Thiết lập hàng rào kiểm duyệt nội dung cho thương mại điện tử

Dự thảo Luật Thương mại điện tử siết chặt kiểm duyệt nội dung từ đầu vào, phân định rõ trách nhiệm theo loại hình nền tảng.

Kiểm duyệt chặt chẽ từ gốc

Dự thảo Luật Thương mại điện tử đang đặt nền móng cho một cơ chế kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt hơn, nhằm thiết lập môi trường kinh doanh trực tuyến công khai, minh bạch và giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng. Một trong những điểm nổi bật là việc phân định rõ trách nhiệm kiểm duyệt nội dung theo từng loại hình nền tảng từ trung gian, kinh doanh trực tiếp đến nền tảng tích hợp đa dịch vụ và các nền tảng quy mô lớn.

Theo dự thảo, các chủ thể vận hành nền tảng trung gian và mạng xã hội có hoạt động thương mại sẽ phải thực hiện kiểm duyệt nội dung trước khi hiển thị, thay vì chỉ phản ứng sau khi có vi phạm. Đây là thay đổi quan trọng, đòi hỏi các nền tảng phải đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, bộ phận kiểm duyệt và các công cụ AI để rà soát hiệu quả.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Thương mại điện tử chiều 30/6, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) cho rằng, việc xếp mạng xã hội vào nhóm nền tảng trung gian là không hợp lý vì đặc thù hoạt động khác nhau. Đại diện USABC đề xuất nguyên tắc “trách nhiệm phải tương xứng với quyền lợi và tính năng”, tránh gây gánh nặng không công bằng cho các chủ thể không chuyên về thương mại điện tử.

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Thương mại điện tử. Ảnh: Cấn Dũng

Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Thương mại điện tử. Ảnh: Cấn Dũng

Ngoài ra, các nền tảng này phải có cơ chế xác thực danh tính người bán với người trong nước là xác thực điện tử, còn người bán nước ngoài là hồ sơ hợp pháp hóa lãnh sự. Khi phát hiện vi phạm hoặc nhận yêu cầu từ cơ quan quản lý, các nền tảng phải gỡ bỏ nội dung sai phạm trong vòng 24 giờ. Đồng thời, họ phải phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác điều tra, xử lý tranh chấp, và có thể bị liên đới bồi thường thiệt hại nếu hành vi vi phạm gây tổn hại cho người tiêu dùng.

Đối với nền tảng trực tiếp kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, yêu cầu về kiểm duyệt, hiển thị thông tin sản phẩm đúng quy định và phản ứng nhanh trước vi phạm cũng được áp dụng tương tự. Nền tảng tích hợp đa dịch vụ, nơi kết nối hoặc tích hợp nhiều nền tảng khác có trách nhiệm gỡ bỏ nền tảng liên kết có dấu hiệu vi phạm trong 24 giờ, bảo đảm không trở thành điểm trung chuyển của hành vi sai trái.

Chia sẻ với báo chí, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, vấn đề đặt ra là làm sao để quy định rõ trách nhiệm, nâng cao vai trò của chủ sàn thương mại điện tử trong việc xử lý các khiếu nại từ phía người tiêu dùng, cũng như nâng cao trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa được giao dịch trên sàn.

“Tổ chuyên gia cân nhắc đến việc yêu cầu các chủ sàn có cơ chế phản hồi chủ động trong thời gian ngắn nhất với các trường hợp hàng hóa có lỗi, đặc biệt là gửi thông báo trực tiếp đến những người tiêu dùng đã từng mua sản phẩm lỗi đó, nhằm đảm bảo thông tin được truyền tải đầy đủ, kịp thời và hướng dẫn rõ ràng về quy trình đổi, trả hàng”, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.

Với các nền tảng trung gian có quy mô lớn, dự thảo đặt ra thêm nhiều yêu cầu đặc thù. Trước hết là việc xây dựng hệ thống xử lý khiếu nại trực tuyến; tiếp đến là thiết lập cơ chế kiểm soát, giải trình việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong gợi ý, hiển thị nội dung cho người dùng nhằm ngăn hiện tượng “thao túng bằng thuật toán”. Đồng thời, nền tảng phải có giải pháp ngăn giao dịch giả mạo, và khi được yêu cầu, phải cung cấp dữ liệu giao dịch, thuật toán liên quan cho cơ quan chức năng.

Cũng liên quan đến nền tảng trung gian, tại Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Luật Thương mại điện tử, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, dự thảo hiện định nghĩa “nền tảng thương mại điện tử trung gian” là nền tảng cho phép nhiều bên đăng ký tài khoản.

“Cách định nghĩa này chưa phản ánh rõ yếu tố “trung gian” vốn là đặc trưng cốt lõi của mô hình. Nếu không làm rõ yếu tố trung gian, sẽ dẫn đến tình trạng một số mô hình vừa thuộc nền tảng trung gian, vừa thuộc nhóm nền tảng tích hợp đa dịch vụ”, đại diện VECOM nhấn mạnh.

Những quy định này cho thấy một cách tiếp cận chủ động và có hệ thống, chuyển trách nhiệm từ cơ quan quản lý sang chính các đơn vị vận hành nền tảng, coi họ là người gác cổng thông tin đầu tiên.

Xây dựng “blacklist” hành vi cấm

Bên cạnh cơ chế kiểm duyệt chung, dự thảo Luật Thương mại điện tử cũng đặc biệt chú trọng tới các loại hình nội dung đang có ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng và thị trường như livestream bán hàng và đánh giá sản phẩm.

Các nền tảng cả trực tiếp lẫn trung gian có trách nhiệm lưu trữ dữ liệu livestream (bao gồm hình ảnh, âm thanh) trong ít nhất 3 năm để phục vụ kiểm tra, đối chiếu khi cần. Người thực hiện livestream nếu có hoạt động tiếp thị liên kết phải công bố hoặc ủy quyền cho nền tảng công bố thông tin được tài trợ. Họ cũng phải minh bạch về giá, thông tin sản phẩm, tuân thủ quy định quảng cáo, khuyến mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cần phân biệt rõ dữ liệu livestream bán hàng với dữ liệu livestream thông thường, đề xuất yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử phải lưu trữ riêng biệt nội dung có chức năng bán hàng trực tuyến.

Dự thảo Luật Thương mại điện tử cũng đặc biệt chú trọng tới các loại hình nội dung đang có ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng và thị trường như livestream bán hàng và đánh giá sản phẩm. Ảnh minh họa

Dự thảo Luật Thương mại điện tử cũng đặc biệt chú trọng tới các loại hình nội dung đang có ảnh hưởng lớn đến hành vi tiêu dùng và thị trường như livestream bán hàng và đánh giá sản phẩm. Ảnh minh họa

Dự thảo yêu cầu các nền tảng phải hiển thị đầy đủ và chính xác các đánh giá hợp pháp của người mua. Việc xóa hoặc làm sai lệch phản hồi chỉ được phép nếu đánh giá vi phạm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Đặc biệt, người viết đánh giá có liên quan đến tiếp thị liên kết cũng phải công bố nguồn tài trợ, giúp người tiêu dùng có cái nhìn khách quan hơn.

Ngoài ra, các nền tảng không được tạo điều kiện cho việc kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục cấm, bao gồm hàng giả, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng hoặc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc can thiệp nhằm ngăn cản người tiêu dùng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử khác cũng là hành vi bị cấm. Đặc biệt, dự thảo yêu cầu các nền tảng không được sử dụng thuật toán hoặc các biện pháp kỹ thuật để ưu tiên hiển thị sản phẩm, hàng hóa một cách thiếu minh bạch, hay làm sai lệch, che giấu các phản hồi tiêu cực của người tiêu dùng mà không công khai tiêu chí lựa chọn.

Để bảo đảm công bằng, dự thảo yêu cầu xây dựng hệ thống giải quyết khiếu nại nội bộ thân thiện người dùng, trong đó quyết định xử lý không chỉ dựa vào hệ thống tự động mà cần sự giám sát bởi nhân sự chuyên môn, tránh tình trạng máy móc gây oan sai cho các bên liên quan. Việc xử lý phải nhanh chóng, không phân biệt đối xử, dựa trên dữ liệu giao dịch điện tử và đúng quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Thương mại điện tử lần này cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc thiết lập một hệ sinh thái thương mại điện tử văn minh, minh bạch, nơi các nền tảng không chỉ là công cụ trung gian mà trở thành những chủ thể chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể. Từ yêu cầu kiểm duyệt nội dung trước khi hiển thị, xác minh danh tính người bán, lưu trữ livestream, minh bạch tài trợ, cho tới “blacklist” các hành vi vi phạm, dự thảo hướng tới bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và nâng cao tiêu chuẩn hoạt động cho các doanh nghiệp chân chính. Các quy định này được kỳ vọng sẽ trở thành “hàng rào lọc” giúp thương mại điện tử phát triển bền vững trong môi trường số hóa mạnh mẽ hiện nay.

Lê Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thiet-lap-hang-rao-kiem-duyet-noi-dung-cho-thuong-mai-dien-tu-408774.html