Thiết thực lớp dạy chữ Khmer

Vào dịp hè, nhiều phụ huynh đưa con em đến điểm salatel trên địa bàn huyện Ðầm Dơi để học chữ Khmer. Ðối với người dân, các lớp học này rất thiết thực, ý nghĩa trong việc giữ gìn, phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer; giúp con em rời xa điện thoại, tivi, máy tính... hòa mình vào dòng chảy của văn hóa dân tộc.

Năm nay là năm thứ 2 xã Tân Duyệt tổ chức các lớp dạy chữ Khmer hè, với 3 lớp, 58 học sinh theo học, trong đó có 2 lớp 1 và 1 lớp 2, học 2 buổi/ngày. Các lớp học này không chỉ góp phần tích cực giúp con em đồng bào dân tộc bảo tồn, giữ gìn, phát huy ngôn ngữ, chữ viết, văn hóa dân tộc mình, mà còn giúp các em có không gian sinh hoạt lành mạnh, thiết thực, bổ ích trong dịp hè. Qua đó, cho thấy tiếng nói, chữ viết, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer đang được thế hệ trẻ quan tâm phát huy, giữ gìn.

Bên cạnh dạy chữ, các thầy chú trọng dạy các em đạo đức, lối sống, biết lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi. Ðồng thời, tổ chức các hoạt động trò chơi dân gian nhằm tạo sân chơi bổ ích cho các em trong dịp hè, góp phần tích cực giúp các em phát triển một cách toàn diện.

Ông Thạch Sươl hướng dẫn các em viết chữ Khmer.

Ông Thạch Sươl hướng dẫn các em viết chữ Khmer.

Ông Thạch Sươl, ấp Ðồng Tâm B, cho biết thêm: “Nhiều năm qua tôi giảng dạy chữ Khmer nhằm bảo tồn tiếng nói và chữ viết mẹ đẻ. Qua đó, tạo điều kiện cho các em hiểu nếp sống của đồng bào dân tộc, chỉ dạy các em biết tôn trọng người lớn. Tôi sẽ tiếp tục giảng dạy cho các em trong thời gian hè tiếp theo”.

Em Phạm Hồng Muội, ấp Ðồng Tâm A, bày tỏ: “Từ khi nghỉ hè đến nay, con được ba mẹ cho vào salatel học chữ Khmer. Khi thầy dạy, con chăm chú lắng nghe, đọc và viết theo, bây giờ thì con đã đọc được nhiều chữ cái, ở đây còn có nhiều bạn bè cùng học nên con thấy rất vui”.

Em Phạm Bảo Vy, ấp Ðồng Tâm A, chia sẻ: “Buổi sáng, con phụ giúp ba mẹ làm việc nhà, đầu giờ chiều, con vào salatel học chữ Khmer. Học ở đây được 2 năm, bây giờ con đã biết viết, biết đọc. Con thấy học chữ không quá khó, chỉ cần mình chăm chỉ là sẽ học tốt”.

Những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của người Khmer toàn huyện có nhiều khởi sắc. Hệ thống hạ tầng hoàn thiện, giúp việc học tập, giao thương và đi lại của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng thuận tiện, đời sống phát triển. Bà con quan tâm hơn đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống và truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp, trong đó có chữ viết./.

Thành Quốc

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thiet-thuc-lop-day-chu-khmer-a33396.html