Thiết lập mặt bằng giá mới từ nội địa đến xuất khẩu
Sau khi neo ở mức giá kỷ lục gần 30.000 đồng/lít, giá xăng giảm nhẹ hơn 600 đồng/lít cũng không góp phần hạ nhiệt các chi phí đầu vào cho DN. Thêm vào đó, chi phí vận chuyển quốc tế tăng cao đã từng bước hình thành mặt bằng giá mới.
Nội địa: sức ép tăng giá
Không nói rõ mức đề xuất tăng giá trung bình của các nhà cung cấp hiện nay là bao nhiêu, cũng như thời điểm tăng giá bán các sản phẩm trong chuỗi bán lẻ của mình, nhưng đại diện MM Mega Market cho biết đang làm việc với các nhà cung cấp để có thể có mức giá điều chỉnh hợp lý nhất cho người tiêu dùng.
Vị này cũng cho biết thêm, thời gian qua khi giá xăng dầu thế giới và trong nước đồng loạt tăng cao, đã tác động đến chi phí vận chuyển quốc tế, trong nước và chi phí sản xuất bao bì sản phẩm. Cùng lúc, giá nguyên vật liệu tăng tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, kéo theo hầu hết ngành hàng đều bị ảnh hưởng về giá.
Nói về mức tăng giá của nguyên vật liệu đầu vào, ngành dầu ăn là thí dụ khá điển hình. Tại ĐHCĐ của Kido mới đây, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Xuân Liễu, cho hay từ cuối năm ngoái đến nay giá nguyên vật liệu để sản xuất dầu ăn tăng liên tục ở mức 2 con số, đẩy giá thành sản phẩm tăng cao.
Để hạn chế ảnh hưởng, công ty đưa ra nhiều giải pháp về nhập và cân đối nguyên liệu trong sản xuất kinh doanh. Không chỉ Kido, hầu hết doanh nghiệp đều nỗ lực tìm mọi giải pháp để điều tiết chi phí, song tăng giá bán là điều không thể tránh khỏi. Cụ thể, giá nhiều sản phẩm dầu ăn trên thị trường hiện đã điều chỉnh tăng 1.000-2.000 đồng/lít.
Tương tự, nhiều sản phẩm như sữa, mì ăn liền… đã bắt đầu tăng giá từ đầu tháng 3. Đơn cử, từ ngày 1-3 nhà sản xuất thực phẩm ăn liền Acecook Việt Nam đã tăng giá bán đối với toàn bộ sản phẩm do không thể tiếp tục gồng mình trước đà tăng của nguyên vật liệu đầu vào. Cũng trong tháng này, Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A đã tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure.
Trước đó, Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam cũng tăng giá trong giới hạn 5% với 21 sản phẩm sữa bột Frisolac và Friso cho trẻ dưới 6 tuổi… Với các sản phẩm nằm trong chương trình bình ổn thị trường của TPHCM, nhiều DN cho biết đang phải nỗ lực giữ giá theo cam kết với Sở Công Thương đến cuối tháng 3 này, sau đó sẽ có đề xuất tăng giá bán từ tháng 4 hoặc tháng 5 vì đang chịu lỗ.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề xuất của Chính phủ về việc giảm Thuế Bảo vệ môi trường với xăng dầu, trong đó giảm 2.000 đồng/lít với xăng và 1.000 đồng/lít với dầu, áp dụng từ ngày 1-4 đến hết năm 2022. Liệu mức giảm này có làm hạ nhiệt giá hàng hóa?
Chia sẻ với ĐTTC, đại diện một DN thực phẩm, cho biết giá nguyên liệu đầu vào đã tăng từ khá lâu cộng thêm giá xăng tăng liên tiếp thời gian qua, nay giảm Thuế Bảo vệ môi trường chỉ kìm giá, khó hạ nhiệt. Bởi thực tế, giá tăng nhanh trong khi để giảm luôn cần độ trễ, chưa kể mặt bằng giá mới đã thiết lập sẽ rất khó hạ.
Xuất khẩu: lo thiếu container, chật vật cước phí
Giá nguyên vật liệu không ngừng tăng cao đang khiến DN làm hàng xuất khẩu đứng trước muôn vàn khó khăn. Bà Trần Hoàng Phú Xuân, Phó Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết giá sợi cotton 2 năm qua tăng gần 70%, nguyên phụ liệu ngành dệt may tăng đến 40%.
Hay nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu khác cũng đang đứng trước khó khăn khi giá nguyên liệu nhảy múa trước nhiều biến động của tình hình thế giới.
Sản xuất, xuất khẩu gỗ là thí dụ điển hình. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn, nhưng cũng phụ thuộc không nhỏ vào nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu. Hiện giá nguyên liệu gỗ trên thị trường thế giới đang biến động mạnh trước tác động của xung đột Nga - Ukraine.
Các DN xuất khẩu còn đang trong trạng thái hồi hộp khi đặt hàng với các hãng tàu vì tình trạng thiếu hụt container. Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một số DN xuất khẩu thủy sản cho biết, đến nay giá cước vận tải biển cao hơn mức đỉnh của năm ngoái. Cái khó hơn nữa là việc đặt container còn tùy vào từng tuyến, từng hãng.
Đặc biệt, tình trạng hủy hợp đồng xảy ra liên tục, gần tới ngày kéo container đại lý, hãng tàu báo với chủ hàng hết hoặc thiếu container, khiến nhà xuất khẩu phải đôn đáo chạy tìm các bên khác với giá cước đã được đẩy lên cao hơn. Hiện tượng “làm giá” hoặc cố tình “găm hàng” này khiến các chủ hàng buộc phải trả thêm cho bên khác có khi tới cả ngàn USD. Chưa kể, kẹt cảng, lịch tàu liên tục lùi, hàng đống container kéo vào cảng không có chỗ nên ùn ứ, muốn được hạ container sớm DN tiếp tục phải “lót tay”…
Mới đây, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thông báo do giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí đầu vào nhiên liệu, giá cước vận chuyển, xếp dỡ tại các cảng và ICD đều tăng. Trước tình hình này đơn vị buộc phải điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái - Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các ICD liên kết... với mức tăng 10-30% từ 1- 4.
Điều này sẽ tạo thêm chi phí cho các DN xuất khẩu. Nhiều sức ép tăng chi phí đầu vào, nhưng việc tăng giá bán sản phẩm khi xuất khẩu lại hết sức gian nan và cần có nhiều thời gian hơn hàng trong nước.
Nguyên nhân do hợp đồng đã ký từ trước nên điều chỉnh không dễ. Chưa kể giá nếu có tăng cũng chỉ có thể nhích nhẹ không thể tăng mạnh, vì người tiêu dùng nhiều quốc gia cũng đang thắt chặt hầu bao.
Tuy nhiên, việc thiết lập mặt bằng giá mới với hàng xuất khẩu không phải lúc nào cũng trong xu hướng tăng giá. Với những nhóm ngành làm hàng FOB, người mua hàng sẽ đặt tàu vận chuyển hàng, chịu chi phí cước biển, làm thủ tục thông quan nhập khẩu, thuế (nếu có) cũng như các chi phí phát sinh khác, cho đến khi hàng về đến kho người mua…
Chính vì thế, trong bối cảnh khan container và tăng chi phí vận tải biển quốc tế hiện nay, có thể người mua sẽ đàm phán để người bán (DN xuất khẩu) giảm giá hàng hóa để chia sẻ bớt rủi ro chi phí. Lúc này DN lại bị kẹt giữa 2 gọng kìm giá nguyên vật liệu tăng nhưng giá bán có thể phải giảm bớt để chia sẻ khó khăn với người mua.
Sức ép tăng giá bán sản phẩm đang đè nặng DN sản xuất, trong khi DN xuất khẩu chật vật với cước phí vận tải.