Thiệt thòi cho Phương Mỹ Chi

Phương Mỹ Chi chấp nhận đánh đổi điều gì để tỏa sáng tại Sing! Asia 2025?

Trong bối cảnh nghệ sĩ Việt đang tìm mọi cách để viral trên các nền tảng số quốc tế, Phương Mỹ Chi lại chọn hướng đi trái dòng: kiên định với dân gian đương đại, không chiều chuộng thị hiếu nhất thời. Tại sân khấu Sing! Asia 2025 - nơi quy tụ nhiều giọng ca trẻ châu Á, Phương Mỹ Chi không chỉ là đại diện Việt Nam, mà còn là người mang theo linh hồn âm nhạc dân tộc đến một sân chơi quốc tế. Và sự kiên định đó đang chứng minh, nghệ thuật vẫn có thể chiến thắng dù không phải bằng tốc độ lan truyền chóng mặt.

Trong khi nhiều nghệ sĩ chọn lối đi ngắn nhất để tiếp cận khán giả quốc tế thông qua hình ảnh idol, giai điệu bắt tai, vũ đạo bùng nổ thì Phương Mỹ Chi lại chọn con đường gập ghềnh hơn bằng cách xây dựng một ngôn ngữ âm nhạc dựa trên truyền thống. Các tiết mục như Bóng Phù Hoa, mashup Lý Bắc Bộ, Buôn Trăng… không chỉ là phần thi, mà là lát cắt văn hóa, được "kể lại" qua những bản phối hiện đại nhưng vẫn giữ linh hồn dân tộc.

Phương Mỹ Chi không đơn thuần trình diễn, mà đưa khán giả bước vào một thế giới đầy tính biểu tượng: võ Vovinam, áo tứ thân, trống cơm, hoa sen, gốm Chu Đậu… Từng yếu tố nhỏ đều được cài cắm để kể một câu chuyện về người Việt, về văn hóa Việt, và về cách thế hệ trẻ đang gìn giữ di sản bằng sáng tạo đương đại. Trong mắt giám khảo Trung Quốc, đây là một bất ngờ lớn. Họ gọi cô là "giọng hát cá heo", không chỉ vì kỹ thuật thanh nhạc tốt mà còn vì cảm xúc chân thực toát ra từ chất liệu âm nhạc gắn với đất mẹ. Chiến thắng 15-6 trước đối thủ mạnh Hoàng Linh tại tứ kết là minh chứng rõ nét rằng nghệ thuật nghiêm túc vẫn có chỗ đứng giữa thị trường giải trí ồn ào.

Tuy nhiên, chọn dân gian cũng đồng nghĩa với việc Phương Mỹ Chi phải chấp nhận thiệt thòi về mặt lan tỏa. Những nền tảng như Douyin hay Weibo - nơi nghệ sĩ được đo đếm bằng độ viral không dễ bị chinh phục bởi những tiết mục đậm chất văn hóa. Trái với Chi Pu ở Đạp Gió 2023, người chủ động xây dựng hình ảnh hiện đại, vũ đạo cuốn hút và truyền thông bài bản, Phương Mỹ Chi lại khá "kín tiếng". Nữ ca sĩ sinh năm 2003 không xuất hiện nhiều trên truyền thông Trung Quốc, không có chiến dịch truyền thông song hành, càng không sở hữu ê-kíp PR mạnh tại thị trường này. Cô để sản phẩm tự lên tiếng - một hướng đi đẹp, nhưng trong thế giới 4.0, điều đó là chưa đủ.

Dù vậy, tại Việt Nam, sức lan tỏa của Phương Mỹ Chi là điều không thể phủ nhận. Theo Billboard Vietnam Hot 100, có tới 6 ca khúc của Phương Mỹ Chi đồng thời xuất hiện trên bảng xếp hạng - một thành tích ngang bằng với Sơn Tùng trong thời kỳ đỉnh cao. Điều đó cho thấy sự cộng hưởng mạnh mẽ trong nước, dù ở nước ngoài, hiệu ứng vẫn còn hạn chế.

Từ See Tình (Hoàng Thùy Linh) đến Cắt Đôi Nỗi Sầu (Tăng Duy Tân), nhạc Việt từng gây sốt tại Trung Quốc nhờ âm thanh thời thượng, dễ tiếp cận. See Tình thậm chí trở thành hiện tượng Douyin, được gọi là "thần khúc", phủ sóng từ người nổi tiếng đến người dùng phổ thông. Cắt Đôi Nỗi Sầu cũng đạt vị trí cao trên bảng xếp hạng Trung Quốc, được nhiều nghệ sĩ bản địa cover.

Tuy nhiên, phần lớn thành công đó có tính "sớm nở chóng tàn". Nhạc Việt vẫn thiếu một hệ sinh thái bền vững: nghệ sĩ không có công ty quản lý chuyên trách quốc tế, thiếu đội ngũ hậu thuẫn chiến lược, không kiểm soát được bản quyền và thương mại hóa hiệu quả. Dù có hit nhất thời, vẫn khó duy trì độ nóng và chuyển hóa thành lợi nhuận hoặc thương hiệu dài hạn.

Trong bức tranh đó, Phương Mỹ Chi là ngoại lệ. Cô không viral, nhưng xây dựng hình ảnh vững chắc và có chiều sâu. Nữ ca sĩ không dựa vào chiến lược truyền thông mạnh, mà đặt niềm tin vào giá trị âm nhạc đích thực. Hướng đi ấy đòi hỏi nhiều thời gian hơn, nhiều hy sinh hơn nhưng có thể là lối đi bền vững, nếu được đầu tư bài bản và có chiến lược phù hợp.

Ở góc độ khác, Phương Mỹ Chi đang giữ vai trò là một "đại sứ văn hóa" đúng nghĩa. Cô không chỉ hát cho người Việt nghe, mà còn cố gắng để người nước ngoài hiểu được những giá trị của đất nước mình. Đó là tham vọng lớn, và cần được hỗ trợ bởi các hệ sinh thái nghệ thuật - điều mà hiện tại Việt Nam vẫn còn thiếu. Sự xuất hiện của các nghệ sĩ Việt trên sân khấu quốc tế là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng để thành công thực sự, không chỉ cần sản phẩm tốt, mà còn cần "nghệ thuật quản lý nghệ sĩ". Chi Pu thành công một phần vì biết tận dụng mạng xã hội, hợp tác với sao bản địa, có chiến dịch rõ ràng. Ngược lại, nhiều cái tên như Suni Hạ Linh, Lyly hay Tăng Duy Tân vẫn loay hoay vì thiếu hỗ trợ từ ê-kíp quốc tế.

Nếu Phương Mỹ Chi có thể kết hợp được chiều sâu văn hóa với chiến lược truyền thông hiện đại, cô hoàn toàn có khả năng trở thành "nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên định vị bản sắc trên bản đồ âm nhạc châu Á". Và thành công của cô sẽ là minh chứng rằng giữ gốc không có nghĩa là cũ kỹ, mà là cách để vươn xa bền vững.

Cuộc chơi âm nhạc hiện đại đòi hỏi nghệ sĩ vừa sáng tạo nghệ thuật, vừa biết "đọc" thị trường. Phương Mỹ Chi đang làm rất tốt ở vế đầu tiên, giờ là lúc cần thêm sự đồng hành từ các ê-kíp chuyên nghiệp, để chặng đường ra thế giới không chỉ là giấc mơ đẹp, mà là hành trình thật sự.

Hoài Thương

Nguồn SaoStar: https://www.saostar.vn/am-nhac/thiet-thoi-cho-phuong-my-chi-202507110005490249.html