từng phục vụ trong Thế chiến 2. Con tàu này từng được coi là kỳ quan kỹ thuật với vũ trang mạnh mẽ. Tốc độ 21 hải lý/giờ, kết hợp với giáp dày, khiến Tennessee trở thành một trong những tàu chiến đáng gờm nhất của hải quân Mỹ đầu thế kỷ 20.
Được đưa vào sử dụng năm 1920, USS Tennessee ban đầu phục vụ chủ yếu trong các hoạt động huấn luyện và thiện chí. Tuy nhiên, vai trò chiến đấu thực sự của con tàu chỉ bắt đầu sau trận Trân Châu Cảng năm 1941, khi nó bị hư hại bởi bom quân Nhật nhưng may mắn không bị đánh chìm như nhiều tàu khác cùng thời.
Sau đợt sửa chữa và nâng cấp vào năm 1942, gồm tăng cường hệ thống phòng không và trang bị radar, USS Tennessee trở lại chiến trường Thái Bình Dương, tham gia hàng loạt chiến dịch trọng yếu. Từ quần đảo Aleutian đến eo biển Surigao, từ Iwo Jima đến Okinawa, pháo của Tennessee đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của phe đồng minh.
Tennessee đã giành được 10 sao chiến đấu, ghi nhận những đóng góp xuất sắc. Dù vậy, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hạt nhân và tàu sân bay đã khiến thiết giáp hạm như BB-43 nhanh chóng bị xem là lạc hậu. Con tàu dừng hoạt động năm 1947 và chính thức bị xóa biên chế khỏi quân đội Mỹ vào năm 1959.
Hồi sinh thiết giáp hạm có thực sự cần thiết?
Thành tích trong Thế chiến 2 dễ khiến nhiều người luyến tiếc “thời hoàng kim” của thiết giáp hạm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc mơ về một thế hệ thiết giáp hạm mới nhằm thay thế tàu sân bay là hoài cổ phi thực tế.
Trong thời đại của tên lửa hành trình, vũ khí siêu thanh và máy bay không người lái, một con tàu nặng nề với lớp giáp dày, hỏa lực lớn như thiết giáp hạm khó có thể sống sót hoặc hoạt động hiệu quả trên chiến trường hiện đại, nơi tốc độ phản ứng, khả năng tàng hình và sự linh hoạt chiến thuật đóng vai trò then chốt.
Nếu muốn phục dựng các thiết giáp hạm như Tennessee, hải quân Mỹ sẽ phải trang bị lại toàn bộ hệ thống vũ khí, cảm biến, phòng thủ tên lửa và liên lạc hiện đại. Chi phí này có thể ngang ngửa, hoặc cao hơn, với việc chế tạo các lớp tàu chiến hiện đại như tàu ngầm hạt nhân hay tàu khu trục tàng hình.
Hơn nữa, dù thiết giáp hạm sở hữu hỏa lực pháo binh đáng gờm, nhưng phạm vi hoạt động của pháo lại rất hạn chế so với tên lửa hành trình hiện nay. Các loại pháo cỡ lớn truyền thống khó có thể tác chiến hiệu quả ở khoảng cách hàng trăm cây số - điều mà vũ khí hiện đại đòi hỏi.
Việc tàu sân bay USS Truman có thể đã tránh được một cuộc tấn công gần đây là minh chứng cho sự mong manh tiềm ẩn của các tàu sân bay trước những mối đe dọa mới như tên lửa siêu thanh hay UAV cảm tử.
Dù là biểu tượng quyền lực, tàu sân bay cũng ngày càng bị xem là mục tiêu lớn, chậm và dễ bị tấn công hơn trước. Tuy nhiên, thiết giáp hạm cũng không phải là câu trả lời. Giải pháp không nằm ở việc quay lại công nghệ của Thế chiến 2, mà phải hướng đến các hệ thống chiến đấu thế hệ mới, bao gồm: tàu không người lái (USV) với khả năng tấn công, do thám và mang tên lửa hành trình; tàu ngầm hiện đại có khả năng mang tên lửa hành trình và tàng hình chiến thuật; vũ khí siêu thanh với tầm bắn xa và khả năng tấn công chính xác; cùng với vũ khí năng lượng định hướng (DEW) như laser hoặc sóng vi ba để phòng thủ hiệu quả trước UAV và tên lửa tốc độ cao.
Nhà phân tích địa chính trị Brandon J. Weichert nhận định Lầu Năm Góc và hải quân Mỹ cần đầu tư quyết liệt vào các hướng đi tương lai này, thay vì hồi tưởng về “những khẩu pháo vĩ đại” của quá khứ.
Theo ông, trong bối cảnh địa chính trị đang chuyển dịch, Mỹ cần duy trì ưu thế công nghệ quân sự vượt trội. Việc đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) trong điều khiển chiến hạm, hệ thống cảm biến lượng tử, liên lạc vệ tinh bảo mật và phòng thủ mạng sẽ mang lại hiệu quả vượt trội hơn nhiều so với việc tái lập các siêu chiến hạm của thế kỷ trước.