Thiết lập chuỗi liên kết vùng Đông Nam bộ

Tại hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ, lãnh đạo các địa phương trao đổi về thế mạnh, tiềm năng trong phát triển kinh tế - xã hội, lắng nghe ý kiến, tâm tư và nguyện vọng cũng như khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp (DN) trong việc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng cường kết nối thị trường trong cả nước.

Doanh nghiệp Bình Dương giới thiệu sản phẩm tại hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ

Lựa chọn tối ưu

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh, cho biết thành phố mong muốn Đông Nam bộ hình thành vùng nguyên liệu cho TP.Hồ Chí Minh, có thể do địa phương xây dựng, nhưng trên nền tảng hướng dẫn của DN về quy trình sản xuất, chỉ dẫn địa lý, cung cấp nguyên liệu đầu vào, hướng dẫn chăm sóc, sau cùng là tiêu thụ. TP.Hồ Chí Minh hiện cần nguyên liệu rất lớn để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng xuất khẩu và cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, việc ký kết giữa các DN giúp mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ. Đây cũng là cơ hội hiếm hoi giúp các đơn vị nắm bắt thông tin thị trường, lựa chọn phương án, kế hoạch đầu tư sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Qua đó, phát triển sản xuất bền vững trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay.

“Bình Dương mong muốn nhận được sự chia sẻ từ lãnh đạo UBND, sở, ngành các tỉnh, thành phố, nhất là các tập đoàn, hệ thống phân phối, DN trong vùng Đông Nam bộ và khu vực phía Nam; tạo mọi sự thuận lợi để nông sản, sản phẩm, hàng hóa của các DN có cơ hội cạnh tranh lành mạnh vào hệ thống phân phối, mang sản phẩm đến với người tiêu dùng theo đúng tinh thần người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, lãnh đạo ngành công thương Bình Dương bày tỏ.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến xoay quanh việc Chương trình OCOP đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của từng địa phương. Chương trình còn hình thành phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, nhất là hợp tác xã (HTX), DN nhỏ và vừa, đã hình thành nhiều vùng nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm… Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Doanh nghiệp chủ động

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail (Siêu thị GO!), cho rằng những nhà làm OCOP đa phần là kinh doanh nhỏ lẻ, không đủ năng lực quảng bá thương hiệu. Hàng OCOP tại địa phương khó bán tại siêu thị địa phương do có nhiều bên ngoài. Các siêu thị luôn ủng hộ sản phẩm OCOP nhưng cần có sự hỗ trợ của địa phương trong việc tập hợp sản phẩm, hướng dẫn quy chuẩn vào siêu thị cho các nhà cung cấp. Tại hội nghị, Central Retail đã ký kết 6 thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, trong đó có HTX Công nghệ cao Kim Long (dưa lưới, nhãn, thơm) của Bình Dương.

Ông Hoàng Long, Giám đốc Vùng Đông Nam bộ và Tây nguyên Saigon Co.op, cho biết trong kế hoạch phát triển thời gian tới, đơn vị hướng đến xây dựng mỗi huyện trên địa bàn các tỉnh, thành Đông Nam bộ có ít nhất một trung tâm thương mại. Đối với việc đưa sản phẩm, đặc biệt là hàng nông sản vào hệ thống siêu thị của Saigon Co.op DN cần bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định.

Đại diện Sàn thương mại điện tử Tiki cho hay đối với các DN phân phối lớn áp lực về doanh số cũng sẽ rất lớn. Do đó, DN trước khi đưa sản phẩm lên sàn cần nghiên cứu kỹ thị trường, nhu cầu người tiêu dùng. Sàn thương mại điện tử là sân chơi cho tất cả các DN. Do đó, các DN, HTX có thể tiếp cận để chuyển đổi hình thức thương mại phù hợp.

DN cho biết vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn nên cần có trung gian kết nối giữa “ông lớn” và “ông nhỏ”. Mong muốn chính quyền cũng tạo điều kiện bằng vốn, đào tạo quản trị DN, HTX, kiến thức về kinh tế thị trường, hỗ trợ cho các thương hiệu đứng vững. Đồng thời, phải có các khu vực chuyên bán sản phẩm mới, cần thiết có thể hình thành chợ. Ngoài ra, những nút thắt giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là giao thông, cần được kết nối, tạo ra mạch chảy thuận lợi.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh: Xây dựng được thương hiệu của sản phẩm OCOP là phải tạo ra mạng lưới rộng rãi, chính quyền địa phương làm tốt việc kết hợp, DN, nhà phân phối và đơn vị sản xuất phải thường xuyên quan hệ chặt chẽ. Phải có gian hàng, khu vực bán sản phẩm ngay tại địa phương, nhà phân phối phải tính toán thường xuyên cung cấp và bán sản phẩm ngay tại địa phương. Không hình thành vùng thì không thể đi xa được.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: Chúng tôi mong muốn các DN Bình Dương và các tỉnh, thành phố tăng cường hợp tác, liên kết hỗ trợ giải pháp nguồn nguyên vật liệu cung ứng cho nhau để tăng tính tuần hoàn cho sản phẩm. Từ đó, giảm bớt khâu trung gian, vận chuyển trong chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm mắc xích liên kết vùng bền vững trong thời gian tới. Các tỉnh, thành phố cùng chung tay xây dựng chiến lược phát triển vùng, nhất là quy hoạch vùng trồng, vùng sản xuất phù hợp với từng địa phương, tăng cường mối liên kết DN, cùng nhau đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng bền vững.

TIỂU MY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/thiet-lap-chuoi-lien-ket-vung-dong-nam-bo-a293934.html