Thiếu cục bộ vaccine ngừa Covid-19 ở một số địa phương

Việt Nam đang cần phải bổ sung 7,8 triệu liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên và 0,6 triệu liều cho trẻ 5-11 tuổi.

Tình trạng thiếu vaccine cục bộ xảy ra tại một số địa phương do kế hoạch không sát với thực tế. (Hình minh họa)

Tình trạng thiếu vaccine cục bộ xảy ra tại một số địa phương do kế hoạch không sát với thực tế. (Hình minh họa)

Ngày 25/8, tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19, đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện, Việt Nam đã cơ bản tiếp nhận hết vắc xin từ các nguồn và phân bổ tổng số 172 đợt cho các tỉnh, thành phố. Tổng dự trữ quốc gia hiện còn tổng khoảng 200.000 liều.

Hiện trên toàn quốc đang còn 10 triệu liều vắc xin ở tất cả các tuyến. Đáng nói, Viện vệ sinh dịch tễ chỉ ra đang có hiện tượng thiếu cục bộ vắc xin ở một số địa phương.

Điển hình như tình trạng thiếu vắc xin Moderna (liều 0,25ml) tiêm cho trẻ 6-11 tuổi. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ đủ cho các địa phương như kế hoạch triển khai, ưu tiên tiêm mũi 2 cho trẻ từ 6-11 tuổi đã tiêm mũi 1 cùng loại.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, nhiều gia đình có trẻ đã tiêm mũi 1 là vắc xin Moderna không đưa trẻ đi tiêm tiếp mũi 2 hoặc trẻ bị ốm, mắc COVID-19 nên phải hoãn tiêm. Trong khi đó, vắc xin Moderna chỉ được sử dụng tối đa trong 30 ngày kể từ khi rã đông nên nhiều địa phương đã tiêm nhắc cho người lớn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cần bổ sung 7,8 triệu liều vắc xin cho người từ 12 tuổi trở lên. Nguyên nhân theo Viện vệ sinh dịch tễ, một số địa phương đăng ký số lượng vắc xin thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Khi có phát sinh, một số nơi sẽ xảy ra tình trạng thiếu cục bộ.

“Có địa phương lên kế hoạch tiêm cho người 12 tuổi trở lên là 30.000 người nhưng thực tế còn tới 300.000 người cần phải tiêm, tức kế hoạch lên chỉ bằng 10% thực tế, thấp hơn rất nhiều lần”, đại diện Viện vệ sinh dịch tễ nói.

Để giải quyết tình trạng này, Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết hiện đang vận động để xin 7,8 triệu liều vắc xin Pfizer cho người lớn và trẻ 12 – 17 tuổi. Tới nay, cơ chế COVAX đã đồng ý viện trợ 1,2 triệu liều, dự kiến về Việt Nam vào tuần 2 tháng 9/2022. Ngoài ra, một số vắc xin dự kiến tiếp nhận gồm 4,2 triệu liều Pfizer từ chính phủ Úc qua UNICEF và 2,36 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ VNVC.

Với vắc xin cho trẻ 5-11 tuổi, hiện cần bổ sung 0,6 triệu liều, trong đó gồm 0,3 triệu liều vắc xin Moderna. Dự kiến, lượng vắc xin này cũng tiếp nhận viện trợ trong tháng 9/2022.

Viện vệ sinh dịch tễ đề nghị Viện Pasteur, các Trung tâm kiểm soát bệnh tật cần rà soát một lần nữa số người cần tiềm chủng để điều chỉnh lại số vắc xin cần tiêm địa phương, từ đó có con số tương đối chính xác, nhằm chủ động trong kế hoạch dự trù vắc xin của toàn quốc.

Cảnh báo số ca mắc gia tăng khi trẻ đi học

Bộ Y tế cũng cho biết, những tuần gần đây, số ca mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại. Trong 7 ngày qua, cả nước ghi nhận hơn 18.500 ca mắc COVID-19, trung bình mỗi ngày phát hiện hơn 2.600 ca. Đặc biệt, trung bình mỗi ngày ghi nhận 1 ca tử vong.

Tại một số cơ sở điều trị COVID-19, bệnh nhân nặng đang có dấu hiệu gia tăng, trong số này nhiều trường hợp chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine COVID-19. Trong cuộc họp Tổ chuyên môn chăm sóc, điều trị các ca bệnh COVID-19 tại Bộ Y tế mới đây, báo cáo từ các bệnh viện cho thấy, các trường hợp nặng và tử vong do COVID-19 chưa tiêm vaccine chiếm 23-25% ở các tuyến. Riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, tỷ lệ ca tử vong chưa tiêm vaccine COVID-19 là 50%.

Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi chặt chẽ nhóm bệnh nhân nặng, tử vong, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gen, theo dõi biến thể virus SARS-CoV-2.

Hiện, trong nước đã ghi nhận sự xuất hiện các biến thể phụ mới của biến chủng Omicron (như BA.4, BA.5, BA.2.74, BA.2.12.1) với khả năng lây nhanh hơn biến chủng gốc.

Các chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh, tiêm vaccine là biện pháp chiến lược quan trọng nhất, quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, các chuyên gia lưu ý các địa phương có nhiều khu công nghiệp, UBND các tỉnh, thành phố này cần chỉ đạo các khu công nghiệp triển khai tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 cần đạt tỷ lệ cao trên 90% để bảo đảm miễn dịch, duy trì liên tục công tác sản xuất, phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng với đối tượng trẻ em, khi thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, các chuyên gia cảnh báo, số trẻ mắc COVID-19 có thể gia tăng nhanh.

Riêng với đối tượng trẻ em, khi thời điểm năm học mới sắp bắt đầu, các chuyên gia cảnh báo, số trẻ mắc COVID-19 có thể gia tăng nhanh.

Từ thực tế điều trị bệnh nhân COVID-19, PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc COVID-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí tử vong.

Nhiều trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu COVID-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi, gây hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiếp tục khẳng định, đến thời điểm hiện tại, chiến lược tiêm vaccine COVID-19 vẫn hết sức quan trọng trong bối cảnh các biến thể lây lan nhanh hơn, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch. Vaccine phòng COVID-19 hiện tại vẫn có tác dụng phòng bệnh trở nặng và tử vong khi mắc bệnh; giúp giảm thiểu quá tải hệ thống y tế; giảm tỷ lệ truyền nhiễm bệnh.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, với đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi sẽ tiêm mũi 3 ngay sau mũi 2 là 5 tháng; người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh 3 tháng. Với trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, nếu đã mắc COVID-19, sau 3 tháng nên đưa trẻ tới các điểm tiêm chủng.

Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương tăng cường điểm tiêm chủng lưu động tại vùng khó khăn, tổ chức tiêm vét tại vùng có tỷ lệ thấp. Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo rà soát đối tượng học sinh, tổ chức tiêm vét cho trẻ để hoàn thành tiêm nhắc mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và tiêm đủ 2 mũi cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trước khi vào năm học mới.

Trà My

Đài PTTH Hà Nội

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/viet-nam-can-bo-sung-gan-8-trieu-lieu-vaccine-ngua-covid-19-d207738.html