Thiết kế giao thông không thể 'tùy tiền biện lễ'

Mô hình cao tốc đầu tư phân kỳ chỉ có hai làn xe hoặc bốn làn xe không có làn dừng khẩn cấp bị 'khai tử' cho thấy Chính phủ đã mạnh tay trong việc ngăn chặn những thiết kế giao thông không an toàn. Tuy nhiên, việc cần làm tiếp theo là sớm mở rộng các điểm dừng khẩn cấp quá hẹp hiện nay.

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT đường bộ cao tốc. Theo quy chuẩn này, đường bộ cao tốc phải có tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều) và phải có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục.

Với việc ban hành quy chuẩn nói trên, mô hình thiết kế cao tốc “phân kỳ đầu tư” trong giai đoạn 1 chỉ có hai làn xe chạy, không có dải phân cách cứng ở giữa hoặc bốn làn xe chạy không có làn dừng xe khẩn cấp liên tục chính thức bị xóa bỏ sau một thời gian được triển khai.

Cách đây khoảng hai năm, mô hình cao tốc “phân kỳ đầu tư” này bắt đầu phổ biến sau khi các đoạn cao tốc như Trung Lương – Mỹ Thuận, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết…lần lượt đi vào hoạt động.

Dù báo chí và các chuyên gia nhiều lần lên tiếng góp ý, thiết kế phân kỳ đầu tư mất an toàn và không khoa học nhưng mô hình này vẫn tiếp tục xuất hiện trong hàng loạt bản thiết kế các cao tốc khác. Có chuyên gia ngành giao thông còn cho rằng thiết kế này không sai, do nguồn vốn hạn hẹp nên phải “tùy tiền biện lễ”(1).

Không phải chờ đến khi QCVN 115:2024/BGTVT được ban hành, nếu đối chiếu với bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5729: 2012 “Đường ô tô cao tốc – yêu cầu thiết kế” đã được ban hành và áp dụng từ năm 2012 thì thiết kế phân kỳ đầu tư không đáp ứng đúng quy định. Bởi lẽ, TCVN 5729: 2012 quy định rất rõ “làn dừng xe khẩn cấp là thành phần bắt buộc” phải có trong thiết kế cao tốc.

Ngoài việc phải có chiều rộng tối thiểu 2,5 mét, bộ tiêu chuẩn TCVN 5729: 2012 còn quy định đối với địa hình khó thi công thì cho phép dải dừng xe khẩn cấp từng đoạn dài 30 mét cách nhau 500 mét. Thế nhưng trên một số cao tốc thiết kế phân kỳ đầu tư như Trung Lương – Mỹ Thuận chẳng hạn, dải dừng xe khẩn cấp vửa nhỏ hơn 2,5 mét khiến xe đậu vẫn lấn vào làn xe chạy, vừa cách xa nhau đến 10 km chớ không phải chỉ 500 mét như quy định.

Thực tế hoạt động của các cao tốc phân kỳ đầu tư cho thấy mô hình thiết kế này không bảo đảm đủ an toàn cho xe cộ lưu thông, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng.

Sau một loạt vụ tai nạn giao thông xảy ra trên các tuyến cao tốc loại này, cuối năm 2023, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiểm tra và kết luận có tới 7/11 tuyến cao tốc được khảo sát không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng khẩn cấp hoặc có nhưng chưa đủ bề rộng.

Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đã lên kế hoạch ưu tiên mở rộng 5 tuyến cao tốc chỉ có hai làn xe là Hòa Lạc – Hòa Bình, Yên Bái – Lào Cai, Thái Nguyên – Chợ Mới, Cam Lộ – La Sơn và La Sơn – Hòa Liên lên bốn làn xe.

Tuy nhiên, điều cần làm sớm để bảo đảm an toàn cho người dân là tăng số điểm dừng khẩn cấp trên các cao tốc bốn làn xe phân kỳ đầu tư đang hoạt động như Trung Lương – Mỹ Thuận, Vĩnh Hảo – Phan Thiết… thay vì phải đến 5-10 km mới có một điểm dừng. Ngoài ra, với các điểm dừng không đủ bề rộng, cần phải mở rộng đúng chuẩn để xe đậu không lấn vào làn xe chạy rất nguy hiểm.

Không chỉ là vấn đề mất an toàn, mô hình phân kỳ đầu tư còn có thể gây ra lãng phí vì khai thác thiếu hiệu quả rồi phải mất thêm thời gian để nâng cấp. Việc thi công mở rộng một cao tốc đang hoạt động sẽ gây ách tắc giao thông, thiệt hại không nhỏ cho xã hội.

——————————

Mục Nhĩ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thiet-ke-giao-thong-khong-the-tuy-tien-bien-le/