Thực hiện quy định EPR, doanh nghiệp giảm tiêu hao năng lượng đến 20% - 30%

Sản phẩm có thực hiện EPR mang yếu tố Xanh ngoài việc tăng khả năng cạnh tranh tạo cơ hội mở rộng ra thị trường, còn giúp doanh nghiệp ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (quy định EPR - hay còn gọi là quy định tái chế sản phẩm, bao bì và xử lý chất thải) không chỉ là trách nhiệm, còn là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững. Việc thực hiện EPR sẽ giúp DN đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác xuất khẩu, từ đó có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiện nay, việc thực hiện EPR đang tuân thủ theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 05/2025/NĐ-CP. Trong tiến trình này, Bộ Công Thương đang tham gia cùng với Bộ NN&MT xây dựng Nghị định riêng quy định về EPR, nhằm kiểm soát chất thải tại nguồn, đồng thời là đầu mối triển khai Chương trình sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp.

Thực hiện EPR sẽ giúp DN đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác xuất khẩu

Thực hiện EPR sẽ giúp DN đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác xuất khẩu

Theo ông Phạm Sinh Thành, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), đây chính là việc tiếp cận về tuần hoàn tái sử dụng chất thải và sau này được mở rộng triển khai dưới hình thức khác, đó là chương trình tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng - là 1 trong những chính sách để thúc đẩy kiểm soát ô nhiễm và tái sử dụng sản phẩm.

Cụ thể hóa việc triển khai chính sách, Bộ Công Thương cũng ban hành các quyết định triển khai hỗ trợ tài chính, ngân sách cho các DNVVN, các chương trình về truyền thông, phổ biến đến các tập đoàn, tổng công ty và các DN về các chính sách liên quan đến tái chế, tuần hoàn, kiểm soát chất thải.

“Việc tái sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón trong những năm 2017, 2018 là một vấn đề thách thức vô cùng lớn. Bộ Công Thương đã đề xuất và sau này được cụ thể hóa ở Nghị định 08, đó là đối với các chất thải công nghiệp nói chung khi được chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sẽ trở thành hàng hóa dưới dạng vật liệu, nguyên liệu. Đây chính là cơ sở pháp lý để thúc đẩy quá trình tái chế các vật tư tái chế đấy là nguồn nguyên liệu cho các hoạt động EPR”, ông Thành thông tin.

Từ hành động cụ thể của các DN ngành giấy trong việc thực hiện EPR, như đầu tư các dây chuyền tái chế hiện đại, đảm bảo tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, ông Lương Chí Hiếu, Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam lấy ví dụ, trước đây để sản xuất 1 tấn giấy phải tiêu hao từ 15 - 20 m3 nước, nhưng sau khi nâng cấp công nghệ, đầu tư các dây chuyền hiện đại, lượng nước cần chỉ là 3 - 4 m3/tấn sản phẩm và tiêu hao năng lượng cũng giảm đến 20% - 30%.

Đầu tư dây chuyền tái chế hiện đại giúp DN tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải

Đầu tư dây chuyền tái chế hiện đại giúp DN tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải

Ngoài ra, một số DN lớn trong ngành giấy đã tham gia Liên minh tái chế bao bì (PRO Việt Nam), để cùng thực hiện trách nhiệm thu gom cũng như tái chế bao bì sau khi sử dụng. Đồng thời, các DN áp dụng nhiều mô hình sản xuất sạch hơn, kiểm soát tốt chất lượng nước thải, khí thải và đẩy mạnh các hoạt động thu gom giấy đã qua sử dụng trong nước, tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên này như nguồn nguyên liệu thứ cấp cần thiết.

“Từ những hành động trên, các DN ngành giấy đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Đó là tăng được khả năng cạnh tranh, nhất là các sản phẩm có yếu tố xanh, tăng cơ hội mở rộng thêm các thị trường quốc tế. Đồng thời, DN ổn định được nguồn nguyên liệu đầu vào, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là trong giai đoạn giá cả thị trường biến động, nguồn nguyên liệu nội địa rất quan trọng”, ông Hiếu cho biết.

DN nâng cao năng lực điều hành

Từ kinh nghiệm triển khai EPR, ông Hiếu khuyến nghị các DN phải tự rà soát để tối ưu hóa quá trình sản xuất theo hướng tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải. Ngoài ra DN cũng nên tham gia vào những liên minh EPR để xây dựng được hệ thống thu gom, phân loại và tái chế một cách hiệu quả. Cạnh đó, DN cần chú trọng đầu tư vào số hóa, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và AI để nâng cao năng lực trong điều hành, quản lý, trong sản xuất, minh bạch việc truy xuất nguồn gốc, việc nhập khẩu nguyên liệu, tăng niềm tin cho khách hàng và đối tác.

“Để triển khai EPR một cách rộng khắp, các DN rất cần trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cùng các bên liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, dễ thực thi, cụ thể các chính sách về tín dụng xanh hay những ưu đãi về thuế dành cho DN liên quan đến tái chế tích cực, làm đúng trong tái chế và những người thu gom nhỏ lẻ”, ông Hiếu đề xuất.

Để triển khai EPR một cách rộng khắp, các DN rất cần trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước

Để triển khai EPR một cách rộng khắp, các DN rất cần trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước

Nhằm gia tăng hiệu quả EPR trong công tác bảo vệ môi trường lĩnh vực công nghiệp, ông Phạm Sinh Thành, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai và trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đây cũng sẽ là một trong những giải pháp vừa tạo ra các công cụ, vừa tạo ra các cơ chế, chính sách để thúc đẩy hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung, trong đó có tái chế, tái sử dụng chất thải nói riêng.

Mặt khác, để đáp ứng hiệu quả những quy định pháp luật liên quan đến môi trường như EPR, đồng thời đẩy mạnh tái chế, giảm thiểu phát thải ra môi trường,… bên cạnh sự chủ động của các DN, rất cần có những giải pháp, sự đồng hành hiệu quả từ Chính phủ, các cơ quan liên quan và các chính sách trợ lực, hiệu quả, minh bạch sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi EPR với đích đến cuối là giảm thiểu rác thải, tiết kiệm tài nguyên, góp phần hiện thực hóa các cam kết quốc tế trong bảo vệ môi trường

EPR khuyến khích việc quản lý vật liệu theo phương thức tuần hoàn, trong đó các sản phẩm, bao bì thải bỏ được thu hồi, tái chế, tái sử dụng để tạo ra các sản phẩm mới thay vì được đưa đến các bãi chôn lấp. Việc chuyển hướng dòng chất thải một mặt giúp giảm áp lực môi trường, mặt khác mang lại hiệu quả kinh tế, giúp thay đổi nhận thức trong xã hội, kích thích sự đổi mới.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thuc-hien-quy-dinh-epr-doanh-nghiep-giam-tieu-hao-nang-luong-den-20-30-post1211613.vov