Thiệu Hóa gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Văn hóa truyền thống là giá trị tốt đẹp tiêu biểu cho vùng đất, dân tộc được hình thành, chắt lọc và trao truyền qua bao thế hệ. Bởi vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống luôn được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Thiệu Hóa quan tâm thực hiện. Qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển quê hương.
Lễ hội đền thờ Lê Văn Hưu năm 2024.
Thiệu Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng lâu đời. Nơi đây có nhiều di sản văn hóa vật thể được gìn giữ và phát huy giá trị. Theo thống kê, huyện Thiệu Hóa có 44 di tích được xếp hạng, trong đó, có 6 di tích cấp quốc gia, 38 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích có giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạnh lớn như: Di chỉ khảo cổ học Núi Đọ - nơi phát hiện ra sự sống của người Việt cổ, Di tích đền thờ Lê Văn Hưu; đền thờ Đinh Lễ, Nguyễn Quán Nho, Nguyễn Quang Minh, Dương Tam Kha, Trần Lựu... những văn nhân, võ tướng lỗi lạc trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Nổi bật hơn cả là Di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung). Đền thờ Lê Văn Hưu được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990. Đây là nơi thờ tự nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam, tác giả của tác phẩm lịch sử nổi tiếng “Đại Việt sử ký”. Trước tình trạng xuống cấp trong thời gian dài của đền thờ Lê Văn Hưu, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm xây dựng kế hoạch và lộ trình tu bổ, tôn tạo, với tổng mức đầu tư trên 29 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, đền thờ đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, trở thành điểm đến linh thiêng, “địa chỉ đỏ” giáo dục các thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, ý chí, tinh thần vươn lên vượt khó của cha ông và đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Bên cạnh hệ thống di tích giàu giá trị, huyện Thiệu Hóa còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc tiêu biểu cho đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Đến nay, huyện còn lưu giữ khoảng 32 di sản văn hóa phi vật thể; đó là các lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, trò chơi, trò diễn, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, chữ viết, ngành nghề truyền thống... Tiêu biểu trong đó là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trình diễn dân gian “múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ”. Theo thông lệ của làng Cao Nhân (Thiệu Quang), “múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” được diễn ra vào ngày 12 tháng giêng, trong dịp lễ hội Ngư Võng Phường. “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” từng bị mai một. Song với mong muốn gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của địa phương, chính quyền và Nhân dân huyện Thiệu Hóa đã đồng lòng phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của “múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ”.
Việc quan tâm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại huyện Thiệu Hóa đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Đó là, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao, văn hóa truyền thống trở thành nền tảng phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước khẳng định thế mạnh của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Thiệu Hóa đã đặc biệt quan tâm đến công tác tu bổ, phục hồi các di tích và phục dựng các lễ hội, loại hình văn hóa. Điều này được minh chứng rõ nhất qua việc, “múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” từng là loại hình văn hóa bị mai một song lại “lội ngược” dòng trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó, trong những năm qua, có nhiều di tích đã hoàn thành việc đầu tư, tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp như, nghè Yên Lộ (Thiệu Vũ), lăng mộ Nguyễn Quán Nho (thị trấn Thiệu Hóa); nhà thờ Vũ Như Du, xã Thiệu Quang, nghè Đông Lỗ, xã Thiệu Long... Một số di tích đã được đồng ý chủ trương đầu tư và đang triển khai như, Hầm chỉ huy của Tỉnh đội Thanh Hóa thời kỳ 1965-1967, đền thờ Lê Khắc Tháo, đền thờ Đinh Lễ...
Song song với đó, huyện Thiệu Hóa đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và khai thác các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như quản lý, tổ chức các lễ hội, loại hình văn hóa trên địa bàn huyện. Để công tác quản lý văn hóa đạt hiệu quả cao, huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ làm công tác văn hóa; thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức văn hóa, thủ từ và các sư trụ trì về công tác quản lý di tích, di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, gắn việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa với việc triển khai Đề án Phát triển du lịch huyện nhằm phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thiệu Hóa Trần Ngọc Tùng, cho biết: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt và lâu dài. Bởi vậy, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân - chủ thể trong bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa cũng như xây dựng địa phương văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp. Đặc biệt, huyện sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn lực vào công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi đây là nguồn lực để quảng bá sản phẩm, điểm du lịch, các giá trị văn hóa nổi bật của địa phương trên các kênh thông tin; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử- văn hóa, các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể. Từ đó, góp phần đưa những giá trị văn hóa truyền thống trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.